Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm: Chờ sự rõ ràng của Luật

Thứ Tư 11:10 26-08-2009
 CôngThương - Cho dù trong những năm gần đây có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm được ban hành nhưng những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực này lại không hề giảm. Nhiều người đang kỳ vọng vào Luật An toàn thực phẩm, dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội vào tháng 10 tới, và nếu được thông qua thì người dân sẽ được bảo vệ và cơ quan quản lý cũng dễ thực hiện được nhiệm vụ của mình.

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Quản lý chồng chéo

Ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: hiện nay, có đến 5 Bộ chịu trách nhiệm chính trong chuỗi cung cấp thực phẩm, đó là: sản phẩm từ đồng ruộng sau sơ chế do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Quá trình chế biến sản phẩm tại nhà máy do Bộ Công Thương; Công nhận quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Khoa học- Công nghệ; Giám sát đưa hàng vào lưu thông do Hải quan và Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng cũng đã phát sinh nhiều mâu thuẫn trong quá trình phối hợp liên ngành này.

Riêng số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm do cấp Trung ương ban hành là 337 nhưng số văn bản có sự chồng chéo cũng tới 48 loại. Nhận định của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy: trong 10 năm qua, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là một trong những vấn đề phức tạp và khó quản lý nhất. Khâu vướng mắc chính là không thể phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc phối hợp quản lý lĩnh vực này. Cũng từ lý do có quá nhiều cơ quan quản lý mà chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm lại ngày càng có dấu hiệu bị vi phạm.

Theo Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay mỗi năm nước ta sản xuất 11,5 triệu tấn rau các loại, nhưng diện tích đủ điều kiện để trồng rau an toàn mới chỉ đạt 8,5% diện tích rau cả nước, diện tích trồng cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20%.

Kết quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả tại các chợ đầu mối, các siêu thị, các vùng sản xuất tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận trong năm 2008 cho thấy, trong 412 mẫu rau các loại được kiểm tra, phát hiện 48 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn tối đa cho phép (chiếm 11,65%), 1 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng Endosunfal (chiếm 0,2%); trong 99 mẫu quả được kiểm tra có 15 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn tối đa cho phép (chiếm 15,15%). Bên cạnh đó, số lượng cơ sở giết mổ đạt tiêu chuẩn ngày càng giảm, cụ thể là giai đoạn 2004 – 2006 có 61,8 cơ sở giết mổ đạt yêu cầu nhưng đến giai đoạn 2007 – 2008 thì số cơ sở đạt tiêu chuẩn giảm xuống còn 51,8%. Báo cáo giám sát cũng cho biết, một số hoóc môn tăng trưởng như Salbutamol và Clenbuterol là chất cấm sử dụng do có ảnh hưởng đến sức khoẻ con người nhưng vẫn còn tồn dư trong thịt.

Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề gây nhiều tranh cãi từ nhiều năm vẫn chưa được giải quyết. Làm thế nào để giảm bớt đầu mối quản lý trong lĩnh vực này và xác định rõ phân công quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm giữa các bộ, ngành và trách nhiệm để tránh tình trạng chồng chéo trong quản lý dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm trong việc quản lý đang gây đau đầu cho các bộ, ngành.

Phân công rõ ràng

Trong hội thảo chuyên đề “Phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành về lĩnh vực an toàn thực phẩm” phục vụ xây dựng Luật an toàn thực phẩm vừa được tổ chức, Bộ Y tế đề xuất phân công lại nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm giữa các Bộ, ngành. Theo đó, Chính phủ sẽ thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi cả nước. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác có trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; Uỷ ban nhân dân các cấp thì thực hiện việc quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương. Cụ thể: Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý quá trình chế biến, kinh doanh thực phẩm trong nước, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu đã qua chế biến (trừ thực phẩm tươi sống).

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quản lý xuyên suốt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đối với thực phẩm tươi sống sản xuất trong nước và thực phẩm tươi sống nhập khẩu, còn các thực phẩm khác thì Bộ chỉ quản lý khâu sản xuất thực phẩm ban đầu và sơ chế. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra thực phẩm lưu hành trên thị trường. Nhằm hạn chế tối đa sự chồng chéo trách nhiệm giữa các Bộ, ngành, đặc biệt giữa ngành y tế và nông nghiệp, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm ban hành danh sách cụ thể 37 loại thực phẩm tươi sống, bao gồm các loại rau củ quả, thịt gia cầm tươi sống, thịt gia súc tươi sống, thuỷ sản tươi sống và trứng tươi sống.

Theo TS. Lê Minh Hồng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Uỷ ban Khoa học Công nghệ và môi trường, Văn phòng Quốc hội: dù phân công rõ ràng đến đâu thì khoảng giao thoa giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp trong quản lý thực phẩm cũng khó xoá bỏ, bù lấp được. Do đó, việc phân công trách nhiệm càng rõ ràng càng cần thiết, song cũng cần có những giải pháp linh hoạt, chẳng hạn có những sản phẩm thực phẩm chỉ nên giao cho một ngành quản lý từ đầu đến cuối. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng: nhiều ngành quản lý một miếng xúc xích mà vẫn không ổn! 

Báo Thương mại 31/7/2009

Các văn bản liên quan