Luật sư Phan Thông Anh góp ý 4 nhóm vấn đề lớn

Thứ Hai 10:13 21-09-2009

GÓP Ý LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM

Ls.Phan Thông Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam

Qua 15 lần dự thảo góp ý, tiếp thu sửa đổi chúng ta đã có được một bản dự thảo hết sức đầy đủ và cơ bản, chúng tôi đánh giá cao sự tiếp thu của Ban dự thảo khi xây dựng dự án luật này khi chúng tôi so sánh dự thảo ngày 20/07/2009 còn quy định với 12 chương 72 điều thì đến dự thảo ngày 24/8/2009, tiếp thu sửa đổi còn 11 chương 64 điều.

Đối với dự thảo 15 chúng tôi có sự nhận xét chung như sau :

Về nội dung dự thảo luật : đã quy định đầy đủ chín nhóm nội dung bao quát cần điều chỉnh : (1) quy định các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; (2) điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; (3) Quảng cáo ghi nhãn thực phẩm; (4) thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; (5) kiểm nghiệm thực phẩm; (6) kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngăn chận và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; (7) thông tin, giáo dục,truyền thông về an toàn thực phẩm ; (8) Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và (9) thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Về kỹ thuật của dự thảo luật : Do đặc thù riêng của đạo luật này có tính kết nối các nội dung giữa các điều luật với nhau nên Ban soạn thảo luật đã thể hiện được tính kỷ thuật cao khi dùng phương pháp dẫn chiếu trong các quy định như việc dẫn chiếu từ điều kiện chung của thực phẩm (điều 7) để quy định đến đối với điều kiện đối với từng loại thực phẩm (nhiều điều khác) hay dùng điều (13); (15); (16); để dẫn chiếu quy định cho điều (19).. . . .

Về cấu trúc dự thảo luật : sắp xếp cơ bản là hợp lý nhưng theo chúng tôi cần có sự điều chỉnh chút ít cho hợp lý hơn là chuyển chương X về thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm thành chương IX và chuyển chương IX là Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sang chương X là phù hợp về tính Logic của các đạo luật thông thường phần Quản lý nhà nước nằm cạnh điều khoản thi hành cuối cùng và đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm là nội dung bên trong cần để trước.

Về công tác chuẩn bị lấy ý kiến cho nội dung dự thảo : chuẩn bị khá tốt, có câu hỏi chung và có câu hỏi riêng cho Doanh nghiệp và các chuyên gia, tạo điều kiện thuận lợi cho từng giới có thể nói tiếng nói của mình góp ý cho dự thảo luật.

Ý kiến của chúng tôi xin tiếp cận theo nhóm câu hỏi gợi ý cho nhóm chuyên gia pháp lý để góp ý cho dự thảo luật

1)-Về các điều kiện được quy định trong Dự luật có đủ sức kiểm soát được an toàn thực phẩm không?

Về các điều kiện quy định trong dự thảo luật theo chúng tôi đã bao quát có đủ sức kiểm soát được an toàn thực phẩm nhưng có một số nội dung cần làm rõ và bổ sung thêm như sau :

1.1-Nhóm nội dung cần làm rõ :

Dự thảo thảo điều 8 quy định về điều kiện đối với thực phẩm tươi sống :

Khoản 3 “ Bảo đảm truy nguyên được xuất xứ khi lưu thông trên thị trường đối với thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ thực vật” đây là quy định rất khó thực hiện trong thực tế nên khi xây dựng văn bản hướng dẫn cần quy định chi tiết hơn.

Dự thảo Điều 14 quy định Điều kiện quy định đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và Điều 15 quy định Điều kiện đối với bảo quản thực phẩm :

Còn nhiều nội dung rất chung chung : Có địa điểm diện tích thích hợp và có đủ nước sạch (dự thảo điều 14) diện tích đủ rộng (dự thảo điều 15) cần phải quy định lại như thế nào hoặc khi ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cần phải chi tiết để luật có thể áp dụng được trong thực tiễn cuộc sống và tránh sự tùy tiện của các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm.

Dự thảo Điều 23 quy định Điều kiện đối với kinh doanh thực phẩm không bao gói

Khoản 3. Có thông tin về tên, xuất xứ và ngày sản xuất của sản phẩm thực phẩm.

Nội dung quy định là rất tốt nhưng theo chúng tôi rất khó thực hiện trong thực tế, sản phẩm không bao gói. Thí dụ như con gà đã làm sẳn làm sao thể hiện các thông tin đó trên sạp hàng và sạp hàng đó bán nhiều loại thịt heo thịt bò thì làm sao tuân thủ được điều kiện này.Phải quy định sao cho thực hiện được trên thực tế.

Dự thảo Điều 25 quy định Điều kiện đối với dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người làm dịch vụ kinh doanh thực phẩm

Khoản 3. Có phương tiện che nắng, mưa, bụi bẩn và côn trùng.

Khoản 4. Có đủ nước sạch dùng cho việc chế biến và vệ sinh ăn uống.

Nội dung quy định rất tốt nhưng Ban dự thảo cần xem xét quy định như vậy có thể thực hiện được trên thực tế hay không ? Thí dụ như người buôn gánh bán bưng thì làm sao có đủ các điều kiện để thực hiện hai nội dung quy định trên.

1.2-Nhóm nội dung cần bổ sung :

Dự thảo thảo điều 13 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm :

Khoản 1. Sản xuất từ nguyên vật liệu an toàn, bảo đảm không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ vào thực phẩm, bảo đảm chất lượng thực phẩm trong thời hạn sử dụng.

Cần quy định rõ không được sử dụng các nguyên liệu tái chế để sản xuất dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm cụ thể ở đây là nhựa tái chế để sản xuất các bao ni lon gói, chứa đựng thực phẩm nhất là thực phẩm tươi sống, mùi vị của nhựa gây mùi làm ảnh hưởng đến chất lượng an toàn thực phẩm.

Dự thảo điều 19 quy định về điều kiện kinh doanh thực phẩm tươi sống :

1. Tuân thủ các điều kiện về bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, điều kiện về bảo đảm an toàn đối với bảo quản, vận chuyển thực phẩm quy định tại các điều 13, 15 và 16 của Luật này.

2. Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh.

Theo chúng tôi là chưa đầy đủ khi chỉ dẫn chiếu đến điều 13 quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; điều 15 về điều kiện đối với bảo quản thực phẩm và điều 16 về điều kiện vận chuyển thực phẩm vì trong giai đoạn từ bảo quản thực phẩm đến kinh doanh thực phẩm nhất là giai đoạn kinh doanh thực phẩm tươi sống như trái cây thì người kinh doanh có dùng hóa chất để giữ trái cây tươi lâu hơn, nếu liều lượng dùng hợp lý thì không có vấn đề nhưng nếu dùng quá liều lượng thì sẽ gây độc.Vấn đề này thời gian vừa qua đã xảy ra đối với hóa chất làm tươi trái sầu riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo chúng tôi trong dự thảo luật cần có sự quy định dứt khoát là nhà nước có cho phép người kinh doanh trái cây và thực phẩm tươi sống khác được sử dụng hóa chất để giữ tươi thực phẩm sống khác hay không ? nếu cho thì cần ghi rõ là cho sử dụng theo liều lượng hướng dẫn của cơ quan nào ? Nếu không cho thì phải quy định cấm.

Vì vấn đề này hết sức nguy hiểm cho người tiêu dùng và tạo điều kiện cho các lực lượng thanh tra kiểm tra thực phẩm dễ dàng xử lý.

Cần bổ sung thêm quy định cấm dùng bao nilon được sản xuất bằng nhựa tái chế dụng để chứa đựng thực phẩm tươi sống.

Dự thảo Điều 22 quy định về Điều kiện đối với kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn:

Khoản 3. Có thông tin về tên sản phẩm thực phẩm, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, tên nhà sản xuất, địa điểm lưu kho và địa chỉ liên lạc.

Quy định như thế là chưa rõ phải có đầy đủ hay chỉ một trong số các thông tin đó theo chúng tôi cần quy định bổ sung cụm từ “ đầy đủ” sau cụm từ “thông tin” và trước cụm từ “ về tên sản phẩm” mới đầy đủ nghĩa theo dự thảo.

2)-Thực tế công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm của nước ta thời gian qua.

Hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là nguy hiểm cao cho tính mạng, sức khỏe và trật tư công cộng nhưng thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện tốt công tác này do nhiều nguyên nhân khác nhau

Thứ nhất là : Thiếu quy định, quy định chưa hợp lý, pháp luật hiện hành chỉ có 04 điều khoản quy định gần 60 hành vi sẽ bị xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh an toàn thực phẩm (49),thuốc lá, sữa mẹ và cả sử dụng muối I ốt (10), nhưng theo dự thảo luật mới chúng tôi dự báo riêng lãnh vực an toàn thực phẩm sẽ có hơn 100 hành vi sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Thứ hai là : Có biện pháp không đủ mạnh : mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính hiện nay thì quá thấp không đủ sức răn đe cụ thể mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm hiện hành chỉ từ 100.000 đồng đến mức cao nhất là 15.000.000 đồng và quy định ngưỡng chuyển tiếp hành vi vi phạm hành chính sang xử lý hình sự thì không rỏ ràng tại Điều 244/BLHS có hai dấu hiệu :

“Gây thiệt hại cho tính mạng” thì rõ phải có chết người là dấu hiệu pháp lý xử lý hình sự nhưng dấu hiệu pháp lý “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng” thì được hiểu như thế nào?

Thứ ba là : Chưa có cơ chế phối hợp xử lý giữa các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Thứ tư là : sự nhận thức khác nhau của người áp dụng pháp luật về tầm quan trọng, về sự nguy hiểm của hành vi vi phạm an toàn thực phẩm

Pháp luật quy định không rỏ ràng là một yếu tố làm giảm đi hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước đối với hoạt động này. Song song đó sự áp dụng pháp luật để xử lý hành vi vi phạm của cán bộ công quyền còn khác nhau về sự nhận thức tầm quan trọng,về sự nguy hiểm của hành vi này nên khi xử lý xuề xòa cho qua nhất là những hành vi vi phạm kinh doanh thực phẩm đường phố lại làm giảm đi hiệu quả của hoạt động này.

3)-Tính hiệu quả của hoạt động của cơ quan nhà nước đối với hoạt động quản lý an toàn thực phẩm :

Như chúng tôi đã phân tích phần trên dự thảo luật đã bao quát có đủ sức kiểm soát được an toàn thực phẩm nhưng hoạt động của cơ quan nhà nước có hiệu quả hay không là một vấn đề khác, theo chúng tôi muốn cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước có hiệu quả cần thực hiện đồng bộ các nội dung sau :

Thứ nhất : Luật phải dự liệu và quy định đầy đủ nội dung để các chủ thể tuân thủ trong quá trình kinh doanh an toàn thực phẩm.

Thứ hai : Các quy định chế tài cần nghiêm khắc hơn, cần quy định chi tiết các hành vi vi phạm tương ứng với mức độ chế tài.

Thứ ba : Cần có một cơ chế và biện pháp thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm để xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm và theo chúng tôi đây mới là nội dung mấu chốt quan trọng.

4)-Cần có cơ chế quản lý khác không để đảm bảo được tính hiệu quả của hoạt động quản lý này?

Theo chúng tôi là không cần. Dự thảo luật đã quy định giao nhiệm vụ kiểm tra phát hiện xử lý cho cơ quan thanh tra chuyên ngành y tế, ngành nông nghiệp nông thôn và ngành công thương thực hiện, chỉ cần đưa ra được cơ chế phối hợp và biện pháp thực hiện là đủ. Theo chúng tôi cần cụ thể cơ chế phối hợp và biện pháp thực hiện với các nội dung sau :

(1) Xây dựng văn bản pháp luật quy định chức năng nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan nhà nước, song song với việc xây dựng một quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động quản lý an toàn thực phẩm trong đó cần quy định lĩnh vực nào, loại thực phẩm nào sẽ do cơ quan nào chịu trách nhiệm xử lý, giai đoạn xử lý, thời gian xử lý . . . .nhằm làm rỏ trách nhiệm của từng cơ quan cũng như tránh đi những thiệt hại cho các chủ thể khác liên quan trong quá trình cơ quan nhà nước xử lý vụ việc.

(2) Cần hoàn thiện quy định của pháp luật chuyển tiếp hành chính sang xử lý hình sự đối với an toàn thực phẩm, cần quy định chi tiết hơn như thế nào là gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng.

Thí dụ như : Một Công ty cung cấp suất ăn công nghiệp gây ngộ độc cho một số đông công nhân trong một xí nghiệp hoặc nhà trẻ nấu thức ăn gây ngộ độc cho nhiều trẻ em có được xem là gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng chưa ?

(3) Phải nâng cao nhận thức của cán bộ xử lý vi phạm trong lĩnh vực này về sự tác hại của an toàn thực phẩm đối với sức khỏe tính mạng con người và trật tự công cộng, cần phải xử lý một cách nghiêm khắc.

(4) Chỉ đạo xử lý kịp thời những vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm một cách chặt chẻ, đúng pháp luật, cần có đánh giá sự tác hại, mức độ nghiêm trọng của những vụ việc đó đối với cộng đồng dân cư để xử lý đúng đắn.

Thí dụ như vấn đề nhập khẩu thịt quá hạn sử dụng của Vinafood, theo chúng tôi cần phải có đánh giá sự tác hại nguy cơ cho cộng đồng dân cư để xem xét có nên khởi tố những người có trách nhiệm khi ký hợp đồng hoặc nhận hay kiểm định chất lượng lô hàng đó khi có yếu tố chủ quan biết hàng hết hạn sử dụng vẫn nhập khầu bán cho người tiêu dùng vì vụ lợi.

Xin chân thành cám ơn các đại biểu đã lắng nghe phần trình bày ý kiến của chúng tôi./.

Các văn bản liên quan