Coca Cola góp ý một số điều khoản cụ thể

Thứ Hai 10:12 21-09-2009

BẢN ĐÓNG GÓP Ý KIẾN CHO DỰ THẢO LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM LẦN 10

Khoản 19- Điều 2: “Hạn sử dụng là thời hạn mà thực phẩm bao gói sẵn vẫn đảm bảo được giá trị dinh dưỡng và an toàn trong điều kiện bảo quản được ghi trên nhãn mác.”

Ý kiến: Nên sửa đổi định nghĩa về “hạn sử dụng” để phân biệt rõ hạn sử dụng vì lý do đảm bảo chất lượng thực phẩm và hạn sử dụng vì lý do an toàn . Ủy Ban Codex Alimentarius định nghĩa “hạn sử dụng” là khoảng thời gian mà sản phẩm thực phẩm vẫn duy trì tính ổn định và an toàn vi sinh khi được bảo quản ở một nhiệt độ nhất định, tại vị trí phù hợp và tuân thủ những điều kiện sử dụng, bảo quản nhất định. Theo quy định của Châu Âu, hạn sử dụng là “thời gian duy trì độ an toàn (durability) tối thiểu”

Khoản 3- Điều 10: “Hướng dẫn sử dụng có thể ghi trực tiếp trên nhãn hoặc một tờ đính kèm trong mỗi đơn vị sản phẩm, phải được thể hiện bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác (nếu có) theo nguồn gốc xuất xứ sản phẩm”

Ý kiến: Việc áp dụng quy định ghi hướng dẫn sử dụng trực tiếp trên nhãn hoặc đính kèm trong mỗi đơn vị sản phẩm đối với chất phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến sẽ thiếu tính thực tế. Đối với trường hợp sản phẩm là chất phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến chỉ nên áp dụng những quy định phù hợp có liên quan.

Khoản 5- Điều 7: “Các vi chất dinh dưỡng có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng phải được quy định bắt buộc bổ sung vào thực phẩm”

Ý kiến: Điều khoản có tính bắt buộc này còn thiếu rõ ràng; nên quy định cụ thể hơn về những ảnh hưởng có thể xảy ra.

Khoản 2- Điều 12: “Thực phẩm chức năng:

a) Phải có tài liệu chứng minh về tác dụng của thành phần tạo nên chức năng đã công bố;

b) Đối với thực phẩm chức năng lần đầu tiên đưa ra lưu thông trên thị trường lần phải có báo cáo thử nghiệm lâm sàng về công dụng của sản phẩm;

Bộ Y tế quy định về thử nghiệm lâm sàng và chỉ định các đơn vị được tiến hành thử nghiệm lâm sàng;

c) Đối với thực phẩm chức năng nhập khẩu, phải có giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước cho phép lưu hành có nội dung xác nhận công dụng của sản phẩm ghi trên nhãn;”

Ý kiến:

- Các sản phẩm thực phẩm và đồ uống hầu hết đều có ích cho cấu trúc hoặc chức năng của cơ thể; vì vậy, chúng tôi cho rằng không cần thiết phải có quy định riêng cho những loại thực phẩm này mà khung pháp lý hiện hành nên ban hành những quy định và hướng dẫn về việc kinh doanh những thực phẩm có ích trên thị trường.

- Việc thử nghiệm lâm sàng và chứng minh tác dụng của thực phẩm đã được Chính phủ quy định cụ thể trong hướng dẫn ghi nhãn sản phẩm. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia liên quan nên xem xét và cân nhắc thêm về các quy định liên quan tới nhóm “thực phẩm chức năng”

- Mục b: Nên cụ thể hóa thuật ngữ “lưu thông” bằng thuật ngữ “ kinh doanh và phân phối”

Điều 21. Điều kiện đối với nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm

1. Nguyên liệu dùng trong chế biến thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật;

2. Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, vi chất dinh dưỡng phải nằm trong Danh mục cho phép sử dụng.

Ý kiến: Ủy ban Codex quy định không được phép sử dụng dư lượng chất hỗ trợ chế biến ở mức gây ra tác dụng công nghệ đối với thành phẩm. Vì vậy, chúng tôi cho rằng không cần thiết phải quy định danh mục chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng mà nên xây dựng danh mục chất phụ gia được phép sử dụng và mức độ sử dụng cho phép..vv...

Điều 30. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, chế biến thực phẩm

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, chế biến/kinh doanh thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 3 năm, hết thời hạn trên cơ sở phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận;

Ý kiến:Thời gian hiệu lực của giáp chứng nhận (3 năm) là quá ngắn đối với những cơ sở sản xuất quy mô lớn. Trừ trường hợp thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận được thực hiện nhanh chóng, việc xin cấp lại chứng nhận sẽ tạo thêm một gánh nặng về thủ tục không cần thiết và ảnh hướng tới doanh nghiệp, từ đó tạo nên một rào cản kỹ thuật mới trong các rào cản thương mại và rào cản phi thuế quan.

Điều 31. Nội dung quảng cáo thực phẩm

Nội dung quảng cáo thực phẩm phải thể hiện được các thông tin sau:

1. Tên gọi và công dụng của sản phẩm

2. Thành phần chính của sản phẩm và hàm lượng

3. Tên, địa chỉ của nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm

4. Hướng dẫn sử dụng và bảo quản (đối với thực phẩm cần phải có sự hướng dẫn sử dụng và bảo quản);

5. Những cảnh báo khi sử dụng sản phẩm (nếu có)

Ý kiến: Nội dung thông tin phải được thể hiện trong nội dung quảng cáo thực phẩm hơi dài và thiếu tính thực tế. Quy định về việc thông tin thành phần chính và hàm lượng của sản phẩm có thể gây ảnh hưởng tới bí quyết kinh doanh của nhà sản xuất.

Điểm c, Khoản 1- Điều 32: “Đối với phụ gia thực phẩm, trên nhãn phải ghi rõ cụm từ "Phụ gia thực phẩm" và các thông tin về phạm vi sử dụng, liều lượng sử dụng và cách sử dụng.”

Ý kiến: Quy định về việc dán nhãn đối với chất phụ gia thực phẩm chưa rõ ràng. Chúng tôi cho rằng nếu quy định ghi thông tin trên nhãn về liều lượng sử dụng và hướng dẫn sử dụng áp dụng cho mọi trường hợp sử dụng chất phụ gia sẽ thiếu tính thực tế.

Khoản 2- Điều 34:Ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, thực phẩm đã qua chiếu xạ, thực phẩm biến đổi gen hoặc nguyên liệu thực phẩm biến đổi gen được nhập khẩu để lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam còn phải khi rõ trên nhãn dòng chữ bằng tiếng Việt "Thực phẩm đã qua chiếu xạ", "Thực phẩm biến đổi gen", "Biến đổi gen" bên cạnh tên thành phần có gen bị biến đổi và ký hiệu quốc tế của loại thực phẩm đó.”

Ý kiến: Tương tự như ý kiến đối với Khoản 2- Điều 12

Khoản 1- Điều 50: Thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn

1. Các sản phẩm là đối tượng thu hồi:

a) Sản phẩm hết hạn sử dụng,

Ý kiến: Nên có sự phân biệt giữa việc hết hạn vì lý do an toàn và lý do chất lượng thực phẩm. Việc thu hồi sản phẩm nên hạn chế ở mức áp dụng đối với các sản phẩm có nguy cơ gây hại sau khi hết hạn; không nên áp dụng đối với trường hợp sản phẩm không đáp ứng được dự kiến về chất lượng của nhà sản xuất.

….

h) Sản phẩm đã nhập khẩu bị cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, nước khác, hoặc các tổ chức quốc tế thông báo có ô nhiễm vi sinh vật, hoá chất gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.

Ý kiến: Cụm từ “hoá chất gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người” nên sửa đổi thành “hóa chất có hàm lượng vượt ngưỡng cho phép hoặc hóa chất được xác định không an toàn khi dùng trong thực phẩm”

Khoản 4- Điều 50: Cấp độ thu hồi (mức khẩn cấp) theo ba cấp độ sau:

a) Cấp độ 1 (cấp 1) trong vòng 7 ngày đối với sản phẩm vi phạm đã gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ hoặc có thể gây tử vong;

b) Cấp độ 2 (cấp 2) trong vòng 15 ngày: Đối với sản phẩm vi phạm gây tác hại tạm thời hoặc tức thì đối với sức khoẻ nhưng không nghiêm trọng;

c) Cấp độ 3 (cấp 3) trong vòng 30 ngày: Đối với sản phẩm ở mức nghi ngờ không an toàn.

Ý kiến: Cấp độ thu hồi nên được phân loại dựa trên mức độ nguy hại khi sử dụng sản phẩm. Thời hạn thu hồi và việc bắt buộc thông báo về sản phẩm nên được quy định độc lập dựa trên mức độ nguy hại đối với sức khỏe và tùy theo từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, một sản phẩm bị nhiễm ký sinh trùng gây bệnh có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cần phải thu hồi bằng cách thông báo ngay tới người tiêu dùng và thu hồi hết các sản phẩm nhiễm khuẩn. Mặt khắc, một sản phẩm không đáp ứng quy định do dán nhãn sai, nếu không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng thì nhà sản xuất có thế tự thu hồi mà không cần thông báo cho người tiêu dùng.

Dưới đây là ví dụ về các phân loại cấp thu hồi của Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA):

- Cấp độ I- áp dụng khi việc sử dụng hoặc tiêu dùng sản phẩm gây hại được chứng minh là có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc chết người.

- Cấp độ II- áp dụng khi việc sử dụng hoặc tiêu dùng sản phẩm gây hại có thể gây ra hậu quả tạm thời hoặc tác dụng ngược có hại cho sức khỏe; hoặc có ít khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe.

- Cấp độ III- áp dụng khi việc sử dụng hoặc tiêu dùng sản phẩm gây hại không gây ra hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe.

Các văn bản liên quan