Vệ sinh an toàn thực phẩm: Mất kiểm soát

Thứ Tư 11:13 26-08-2009

Lao Động số 128 Ngày 11/06/2009 

(LĐ) - Ngày 10.6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bắt đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: "Chất lượng VSATTP gắn liền, chặt chẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi tầng lớp nhân dân. Đây không chỉ là vấn đề bức xúc trước mắt, mà còn là vấn đề cơ bản lâu dài trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng".

Một lĩnh vực quan trọng là thế - có tới 5 bộ quản lý, với hơn 1.200 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành... nhưng chất lượng VSATTP hiện nay vẫn trong tình trạng báo động và mất kiểm soát (!?).

Những con số thiếu thuyết phục

Theo báo cáo giám sát của UBTVQH, trong 5 năm (2004 - 2008), có hơn 1.200 văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan T.Ư và địa phương ban hành để quản lýa chất lượng VSATTP, với 5 bộ cùng phối hợp quản lý. Theo báo cáo của UBTVQH, hiện có 48 văn bản có sự chồng chéo, mâu thuẫn...

Báo cáo giám sát cũng chỉ ra hoạt động thanh tra còn bộc lộ một số điểm bất cập, nhân lực thanh tra còn thiếu; thanh tra chuyên ngành về VSATTP mới được thành lập ở T.Ư, Bộ Y tế có 9 người, Bộ NNPTNT có 3 người, ít hơn rất nhiều so với lực lượng thanh tra VSATTP ở một số nước.

Từ việc quản lý chất lượng VSATTP yếu kém diễn ra trong thời gian dài, nên đa số ý kiến ĐB nhận định: Tình trạng vi phạm các quy định về VSATTP từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm đều ở mức báo động, mất kiểm soát. ĐB Dương Kim Anh dẫn chứng: Diện tích rau an toàn mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích rau trong cả nước, diện tích trồng cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20%, số còn lại không kiểm soát được. Chỉ có 58,1% số gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát. Cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm đạt yêu cầu ngày càng giảm (51,8%). 

ĐB Dương Kim Anh và nhiều ĐB khác chứng minh thêm việc mất kiểm soát bằng những con số đầy mâu thuẫn và thiếu thuyết phục: Báo cáo của Chính phủ về số mẫu rau quả tươi đạt yêu cầu giai đoạn 2004-2006 là 91%, giai đoạn 2007-2008 là 90,5%. Nhưng, trong báo cáo của Bộ NNPTNT thì kết quả kiểm tra ngẫu nhiên trên rau quả tươi ở một số tỉnh, thành phố ở quý III, quý IV năm 2008 trong 76 mẫu rau có đến 40 mẫu ô nhiễm vi sinh vật vượt quá giới hạn cho phép chiếm 52,6%.

Báo cáo giám sát  của UBTVQH cũng cho rằng báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng chưa thống nhất về số liệu.  Như báo cáo của Chính phủ từ năm 2004 đến năm 2008 đã có 906 vụ ngộ độc thực phẩm, số người chết 267 người, tức là mỗi năm có 53,4 người chết do ngộ độc thực phẩm.

Riêng năm 2008 có 205 vụ ngộ độc, nhưng theo số liệu thống kê từ báo cáo của 62 tỉnh, thành thì số vụ ngộ độc là 2.160 vụ, số người chết do ngộ độc thực phẩm 391 người. Riêng năm 2008, số vụ ngộ độc là 468 vụ và có 89 người chết. Còn báo cáo của Bộ Y tế trong hai năm 2007 - 2008 có 116 ca tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Hiện có tới 5 bộ quản lý lĩnh vực VSATTP, nhưng chất lượng VSATTP vẫn luôn trong tình trạng báo động, mất kiểm soát. Trong thảo luận, nhiều ĐB băn khoăn mổ xẻ trách nhiệm. Báo cáo của Chính phủ cho rằng, việc quản lý VSATTP mỗi cơ quan chỉ nhận trách nhiệm về phạm vi quản lý được giao mà chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước tất cả các khâu từ sản xuất chế biến đến tay người tiêu dùng. Do đó khi xảy ra tình trạng mất VSATTP thì không có cơ quan nhà nước nào đứng ra chịu trách nhiệm đến tận cùng của vấn đề.

ĐB Dương Kim Anh phân tích: "Về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP ở trung ương thì có 5 bộ chịu trách nhiệm chính. Trong đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về VSATTP. Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP được thành lập để chỉ đạo việc phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành. Còn kiểm tra nhà nước về chất lượng VSATTP nhập khẩu thì được giao cho 12 cơ quan nhà nước mà do Bộ Y tế quy định". Từ những phân tích này, ĐB Dương Kim Anh nhận định: Trách nhiệm quản lý nhà nước về VSATTP thuộc về Bộ Y tế.

Trước thực trạng báo động về mất VSATTP, ý kiến chung của ĐBQH kiến nghị QH ra nghị quyết riêng của Quốc hội hoặc thể hiện trong nghị quyết chung về kinh tế - xã hội hàng năm bảo đảm cho việc tăng cường các biện pháp hữu hiệu thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP. 

Chưa có số liệu thống kê, đánh giá về 400 bệnh truyền qua thực phẩm

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, hiện có đến 60 triệu dân Việt Nam tức (gần 2/3 dân số nước ta) đang mang giun, sán trong người. Hiện có tới 400 bệnh truyền qua thực phẩm, chủ yếu là tả, lỵ trực trùng, lỵ amíp, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm... Hiện tại, Bộ Y tế chưa có số liệu thống kê, đánh giá về vấn đề này.
 
Theo nghiên cứu của Bệnh viện K thì mỗi năm Việt Nam có thêm 150.000 đến 200.000 bệnh nhân mới mắc ung thư thì có khoảng 35% số trường hợp - tức là khoảng 50.000 đến 70.000 người mắc bệnh do ăn phải thực phẩm có hóa chất độc hại. 
Đ.L.T

Các văn bản liên quan