Góp ý của Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dễ – Long An

Thứ Tư 16:16 02-06-2010

Thưa Quốc hội.

Tôi nhất trí nhiều nội dung tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên tôi xin nêu một số vấn đề cần quan tâm thêm. Trước hết về vấn đề phụ gia thực phẩm, như chúng ta đã biết phụ gia thực phẩm có nhiều loại, đặc biệt là phụ gia thực phẩm hóa chất như là các hóa chất tạo mầu hoặc hóa chất chống nấm mốc, hoặc chống hư thối, đây là vấn đề nhân dân ta rất quan tâm. Trong thời gian qua phụ gia thực phẩm vẫn là lĩnh vực khó kiểm soát và ẩn chứa nhiều nguy cơ gây bệnh.

Dự thảo Luật an toàn thực phẩm lần này chúng tôi thấy rằng đã rất quan tâm đến vấn đề phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên tôi đề nghị dự án luật còn quy định rõ hóa chất phụ gia thực phẩm phải được xem là mặt hàng sản xuất kinh doanh và bày bán có điều kiện như là thuốc điều trị bệnh, có quy định rõ như vậy trong luật mới làm cơ sở để Chính phủ ban hành những quy định kiểm soát, xử phạt trong quá trình quản lý Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề phụ gia thực phẩm tại Điều 5 về những hành vi bị nghiêm cấm, tại Khoản 3 quy định về việc cấm sử dụng phụ gia thực phẩm vượt quá giới hạn cho phép và sử dụng hóa chất bị cấm. Tôi đề nghị nêu rõ cấm sử dụng phụ gia thực phẩm đã quá hạn sử dụng.

Thực tế chúng tôi trong quá trình thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm thì chúng tôi cũng đã gặp hóa chất phụ gia đã hết hạn sử dụng, sau khi đưa vào sản phẩm thành thành phẩm thì lại kéo dài thời gian sử dụng và lúc đó sẽ gây ra biến đổi thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại Điều 44 về việc ghi nhãn, chúng tôi đề nghị đối với phụ gia thực phẩm thì trên nhãn ngoài quy định ghi thông tin về liều lượng cách sử dụng còn phải ghi thêm hạn sử dụng của phụ gia thực phẩm.

Về vấn đề ghi nhãn thực phẩm chúng tôi cho rằng hết sức cần thiết, tôi đồng tình với đại biểu đã phát biểu trước tôi, trong luật đề nghị nên xoáy sâu vào việc tất cả thực phẩm đều có nhãn hiệu ghi các thông tin cơ bản như xuất xứ của phụ gia thực phẩm. Ở đây tôi xin có ý kiến thêm là đối với những loại thực phẩm không ghi trực tiếp được thì phải có bao bì và việc thông tin sản phẩm được thể hiện trên bao bì đó.

Tại Chương II, tôi đồng tình với dự thảo đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm bao gồm trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 7 mới chỉ quy định quyền của nhà sản xuất kinh doanh được quyền quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất kinh doanh. Tôi đề nghị cần bổ sung thêm một khoản quy định trách nhiệm của doanh nghiệp phải tự kiểm tra định kỳ sản phẩm của mình sản xuất ra. Thực hiện được việc này theo tôi rất tốt, cụ thể là nhà sản xuất hay kinh doanh phải thực hiện việc tự kiểm tra định kỳ 3 tháng hay 6 tháng, sau đó báo cáo với cơ quan Nhà nước và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng như các doanh nghiệp cổ phần tự kiểm tra và công bố kết quả kiểm toán. Quy định sự tự kiểm tra này nhằm khuyến khích doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình trước người tiêu dùng, không để báo chí, người tiêu dùng, cơ quan quản lý Nhà nước phát hiện thay doanh nghiệp, không có đợi sự cố doanh nghiệp mới kiểm tra.

Tiếp theo tôi xin có ý kiến về vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, tôi tán đồng về việc dự thảo đã bổ sung điều quy định về xử lý vi phạm và chế tài đủ mạnh về vấn đề quản lý an toàn thực phẩm được hiệu quả hơn. Đó là mức tiền phạt sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm và được ấn định ít nhất bằng giá trị thực phẩm vi phạm đã tiêu thụ, nhiều nhất không quá 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ, tiền do vi phạm mà có sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật, nghĩa là căn cứ số lượng hàng hóa sai phạm mà xử phạt từ 1 đến 7 lần. Với quy định như vậy đã đổi mới căn cứ xử phạt là xử phạt theo giá trị thực phẩm vi phạm, xử phạt gấp từ 1 đến 7 lần hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ phù hợp trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ cũng như quy mô lớn, điều này khắc phục được vấn đề xử phạt theo khung như trước đây là không phù hợp. Tuy nhiên cụ thể hóa, chúng tôi rất mong Chính phủ cần quan tâm quy định cụ thể trường hợp nào phạt gấp 1 lần, trường hợp nào phạt gấp 7 lần để tránh trường hợp xảy ra tiêu cực trong trường hợp này. Đối với những trường hợp không xử phạt được những vi phạm theo số lượng sản phẩm thì luật cũng đã giao cho Chính phủ quy định cụ thể về việc xử phạt vi phạm về điều kiện sản xuất hay về thủ tục hành chính, đề nghị nên có khung phạt đủ mạnh để đủ sức răn đe và phòng ngừa những vi phạm.

Về việc phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm tại Khoản 4, Điều 52 giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về việc xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo. Điều này cho thấy Ban soạn thảo đã có quan tâm đến vấn đề cảnh báo sớm. Nhưng tôi thấy quy định như vậy chưa đủ mạnh, chưa đặt đúng tầm cực kỳ quan trọng của hệ thống giám sát cảnh báo sớm. Tôi xin đề nghị cần thiết kế một điều luật riêng về việc thiết lập hệ thống giám sát cảnh báo, trên cơ sở này để Bộ Y tế có cơ sở mạnh mẽ hơn trong việc thiết lập hệ thống giám sát cảnh báo sớm an toàn thực phẩm, trước mắt là ở những thành phố lớn và đô thị đông dân cư.

Tiếp theo về vấn đề quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, chúng tôi thống nhất như dự thảo luật. Tôi được biết Bộ Y tế đã tích cực chuẩn bị xong các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật an toàn thực phẩm như Nghị định về tổ chức và hoạt động của thanh tra an toàn thực phẩm. Theo đó thanh tra an toàn thực phẩm là thanh tra chuyên ngành và có hệ thống từ Trung ương đến cấp huyện. Điều này sẽ góp phần giúp cho Luật an toàn thực phẩm khi có hiệu lực sẽ có thể áp dụng ngay và khắc phục được tình trạng luật chờ nghị định như trước đây.

Cuối cùng, nhằm tạo điều kiện cho bộ máy quản lý an toàn thực phẩm thực hiện được tốt các điều khoản của luật, chúng tôi xin kính đề nghị với Quốc hội:

Thứ nhất, cần tiếp tục bố trí hợp lý nguồn ngân sách chi thường xuyên hàng năm dành cho công tác quản lý an toàn thực phẩm. Đặc biệt hàng năm phải dành một khoản ngân sách thỏa đáng chi cho công tác cảnh báo và công tác thanh tra an toàn thực phẩm. Trong đó cần trang bị các trang thiết bị xét nghiệm thành phần hóa chất có trong sản phẩm. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đề nghị cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.

Cũng kính mong sớm có kế hoạch triển khai xây dựng các trung tâm kiểm nghiệm chuyên về an toàn thực phẩm đủ mạnh cho từng khu vực ở 4 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan