Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trương Thị Thu Hằng – Đồng Nai

Thứ Tư 16:20 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cho công cụ để đảm bảo và phát huy hiệu lực, hiệu quả của Luật an toàn thực phẩm sau khi ban hành trước hết là hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng cho từng loại thực phẩm do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành và các tiêu chuẩn do người sản xuất tự công bố áp dụng. Đó là những tiêu chí để các cơ quan chức năng và người tiêu dùng giám sát, kiểm tra, quản lý và chọn lựa sử dụng.

Tiếp theo là thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, công cụ để phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, tôi xin được góp ý về công cụ thứ hai, thanh tra an toàn thực phẩm quy định tại Chương X, Mục 2, Điều 66 của dự thảo luật:

Vệ sinh an toàn thực phẩm là một lĩnh vực nhạy cảm, phạm vi tác động rộng lớn, liên quan đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của con người. Do vậy tôi cho việc thành lập thanh tra về an toàn thực phẩm là cần thiết và tán thành với quy định trong dự thảo thanh tra an toàn thực phẩm là thanh tra chuyên ngành, có tổ chức bộ máy của thuộc 2 ngành có liên quan trực tiếp là y tế và nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Qua thực tế hệ thống thanh tra an toàn thực phẩm tại các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại địa phương trong thời gian qua. Dự thảo luật cũng quy định việc tổ chức bộ máy thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về thanh tra. Theo chương trình kỳ họp Luật an toàn thực phẩm sẽ được thông qua tại kỳ họp này và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Trong khi đó Luật thanh tra (sửa đổi) mới được đưa ra cho ý kiến lần đầu và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ cuối năm, hiệu lực thì chưa rõ vào thời điểm nào.

Mặt khác, thanh tra chuyên ngành được quy định tại dự thảo Luật thanh tra trình Quốc hội bao gồm thanh tra tổng cục, cục, chi cục là do Thủ tướng quyết định và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức là do Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ hướng dẫn. Như vậy có nghĩa là sau khi Luật an toàn thực phẩm được ban hành và có hiệu lực nhằm đáp ứng tính cấp thiết theo yêu cầu xã hội sẽ vẫn phải chờ các văn bản khác hướng dẫn. Đó là chưa kể đến nếu việc quy định về thanh tra chuyên nghành không được đồng thuận thì sẽ như thế nào khi chúng ta đang làm một quy trình ngược. Tôi e rằng điều đó sẽ làm giảm hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý an toàn thực phẩm trong giai đoạn nóng bỏng hiện nay.

Dự luật cũng mới giao cho Chính phủ thẩm quyền quy định sự phối hợp hoạt động giữa các lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ với một số lực lượng khác trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, mà chưa đề cập đến sự phối hợp giữa thanh tra an toàn thực phẩm của các Chi cục với thanh tra Sở và các lực lượng khác. Tôi cho rằng quy định như thế là chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. Vì trong thời gian qua sau khi thanh tra an toàn thực phẩm được thành lập ở các chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, những rối rắm trong mối quan hệ phối hợp, phạm vi quyền hạn, trách nhiệm pháp lý của tổ chức này với các lực lượng thanh tra khác chưa được làm rõ, đã làm cho hoạt động của thanh tra an toàn thực phẩm hết sức khó khăn, lúng túng hiệu quả bị hạn chế. Nghiên cứu dự thảo nghị định về thanh tra an toàn thực phẩm trong ngành y tế, tôi cũng chưa thấy đề cập và làm rõ mối quan hệ này. Theo nghị định này có 2 cách thanh tra an toàn thực, ở Trung ương là thanh tra cục thuộc Bộ Y tế và ở tỉnh là thanh tra Chi cục thuộc Sở Y tế và các đội thanh tra an toàn thực phẩm trực thuộc Chi cục ở tuyến huyện.

Như vậy, đối với thanh tra Bộ Y tế và thanh tra Sở y tế với tư cách là thanh tra của ngành, thanh tra cục và thanh tra chi cục có mối liên quan như thế nào? Nếu đã tách bạch nhiệm vụ thanh tra an toàn thực phẩm giao về cho thanh tra Cục và thanh tra Chi cục thì vì sao quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm. Tại dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm lại có Chánh thanh tra Sở y tế và Chánh thanh tra Bộ Y tế. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, các mối quan hệ và thẩm quyền của thanh tra an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương vào dự thảo luật, để khắc phục tình trạng bất cập nêu trên tạo điều kiện cho lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm có cơ sở pháp lý, có cơ chế phù hợp để hoạt động ngay khi luật được ban hành và có hiệu lực. Tôi cũng đề nghị cần quy định định số thanh tra viên an toàn thực phẩm căn cứ theo số dân để đảm bảo cho đội ngũ thanh tra đủ mạnh mà hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Cuối cùng, để đảm bảo cho công tác thanh tra an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao, theo tôi cần phải sửa đổi các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo hướng tăng nặng tương thích với hành vi vi phạm, đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm tái diễn. Làm sao để những cơ sở sản xuất thực phẩm hoạt động trong môi trường mất vệ sinh, bên cạnh cống rãnh, bãi rác, nghĩa trang không được tiếp tục hoạt động. Những loại hình sản xuất thực phẩm có thể làm hại đến hàng ngàn người, gây tác hại lớn và lâu dài cho sản xuất như sản xuất thực phẩm có chứa hóa chất độc hại có thể gây ung thư, không còn đất sống. Những hành vi xem thường pháp luật, xem thường nhân mạng, chỉ biết làm giàu, kiếm tiền trên sức khỏe của người khác như nhặt thực phẩm hết hạn sử dụng về thay nhãn mác đưa ra thị trường tiêu thụ hay chế biến những thực phẩm từ nguồn nguyên liệu nhiễm khuẩn đã được phát hiện trong thời gian qua sẽ không còn có chốn dung thân.

Tôi cho rằng nếu chỉ quy định như tại Khoản 3, Điều 6 mức phạt tiền được ấn định ít nhất bằng giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ và nhiều nhất không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ là chưa đủ sức răn đe. Thực tế trong thời gian qua do mức xử phạt quá thấp so với lợi nhuận nên nhiều cá nhân, tổ chức sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục tái phạm. Nhiều cơ sở sản xuất cung cấp thực phẩm mùa trung thu, mùa tết năm nay bị xử phạt, mùa trung thu, mùa tết năm sau lại cứ vi phạm y như thế. Tôi đề nghị nâng mức xử phạt tối thiểu lên gấp 10 lần và mức tối đa thật cao, thậm chí gấp hàng trăm lần giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ vì những thiệt hại về sức khỏe của người tiêu dùng khó mà bù đắp được, nguy cơ tử vong hoặc gây hại tới thai nhi nếu đang trong thời kỳ thai sản do sử dụng thực phẩm nhiễm khuẩn là hoàn toàn không thể xảy ra. Do vậy chỉ có mức phạt thật cao, thật nặng mới cảnh tỉnh được người vi phạm và tăng cường được hiệu quả, hiệu lực của Luật an toàn thực phẩm. Xin hết.

Các văn bản liên quan