Góp ý của Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Lệ Phi – TP Cần Thơ

Thứ Sáu 11:14 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Thực phẩm liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều Bộ dẫn đến tình trạng lĩnh vực của Bộ nào thì Bộ đó quản lý mà ít quan tâm đến tính thống nhất, tính đồng bộ trong quản lý thực phẩm. Ngoài ra, theo Báo cáo của Chính phủ sự phối hợp hợp tác giữa các Bộ trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy trong thời gian qua mặc dù có hơn 1000 văn bản quy phạm pháp luật ở các cấp từ Trung ương đến địa phương được ban hành nhưng hàng năm số người ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua đường thực phẩm ở nước ta khoảng 8,2 triệu người, chiếm khoảng 10% dân số chung của cả nước.

Trên cơ sở gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của luật tôi tán thành với Báo cáo thẩm tra là Luật an toàn thực phẩm cần quy định điều chỉnh đối với thực phẩm khai thác ngoài tự nhiên. Bởi vì thực tế cho thấy không chỉ có ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm từ sản xuất chế biến mà còn do ăn thực phẩm khi khai thác ngoài tự nhiên như cá nóc, sam biển, nấm độc v.v... theo báo cáo của Bộ Y tế trong 116 ca tử vong do độc tố tự nhiên thì có 56 ca tử vong do ăn sản phẩm khai thác tự nhiên chiếm tỷ lệ 50%. Đây thật là con số đáng lo ngại, cho nên luật cần quy định điều chỉnh đối với thực phẩm khai thác ngoài tự nhiên.

Thứ hai, về điều kiện chung bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong vấn đề này tôi quan tâm đến việc cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời gian qua việc cấp giấy này trên toàn quốc chỉ đạt 11,2%, như vậy còn 88% cơ sở sản xuất kinh doanh trong diện quản lý này chưa được cấp giấy phép. Theo tôi có 4 nguyên nhân:

Nguyên nhân thứ nhất là quy định hiện nay chưa đủ mạnh để các cơ sở thực hiện. Ví dụ Khoản 1, Điều 4 Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm quy định kinh doanh thực phẩm phải là kinh doanh có điều kiện, nhưng giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm lại không được xem là một điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh. Vì vậy các cơ sở khi đã được cấp giấy phép kinh doanh thực phẩm thì họ kinh doanh một cách vô tư mặc dù họ chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguyên nhân thứ hai, do nhóm đối tượng phải cấp giấy quá rộng trong khi các tiêu chuẩn và điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh sản xuất thực phẩm chưa phù hợp với sự đa dạng của các loại hình cơ sở. Vì vậy khó áp dụng đối với từng loại cơ sở, nhất là các cơ sở nhỏ làm theo lối thủ công truyền thống tại các hộ gia đình.

Nguyên nhân thứ ba, thiếu nguồn lực trong khâu tổ chức thực hiện, thiếu nhân lực quản lý, về lực lượng thanh tra, thiếu phương tiện, trang thiết bị xét nghiệm khi tác nghiệp và thiếu cả kinh phí. Kinh phí dành cho đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta chỉ bằng 1/19 ở Thái Lan. Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định 79 ban hành tháng 8 năm 2008 quy định về hệ thống tổ chức quản lý thanh tra, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng lực lượng này còn mỏng.

Theo báo cáo và đại biểu Dễ ở Long An vừa nêu thì Bộ Y tế chỉ có 9 người, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ có 3 người. Còn việc thành lập thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định hướng dẫn về việc thành lập thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chi cục. Hơn nữa Luật thanh tra hiện hành không quy định rõ về tổ chức thanh tra chuyên ngành tại cục hay chi cục trực thuộc sở.

 Nguyên nhân thứ tư là xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Nghị định 45CP của Chính phủ hiện nay còn một số bất cập, chưa phù hợp, có mức vi phạm nặng thì phạt quá nhẹ, có mức vi phạm nhẹ thì phạt quá nặng, vấn đề này tôi đã phản ánh tại kỳ họp thứ 5 nên hôm nay tôi không phân tích sâu hơn.

Từ những nguyên nhân trên tôi đề nghị nên đưa vào luật một số vấn đề như sau:

Vấn đề thứ nhất, việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải có giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng phải thay đổi quy trình và phương thức quản lý so với trước đây là chỉ nên cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh đối với một số cơ sở và xem đây là một điều kiện bắt buộc khi cấp giấy cho phép các cơ sở này hoạt động, chỉ trừ các cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố, kinh doanh sản phẩm bao gói sẵn, cơ sở hộ nhỏ lẻ gia đình. Trong vấn đề này sẽ có nguy cơ buông lỏng, không kiểm soát được các điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở nhỏ lẻ tại hộ gia đình hoặc kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy nhiên, điều này có thể khắc phục được là ta xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp nhằm tăng cường giám sát, kiểm tra trực tiếp các nhóm đối tượng này, tăng cường công tác hậu kiểm mà không phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tránh được tình trạng cấp giấy chạy theo chỉ tiêu số lượng mà quên đi chất lượng của tờ giấy chứng nhận.

Vấn đề thứ hai là thay đổi quy trình về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi thống nhất với dự thảo luật quy định tại Điều 52 là Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm và Bộ y tế là Bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên để Bộ y tế làm tròn vai trò nhạc trưởng của mình, tôi đề nghị giao cho Bộ y tế có ba quyền trong lúc thực thi nhiệm vụ.

Quyền thứ nhất, Bộ y tế thống nhất ban hành qui chuẩn kỹ thuật cho tất cả các sản phẩm thực phẩm, các Bộ chuyên ngành khác sẽ quản lý sản phẩm thực phẩm theo qui chuẩn của Bộ y tế.

Quyền thứ hai, Bộ y tế được tham gia kiểm tra tất cả các công đoạn sản xuất, kinh doanh thực phẩm vào tất cả các sản phẩm thực phẩm để đảm bảo thực phẩm đến tay người tiêu dùng là an toàn cho sức khỏe.

Quyền thứ ba, Bộ y tế được kiểm tra về việc thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm của các Bộ, ngành nhằm thể hiện đúng vai trò chủ trì của mình.

Vấn đề thứ ba, tôi đề nghị là thành lập thanh tra chuyên ngành thực phẩm, tôi tán thành với dự thảo luật nêu tại Điều 53, 54 là phải thành lập hệ thống thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm từ Trung ương đến quận, huyện. Thanh tra an toàn thực phẩm thuộc ngành nào sẽ thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong phạm vi quản lý Nhà nước của ngành đó. Điều này hiện nay chưa được quy định cụ thể trong Luật thanh tra hiện hành. Nhưng vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề quan tâm của toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và giống nòi của con người. Nên theo tôi nếu cần thì ta bổ sung vào luật thanh tra quy định rõ thanh tra chuyên ngành tại Cục, hay Chi cục thuộc Sở. Song song với vấn đề này tôi đề nghị Chính phủ nhanh chóng sửa đổi Nghị định 45 CP về xử phạt hành chính trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc Chính phủ ban hành một nghị định riêng về xử phạt các vi phạm trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, như vậy mới đủ mạnh lập lại trật tự, kỷ cương trên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan