Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng – Đắc Lắk

Thứ Tư 16:24 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Cha ông ta đã nói: "họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào".Bệnh từ miệng vào không phải chỉ có vi sinh vật mà còn các độc tố độc hại. Cho nên luật này được nhân dân và các nhà khoa học rất quan tâm, tuy nhiên có rất nhiều điều cần phải đóng góp ý kiến. Tôi xin nêu một vài ý kiến có tính chất cần thiết nhất.

Thứ nhất, về nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm trong Bản dự thảo ghi không đúng bởi vì ghi cả người tiêu dùng thực phẩm cũng nằm trong phạm vi quản lý an toàn thực phẩm thì vô lý, người tiêu dùng thực phẩm có thể tham gia phát hiện chứ không thể nào tham gia vào quản lý được, làm như vậy không rõ trách nhiệm của người thực hiện luật này bởi vì luật này phải rất rõ người chịu trách nhiệm thực hiện là ai và làm cách nào để quản lý được thực phẩm hiện nay. Chúng ta biết hiện nay luật rất chi tiết nhưng tôi cảm thấy bất khả thi bởi vì rất nhiều điều không thể thực hiện được. Tôi thấy nổi bật lên một vài chuyện mà chúng ta lo mãi vẫn chưa được, đó là chuyện rau an toàn. Tôi không đồng ý khái niệm "rau an toàn" vì rau thì phải an toàn chứ một loại rau an toàn, một loại rau không an toàn. Tôi không đồng ý khái niệm "rau sạch" vì rau phải sạch chứ không phải có loại "rau sạch" loại "rau không sạch". Tôi cũng không đồng ý loại "rau hữu cơ" vì rau nào mà chẳng là rau hữu cơ, làm gì có "rau vô cơ". Tôi đề nghị một khái niệm mới đó là rau có bảo đảm, tức là có nơi có thể đảm bảo được rau đó là rau không có chất độc, không có vi sinh vật. Vì vậy tôi nhận thấy các đô thị, các thành phố lớn bắt buộc phải là các doanh nghiệp đứng ra sản xuất rau chứ không thể để nông dân cá thể sản xuất rau được. Những loại rau đó phải được kiểm nghiệm, phải được bao bì trong những bao gói ghi rõ chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không phun thuốc trừ sâu hóa học và không có phân đạm hóa học, vì phân đạm hóa học có thể sinh lipit gây ung thư. Cho nên vấn đề rau chúng ta cần tập trung, có những biện pháp rất cụ thể để làm những doanh nghiệp sản xuất rau trong nhà lưới để đảm bảo không có sâu và không có sâu thì không có thuốc trừ sâu hóa học, nếu có chỉ là thuốc trừ sâu sinh học.

Vấn đề thứ hai cũng nên tập trung giải quyết đó là vấn đề "cơm bụi", một khái niệm mà không nước nào có. Chương trình "Đuổi hình bắt chữ" của Đài Hà Nội nêu hình ảnh là cơm ném một nắm bụi và hỏi cơm gì đây, câu trả lời là "cơm bụi". Tôi không thể hiểu được tại sao lại chấp nhận cơm ăn với bụi cho nên tôi đồng ý khái niệm "cơm bình dân", "cơm giá rẻ" nhưng phải ở trong nhà, "cơm bụi" là cơm ở ngoài đường, không có nước nào bán cơm ở ngoài đường, cho nên tôi đề nghị xóa bỏ khái niệm "cơm bụi".

Vấn đề thứ ba là vấn đề phân tích vi sinh vật, hiện nay nếu như Bộ Y tế cho phép chúng tôi có một đề tài công bố các vi sinh vật có trong thực phẩm đường phố thì có thể nói là chúng ta sẽ rất bất ngờ. Ví dụ nước mía, nông dân đã đem mía ngâm xuống ao để cho có nước nhiều, sau đó đem róc vỏ xong dựng ở gốc cây, ruồi bâu rồi ép lấy nước uống, lấy cốc người ta vừa uống xong nhúng vào một chậu nước nhỏ lại cho người khác uống, cho nên tất cả những người nước ngoài uống nước mía đều bị ngộ độc. Người Việt Nam uống nước mía không việc gì, bởi vì như các cụ đã nói "ở bẩn sống lâu" người mình có miễn dịch cao với những vi sinh vật thường gặp. Nhưng những vật là rất nguy hiểm. Cho nên cần phải có một công bố về số lượng vi sinh vật trong thực phẩm đường phố. Nếu Bộ Y tế giao trách nhiệm, chúng tôi sẽ nhận trách nhiệm này.

Một khía điểm thứ tư nữa là vấn đề tương, lâu nay Bộ Y tế có giải quyết vấn đề tương ở thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam đã làm nhiều doanh nghiệp lao đao, bởi vì nước tương làm bằng thủy phân, đậu tương, bằng axitphoric thì sinh ra 2 chất mà Bộ Y tế nói có khả năng gây ung thư là 3MCPD, nhưng theo các chuyên gia sinh học Australia thì nói rằng cái đó nó phụ thuộc vào nước người sử dụng bao nhiêu một ngày, chúng ta dùng nước chấm rất ít. Cho nên chưa nghiên cứu kỹ mà đã cấm và đã hủy bỏ thì chúng ta không có magi để ăn mà nước tương lại chuyển hóa bằng phương pháp lên men, bằng nấm sợi thì nó không thể ngon như magi được. Vì vậy thay thế việc thủy phân bằng axit, bằng kiềm thì sẽ không sinh ra 2 chất này, thì lẽ ra chúng ta phải giải quyết như vậy, chứ không phải là cấm, bắt đổ đi, bắt chuyển sang phương pháp vi sinh vật thì chúng ta sẽ không có loại mari ngon để ăn. Cho nên, tôi nghĩ 15 hành vi bị cấm là quá cụ thể, quá kỹ lưỡng nhưng không khả thi. Bởi vì không biết là ai sẽ kiểm tra, ai sẽ xử phạt. Chúng ta biết rằng kiểm tra hóa chất độc hại là việc rất khó với loại máy móc hiện đại cũng không thể phát hiện được hết và cũng không thể phát hiện được nhanh. Cho nên, chúng ta không thể nào làm được nếu như chúng ta có một Luật nó không dẫn đến khả thi thực hiện được và chúng ta nên lưu ý việc quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn. Ví dụ, hiện nay rất nhiều người xem truyền hình thấy có một loại nước mắm không có vi khuẩn. Như vậy coi như hiểu rằng các loại nước mắm khác có vi khuẩn cả. Nước mắm, tôi xin nói độ muối như vậy không thể có vi khuẩn được. Thậm chí trên truyền hình lại nói nước mắm đun sôi vẫn có vi khuẩn. Tôi không hiểu các nhà truyền hình lấy căn cứ ở đâu mà lại nói như vậy, làm như mỗi loại nước mắm được truyền hình đó không có vi khuẩn mà thôi và nhiều công bố rất sai lệch. Ví dụ, ở tỉnh tôi rau được chở vào một bể sục ôzôn vào coi như rau an toàn. Ôzôn chẳng khác gì thuốc tím, ôxi hóa chỉ diệt được vi khuẩn không bào tử, tuyên truyền là ôzôn moi được thuốc trừ sâu từ trong rau ra, tôi thấy là một tuyên truyền hết sức không khoa học, nhưng mọi người đều tin, đều mất tiền mua máy ôzôn để moi thuốc trừ sâu ở trong lá rau ra, không thể có chuyện đó được. Nó đã thâm nhập vào các mô của thực vật rồi, không thể lấy ra được đâu.

Những việc chúng ta quy định như vừa rồi là có đủ nước sạch để sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm thì có lẽ tất cả các cửa hàng đều bị đóng cửa hết. Cho nên chúng ta nên để mức vừa phải có thể thực hiện được, để mức quá cao rồi không thực hiện được đâu. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan