Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Tuân – Bắc Giang

Thứ Sáu 10:48 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật an toàn thực phẩm đã sửa đổi lần thứ 17 ngày 6/10/2009, tôi cơ bản nhất trí với dự thảo luật, luật cơ bản đã bảo đảm các nội dung khá đầy đủ, tuy nhiên tôi xin tham gia ý kiến về một số vấn đề mà tôi quan tâm như sau:

Thứ nhất, về giải thích từ ngữ tại Điều 3, Khoản 20, ô nhiễm thực phẩm là sự xuất hiện ô nhiễm trong thực phẩm, theo tôi ô nhiễm thực phẩm có thể gây ra bởi vi sinh vật hoặc các chất hóa học. Nếu giải thích ô nhiễm thực phẩm là sự xuất hiện chất ô nhiễm trong thực phẩm như trong dự thảo luật là chưa đầy đủ. Bởi vì vi sinh vật không phải là chất ô nhiễm và một số thuật ngữ tại Điều 3 của dự thảo luật cần chỉnh sửa để đảm bảo tính chính xác hơn.

Tại Khoản 23, Điều 3 của dự thảo luật, ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý xảy ra đột ngột do hấp thu thực phẩm bị ô nhiễm hoặc chứa chất độc. Trên thực tế ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra đột ngột, có thể xảy ra từ từ, do đó định nghĩa như vậy là chưa hoàn chỉnh.

Thứ hai, về quản lý thức ăn đường phố, trong dự thảo luật đã đề cập đến, trên thực tế hiện nay số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn đường phố rất lớn, trong khi đó lực lượng thanh tra, kiểm tra thì rất yếu và mỏng. Đề nghị giao quản lý thức ăn đường phố cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý. Còn dịch vụ thức ăn đường phố giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường quản lý. Chúng tôi cho rằng cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các trong hoạt động quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương.

Kính thưa Quốc hội,

Trong thời gian qua tình hình ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể có chiều hướng gia tăng với số lượng người mắc rất lớn, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Năm 2007 có 21 vụ với số người mắc là 1.722 người, năm 2008 là 32 vụ với số người mắc là 3.589 người. Đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của các ban quản lý trong khu công nghiệp, người đứng đầu, người cung cấp thức ăn cho công nhân. Nội dung này đã được Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã đề cập trong Báo cáo thẩm tra. Tại Điều 12 của dự thảo luật xếp thực phẩm chức năng, thực phẩm chiếu xạ, thực phẩm biến đổi gen là thực phẩm đặc biệt là chưa chính xác. Bởi vì trên thế giới không có tài liệu nào gọi đó là sản phẩm đặc biệt, do vậy đề nghị Ban soạn thảo xem xét kỹ chương, mục cho thật đầy đủ và chính xác và hiện nay thực phẩm chức năng đã được sản xuất và lưu hành tại Việt Nam. Thực phẩm chức năng là các sản phẩm giao thoa giữa thuốc và dược phẩm, chúng ta chưa có Luật thực phẩm chức năng nên tôi đề nghị nên có một chương về thực phẩm chức năng trong dự luật an toàn thực phẩm.

Thứ ba, về một số vấn đề khác, trong dự thảo luật đã đề cập đến nghĩa vụ của người sản xuất kinh doanh cũng cần đề cập đến quyền lợi nghĩa vụ và trách nhiệm của người tiêu dùng tham gia giám sát cùng cơ quan quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm và cũng trong dự thảo luật chủ yếu đề cập đến sản phẩm là động vật, chưa chú ý đến sản phẩm là thực vật. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét và nghiên cứu, Mục 2 Chương X của dự thảo luật về kiểm tra an toàn thực phẩm. Sau khi kiểm tra an toàn thực phẩm do cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thực hiện đề nghị cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở đã đủ điều kiện và đề nghị được thể hiện vào trong luật, ở nước Trung Quốc họ cũng làm như vậy và các cơ sở sản xuất kinh doanh họ cũng muốn như vậy. Luật nên phân cấp mạnh cho địa phương và nên phân công rõ ràng rành mạch cho các bộ, tránh chồng chéo câu chữ chưa rõ ràng dễ tạo kẽ hở khi ban hành thông tư gây khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai và thực hiện nhất là ở cấp cơ sở . Vấn đề quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm theo tôi nên giao cho Bộ y tế chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan trong quản lý Nhà nước và an toàn vệ sinh thực phẩm, Chính phủ nên quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan tránh đùn đẩy trách nhiệm như hiện nay.

Cuối cùng, về xử lý vi phạm thì hiện nay chúng ta thiếu chế tài xử lý là một trong những biện pháp để hạn chế tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng trong dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về chế tài xử lý. Đặc biệt là đối với cơ sở sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ. Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đã tái diễn nhiều lần việc vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu như không có các quy định cụ thể về các chế tài xử lý thì việc tuân thủ Luật không cao. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không sợ bị phạt do đó dẫn đến tái phạm hành vi vi phạm ngày càng gia tăng. Đề nghị nên đưa một chương riêng về xử phạt vào trong Luật có thể xử phạt hình sự đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tránh tình trạng mức phạt quá nhẹ như hiện nay, không đủ sức răn đe, phạt xong đâu lại đóng đấy. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan