Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hoa – TP Hà Nội

Thứ Sáu 11:09 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

 An toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề bức xúc trong xã hội theo tôi việc ban hành luật là rất cần thiết. Để dự án luật có tính khả thi tôi xin đóng góp một số ý kiến để Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung như sau:

Về phạm vi điều chỉnh của luật, dự thảo luật chưa rõ là quy định đối với tất cả các loại thực phẩm lưu thông trên thị trường hay chỉ quy định đối với thực phẩm có thương hiệu, thực phẩm tự công bố chất lượng. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ vi phạm phạm vi điều chỉnh để có những quy định cho phù hợp. Theo tôi luật nên quy định đối với tất cả các loại thực phẩm, tuy nhiên quy định về điều kiện nên phân làm hai mức. Điều kiện cần thiết cho thực phẩm nói chung và điều kiện cho những thực phẩm có thương hiệu tự công bố chất lượng v.v.... như vậy phù hợp với hiện nay hơn vì nếu quy định cho tất cả các loại thực phẩm thì có rất nhiều quy định trong dự thảo sẽ không thể thực hiện được. Ví dụ Điều 8: "Thực phẩm tươi sống phải đảm bảo truy được nguồn gốc xuất sứ khi lưu thông trên thị trường" là không khả thi. Đối với các loại thực phẩm sản xuất và tiêu thụ ở quy mô nhỏ lẻ hoặc ghi nhãn thực phẩm ở Mục 1, Khoản 2, Điều 29 có quy định trước khi lưu thông ra thị trường trong thực tế có tới trên 80% thực phẩm là sản phẩm nông nghiệp không qua sơ chế, chế biến bán ở các chợ không thể thực hiện được việc ghi nhãn.

Về phạm vi điều chỉnh, tôi đề nghị bổ sung quy định cả về vận chuyển, sử dụng thực phẩm, đặc biệt việc sử dụng thực phẩm trong các bếp ăn, nhà hàng, khách sạn. Để khắc phục tình trạng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm ô nhiễm và tình trạng ngộ độc tập thể trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra tôi đề nghị bổ sung cả quy định về bảo quản thực phẩm, vì hiện nay bảo quản thực phẩm trên hoa quả, thịt, cá rất tùy tiện, có nhiều hóa chất không rõ nguồn gốc, độc hại.

Về bố cục, trong dự thảo luật tôi thấy việc thiết kế các chương, mục chưa khoa học, nhiều chương, mục còn trùng lặp. Ví dụ Chương II và Chương III đều quy định các điều kiện trong sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Thực chất đây là quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, theo tôi nên gộp lại thành một chương và bố cục lại các điều, mục trong chương này cho phù hợp. Trong chương này đề nghị bổ sung cả những quy định về sơ chế thực phẩm, vì đây cũng là một công đoạn trong sản xuất thực phẩm. Mặt khác trong giải thích từ ngữ có giải thích cụm từ "sơ chế thực phẩm" nhưng đọc cả dự thảo luật tôi không thấy điều nào quy định về sơ chế.

Trong chương thông tin tuyên truyền cần quy định thẩm quyền và trách nhiệm của người cung cấp thông tin, tránh tình trạng thông tin sai lệch gây bức xúc cho xã hội. Đề nghị Ban soạn thảo bố trí lại thứ tự các chương V, VIII, IX và X cho hợp lý. Do mỗi loại thực phẩm có tính chất đặc thù riêng nên theo tôi Dự thảo luật chỉ nên viết ở dạng luật khung, còn chi tiết cụ thể giao cho Chính phủ quy định.

Ba, đi vào một số nội dung các chương mục và các điều cụ thể tôi xin đề nghị chỉnh sửa như sau: Tại Điều 6 những hành vi cấm, tôi nhất trí phải quy định những hành vi cấm. Tuy nhiên theo tôi những hành vi cấm là những hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người, tất nhiên mức phạt của hành vi cấm sẽ rất nặng, thậm chí là truy cứu hình sự. Trong Dự thảo luật có rất nhiều hành vi thông thường xảy ra hàng ngày ở mọi lúc, mọi nơi chưa đến mức phải cấm nhưng cũng đưa vào hành vi cấm tôi thấy không khả thi. Ví dụ Khoản b Điều 6 "thực phẩm có bao gói, đồ chưa không sạch, bị rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển", đây là hành vi vi phạm thông thường. Ngược lại có một số hành vi nghiêm trọng cần cấm thì Dự thảo luật chứa thấy nêu. Ví dụ trong sản xuất, kinh doanh sử dụng thực phẩm có chứa chất bảo quản, phụ gia cấm hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.

Cũng trong những hành vi cấm có nhiều quy định trong Dự thảo còn mang tính chung chung, thiếu định lượng. Ví dụ Khoản b thực phẩm có chứa chất độc hoặc nhiễm độc, theo tôi có chứa chất độc nhưng phải vượt mức quy định tối đa cho phép. Vì nhiều loại rau, quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là chất độc, nhưng nếu có dư lượng ở dưới mức quy định tối đa cho phép thì vẫn là thực phẩm an toàn, do vậy không thể đưa vào hành vi cấm được.

Theo Luật thanh tra Điều 45 về thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo theo Luật thanh tra và các luật chuyên ngành, cụ thể là trong các nghị định của Chính phủ nó xếp vào mục phạt bổ sung, bao gồm thu hồi và xử lý tang vật đi kèm với hình phạt bằng tiền, tùy theo từng loại hàng hóa và hình thức vi phạm. Còn đối với thực phẩm có thể quy định chặt chẽ hơn nhưng để Chính phủ quy định.

Về Chương X, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm quy định như dự thảo luật sẽ không đáp ứng được công tác quản lý thực phẩm hiện nay, không cải thiện được so với Pháp lệnh an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong dự thảo luật có thanh tra chuyên ngành nhưng chỉ quy định có thanh tra ngành y tế, như vậy còn mảng thực phẩm tươi sống rất lớn lại không có thanh tra chuyên ngành của ngành nông nghiệp.

Về nội dung thanh tra tôi thấy không cần thiết phải quy định vào trong luật này, vì nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra là thuộc về nhiệm vụ và theo các luật định quy định. Trong chương thanh, kiểm tra chế tài là rất quan trọng, theo tôi chế tài trong xử phạt vi phạm thực phẩm cần phải nặng hơn so với các hàng hóa khác nhưng trong dự thảo tôi không thấy nêu. Chương IV, Mục 1 về quảng cáo thực phẩm tại Khoản 3, Điều 27 Bộ trưởng Bộ y tế quy định thẩm quyền hồ sơ trình tự thủ tục đăng ký kiểm tra xác định nội dung quảng cáo theo tôi nên giao cho sự phân công theo quản lý Nhà nước cho từng bộ, ngành thì phù hợp hơn. Ví dụ Bộ nông nghiệp cần quy định ở thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến như thịt, cá đông lạnh v.v... mà ngành quản lý. Về Chương IX về quản lý Nhà nước thực chất chương này là do quyền và trách nhiệm các bộ, ngành và địa phương, do vậy dự thảo cần quy định cụ thể để khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc bỏ ngỏ như pháp lệnh vừa qua, theo tôi vẫn giao Bộ y tế chủ trì để tổng hợp chung. Bộ Nông nghiệp quản lý hoạt động từ khâu sản xuất sơ chế đến chế biến và quản lý chất lượng ở khâu kinh doanh thực phẩm sản xuất trong nước là phù hợp với chuyên ngành, chuyên môn của ngành. Ngành công thương và công an phối hợp cùng với Nông nghiệp và y tế quản lý ở khâu lưu thông và khâu xuất nhập khẩu thực phẩm, phải quy định cho tất cả, cho cả chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn thực phẩm và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành cũng như với địa phương. Điều 32, Khoản 2 Chính phủ quy định việc kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm vật liệu bao gói chưa đựng thực phẩm tại nước xuất khẩu. Theo tôi Chính phủ không thể quy định cho nước họ được mà nên quy định điều kiện để thực phẩm đó được nhập vào Việt Nam và quy định sự phối hợp, kiểm tra điều kiện sản xuất tại nước họ và một số quy định chung chung ở các điều, khoản khác. Đây là dự thảo luật rất quan trọng nó tác động đến mọi người, mọi đối tượng trong xã hội, cho cả người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng cũng như các cơ quan quản lý. Do vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo soạn cả nghị định cùa Chính phủ để Quốc hội đóng góp ý kiến nhằm luật có tính khả thi cao và một số điều cụ thể. Tôi xin gửi lại Ban soạn thảo để bổ sung. Xin hết.

Các văn bản liên quan