Góp ý của Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Lệ Phi – TP Cần Thơ

Thứ Tư 16:25 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết tôi cơ bản xin bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo luật. Dự thảo luật lần này có nhiều tiếp thu và chỉnh lý so với dự thảo lần trước. Qua nghiên cứu dự thảo luật và và 4 Nghị định của Chính phủ, tôi xin đóng góp một số vấn đề mà tôi quan tâm.

Vấn đề thứ nhất, quy định về điều kiện đảm bảo an toàn đối vơ thức ăn đường phố. Trong thời gian qua đối với những cơ sở thức ăn đường phố, ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các buổi hội thảo về thức ăn đường phố để nâng cao kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người buôn bán. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của một số cơ sở chưa tốt, chủ yếu vi phạm là khâu vệ sinh, nhất là dụng cụ ăn uống và chứa đựng thực phẩm và vệ sinh của người bán và người phục vụ. Vệ sinh không đảm bảo là điều kiện đề vi khuẩn gây bệnh phát triển và nhất là các bệnh lây lan qua đường ruột. Nhưng trong quá trình thanh kiểm tra, việc xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa nghiêm, chủ yếu mang tính giáo dục nên không đủ sức răn đe do Nghị định 45CP của Chính phủ đã có nhiều điểm lỗi thời, không phù hợp thực tế. Mức xử phạt quá thấp, chưa tương xứng với mức độ của hành vi vi phạm. Vi phạm về vệ sinh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người chỉ phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng. Do vậy, tôi thống nhất với dự thảo luật lần này quy định về điều kiện đảm bảo an toàn đối với thức ăn đường phố và thông nhất với việc Chính phủ ban hành một nghị định riêng về xử phạt hành chính trên lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm và trong dự thảo Nghị định mức thưởng phạt tăng hơn so với mức quy định của Nghị định 45CP trước đây. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định Chính phủ nêu tại Khoản 6 Điều 8 phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với các hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm đã bị biến chất, nhiễm bẩn, có tạp chất lạ nhiễm các chất độc hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thêm, mức độ như thế nào mới gọi là ảnh hường nghiêm trọng. Ví dụ như gây ngộ độc có tử vong hoặc ngộ độc tập thể có người mắc cao hoặc ngộ độc gây sẩy thai v.v... Tôi đề nghị dự thảo quy định rõ thêm để có cơ sở pháp lý khi xử lý vi phạm.

Riêng việc quy định điều kiện bảo đảm an toàn trong sản xuất kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ tại Khoản 3, Điều 22 có quy định. "Căn cứ vào quy định của Bộ quản lý chuyên ngành và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật của địa phương quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh thì tôi e rằng sẽ diễn ra tình trạng mỗi địa phương sẽ làm một kiểu mà thực phẩm sản xuất ra thì lưu hành trong cả nước chứ không phải địa phương nào sản xuất ra thì chỉ tiêu dùng trong địa phương đó. Và khi có người ăn thực phẩm của tỉnh khác sản xuất mà bị ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn của mình thì sẽ khó xử lý cho cơ quan chức năng, sẽ căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật của địa phương nào để xử lý. Do vậy, trong vấn đề này theo tôi chỉ nên quy định Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với loại hình sản xuất kinh doanh thực phẩm quy mô lẻ trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình như tại Khoản 2, Điều 22 là đủ và các địa phương đều phải áp dụng theo quy chuẩn quy định của Bộ quản lý chuyên ngành không nên giao cho địa phương ban hành thêm quy chuẩn kỹ thuật của địa phương tránh mỗi nơi làm một kiểu.

Vấn đề thứ hai, từ khi có Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở y tế ra đời cơ quan này có chức năng, nhiệm vụ quyền hạn như Thông tư liên Bộ số 12 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định. Tuy nhiên, khâu tổ chức và chức năng thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm vừa qua còn cồng kềnh về cơ chế, thẩm quyền và tổ chức, có 2 tổ chức thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong cùng ngành y tế này chưa hợp lý. Điều này chưa phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính, từ đó việc ra quyết định xử phạt ở một số cơ sở vi phạm rất rườm rà và phải trải qua nhiều tầng nấc. Hơn nữa việc Luật thanh tra chuyên ngành không quy định rõ về tổ chức thanh tra chuyên ngành tại Chi cục trực thuộc Sở. Do vậy, tôi thống nhất cao với dự thảo luật quy định thanh tra về an toàn thực phẩm tại Điều 66 và thống nhất với dự thảo nghị định Chính phủ về quy định tổ chức và hoạt động của thanh tra an toàn thực phẩm trong ngành y tế. Tôi chỉ đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm một số vấn đề như thanh tra chi cục có các đội thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trực thuộc chi cục đặt tại tuyến huyện thì đội thanh tra này đặt trong trung tâm an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc trung tâm y tế dự phòng các huyện đối với các tỉnh chưa thành lập trung tâm an toàn vệ sinh thực phẩm cấp huyện hay là đặt độc lập riêng.

Nhiệm vụ, quyền hạn của đội thanh tra này như thế nào, không thấy đề cập trong nghị định, có chức vụ đội trưởng hay không? nếu có thì nhiệm vụ, quyền hạn của đội trưởng như thế nào trong xử phạt và tôi đề nghị Luật thanh tra sớm được sửa đổi như đại biểu Hằng - Đồng Nai đã phân tích để việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm sớm đi vào nề nếp.

Thứ ba, quy định về trách nhiệm của các Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý an toàn thực phẩm. Dự thảo luật lần này có nêu rất cụ thể về trách nhiệm của ba Bộ, tôi tán thành với dự thảo luật. Song tôi đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện nhanh tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm từ Trung ương đến các xã, phường. Ở Trung ương nên nâng cấp Cục an toàn vệ sinh thực phẩm thành Tổng cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ y tế mới đủ năng lực, đủ thẩm quyền để quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sớm đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tại các tỉnh thành, hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức cho trung tâm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các quận, huyện để các địa phương thành lập theo Thông tư 03 của Bộ y tế và Bộ nội vụ và định biên thêm cho trạm y tế xã, phường một biên chế phụ trách về vệ sinh an toàn thực phẩm giống như chúng ta đã quan tâm đến công tác dân số. Vì với biên chế từ 5 đến 6 người hiện nay của trạm y tế xã không thể nào làm tốt công tác tham mưu giúp Ủy ban nhân dân xã, phường thực hiện công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương. Trong thời gian qua có nhiều luật được ban hành và quy định thêm nhiều nhiệm vụ cho trạm y tế xã, nhưng việc đầu tư về nhân lực và đầu tư về cơ sở vật chất chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao sẽ khó khăn cho các trạm khi thực thi nhiệm vụ. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan