Lỗ hổng trong quản lý thực phẩm

Thứ Hai 09:06 31-08-2009

Trong khi người tiêu dùng luôn mong muốn được sử dụng thực phẩm sạch thì hàng loạt lỗ hổng trong quản lý đã được phơi bày.  

Đụng đâu cũng thấy... độc

Ngày 25.8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị đẩy mạnh công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở các tỉnh, thành Đông Nam Bộ.

Không kể đến hàng loạt vụ thịt “bẩn” nhập khẩu và heo bệnh chạy thẳng vào lò mổ vừa bị phát hiện, những đợt kiểm tra chưa công bố của các tỉnh thành cũng mang lại nhiều lo âu về việc đảm bảo VSATTP. Ông Đoàn Hải - Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai thừa nhận: “Hiện tại Chi cục Thú y Đồng Nai quản lý và kiểm soát 248 cơ sở giết mổ. Trong khi các cơ sở quy mô lớn đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y thì các cơ sở nhỏ đều chưa đạt vệ sinh, mẫu nước và mẫu thịt xét nghiệm nhiễm vi khuẩn E.coli chiếm tỷ lệ khá cao. Ước tính ngành thú y của tỉnh chỉ mới kiểm soát được 50% sản phẩm gia súc giết mổ, còn lại là giết mổ lậu không thể kiểm soát. Tình hình kinh doanh thịt tại các chợ cũng chưa thật sự an toàn. Ở các chợ thuộc TP Biên Hòa vẫn còn nhiều tiểu thương bán thịt chưa qua kiểm dịch, không có bao bì, dễ bị nhiễm bẩn, nhiều trường hợp trộn lẫn thịt đã kiểm dịch với thịt chưa kiểm dịch”.

Ông Nguyễn Phước Trung, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM nêu thực trạng: “Khi chúng tôi kiểm tra 21 cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật đông lạnh, chỉ có 10 cơ sở có giấy chứng nhận đạt VSATTP do ngành y tế cấp. Kiểm tra 9 cơ sở chế biến ở địa bàn Q.1, Q.5, Q.7, Q.8 và H.Bình Chánh thì chỉ có 6 cơ sở có giấy chứng nhận đạt VSATTP. Kiểm tra 15 cơ sở kinh doanh sỉ thịt trâu bò ở Q.1, Q.3, Q.4, Q.6, Q.Tân Bình và Bình Thạnh cũng chỉ có 5 cơ sở có chứng nhận đạt VSATTP”.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Cục đã kiểm tra quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi tại 41 doanh nghiệp (DN) gồm 19 DN phía Bắc, 22 DN phía Nam. Kết quả có 7/41 DN chưa coi trọng việc bảo quản nguyên liệu, đặc biệt không có bệ kê và tách riêng biệt các loại nguyên liệu có nguy cơ phát triển nấm mốc. Cục cũng đã lấy 164 mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra các dư lượng và độc tố, trong đó 1 mẫu có hàm lượng chì vượt 1,6 lần ngưỡng cho phép; 31 mẫu nhiễm vi khuẩn E.coli; 15 mẫu nhiễm độc tố nấm Aflatoxin, có thể làm cho người nhiễm bị ung thư gan... Còn Cục Bảo vệ thực vật cũng lấy mẫu kiểm tra 129 mẫu rau quả ở các chợ, kết quả phát hiện có 9 mẫu có dư lượng độc tố vượt mức cho phép.

Chế tài chưa đủ mạnh

 

Một số vụ vi phạm VSATTP gần đây: 

- Đầu tháng 7.2009, Thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp cùng đoàn kiểm tra liên ngành Q.8 kiểm tra kho lạnh của Công ty T.Đ trên đường Tạ Quang Bửu, phát hiện hơn 5 tấn cánh gà nghi nhiễm khuẩn đã bán ra thị trường.

- Ngày 13.7, đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP Q.Tân Bình (TP.HCM) phát hiện gần 1,5 tấn pín dê (bộ phận sinh dục dê đực) phế thải nhập từ Australia trên bao bì ghi rõ “không sử dụng cho người”.

- Ngày 21.7, cơ quan chức năng tại TP.HCM và Bình Dương đồng loạt phát hiện hàng trăm tấn thực phẩm đông lạnh hết hạn sử dụng và có dấu hiệu sửa nhãn của Công ty cổ phần thực phẩm VN (Vinafood). Mức phạt dành cho hành vi này hơn 60 triệu đồng và tiêu hủy lô hàng vi phạm hàng sai nhãn.

- Ngày 16.8, cơ quan thú y TP.HCM phát hiện 200 con heo nhập về từ Đồng Nai có các dấu hiệu đi đứng khó khăn, mồm mọng nước, lở móng đang ở trong lò mổ ở Q.12. Toàn bộ số heo này đã bị tiêu hủy.

Tình trạng tồn dư các chất có hại cho sức khỏe con người trong các loại thực phẩm rau, quả, thịt gia súc, gia cầm như nêu trên là nỗi lo lớn nhất của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các sản phẩm rau quả, thịt nhập khẩu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng vẫn được bày bán trên thị trường. Ông Phùng Hữu Hào - Phó cục trưởng Cục Quản lý nông lâm sản và thủy sản, lý giải: “Các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý chất lượng VSATTP hiện nay chưa được kiện toàn ở các tỉnh nên chưa thể triển khai đầy đủ các hoạt động kiểm soát chất lượng. Biện pháp chế tài dù đã được quan tâm nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý, đặc biệt là chế tài xử lý các vi phạm VSATTP chưa đủ mạnh”.

Ông Đoàn Hải - Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai phân tích thêm: “Hiện tại, trang thiết bị để đánh giá, phân tích nhanh về chất lượng vật tư nông nghiệp và VSATTP vẫn chưa đầy đủ; việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở giết mổ lậu, kinh doanh sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc chưa được chú trọng”. Ông Nguyễn Phước Trung cũng trăn trở: “Tình hình sử dụng các hóa chất cấm trong chăn nuôi đã được cải thiện hơn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại, đặc biệt là đối với các nguồn sản phẩm động vật giết mổ từ các tỉnh cung cấp cho thị trường TP.HCM. Đó là do chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa chi cục thú y các tỉnh”.

Theo ông Phùng Hữu Hào, những giải pháp cấp bách để giải quyết dứt điểm các bức xúc trong quản lý VSATTP giai đoạn 2009-2010 là tập trung chấn chỉnh việc sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, đồng loạt kiểm tra các cửa hàng bán thuốc trừ sâu, kiên quyết xử lý các vi phạm dựa trên các quy định của Luật Hình sự và Pháp lệnh Bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó sẽ ban hành các quy định về giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật theo hướng hạn chế và tiến tới cấm kinh doanh các sản phẩm thịt ngoài chợ nếu không được kiểm soát về thú y; tăng cường kiểm tra việc sản xuất thức ăn chăn nuôi...

 Quang Thuần - Thanhnien Online

 

Các văn bản liên quan