Góp ý của đại biểu Quốc hội Đặng Văn Khanh – TP Hà Nội

Thứ Sáu 10:31 06-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Từ sáng tới giờ chúng tôi đã được nghe rất nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật thuế tài nguyên. Rất nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trước tôi phát biểu tôi hoàn toàn nhất trí cho nên tôi không đi sâu và phân tích. Tôi xin thể hiện chính kiến của mình qua một số ý kiến như sau:

Trước hết, tôi tán thành với nhiều ý kiến là khung thuế suất là quá rộng, Bộ trưởng Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ cũng đã tiếp thu ý này và nghiên cứu lại.

Thứ hai, về đối tượng chịu thuế phân nhóm như vậy vẫn chưa rõ, còn sơ sài và chưa hợp lý, cần nghiên cứu và quy định cho cụ thể hơn.

Thứ ba, tôi thể hiện sự đồng tình với nhiều ý kiến về thẩm quyền quyết định mức thuế cũng như miễn, giảm thuế. Theo quy định của pháp luật quyết định về mức thuế các đại biểu đã phân tích nhiều, hiện nay chúng ta biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp hàng tháng và chúng tôi nghĩ thuế đối với tài nguyên cũng không biến động nhiều, biến động nhanh như các loại thuế khác cho nên thẩm quyền này nên giao lại cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chứ không phải Chính phủ. Các loại thuế đối với dầu thô, khí cũng không thể giao cho Chính phủ như một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu.

Một vấn đề nữa ở Chương III về xét miễn, giảm thuế, chúng ta đã có Luật quản lý thuế, ở đây vấn đề kê khai thuế như thế nào, xét miễn, giảm ra sao đã được quy định, nếu có gì chưa hợp lý hoặc cần bổ sung thì chúng ta mới đưa vào, nếu quy định như thế này thì luật lại chồng lên luật. Đặc biệt, Khoản 6, Điều 10 nếu ghi như thế này, việc miễn, giảm đất khai thác v.v... đối với các trường hợp như thế này thì dẫn đến tình trạng không minh bạch và phủ nhận một số điều, khoản ở bên trên và Chính phủ lúc bấy giờ cho miễn là không đúng. Tôi thể hiện mấy sự đồng tình như vậy. Ngoài ra như một số ý kiến của các vị đại biểu tôi thể hiện sự đồng tình.

Ở đây tôi xin có một ý kiến như sau: Suy cho cùng luật này với tên gọi là Luật Thuế tài nguyên, vậy chúng ta phải xác định thuế này đánh vào đâu? Theo quan niệm của chúng tôi và một số cử tri là các nhà khoa học thì người ta nói bây giờ chúng ta xác định trước hết tài nguyên thiên nhiên là những tài nguyên chưa được khai thác thì chúng ta không thể đánh thuế vào đấy được. Chúng ta chỉ có thể đánh thuế được những tài nguyên mà chúng ta đã khai thác lên. Nhưng khai thác lên này thể hiện trong dự thảo luật thuế này là qua đoạn bán ở điểm nọ, điểm kia, xuất khẩu v.v... thì từ khai thác lên đến khâu chế biến, sàng tuyển, phân loại, đến lúc xuất khẩu hoặc bán các doanh nghiệp đã phải chịu các loại thuế khác, ví dụ thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Nếu chúng ta lại tiếp tục đánh cách như thế này như thế thuế chồng thuế. Cho nên thuế tài nguyên này đánh trên tài nguyên được khai thác lên tại chỗ. Nếu chúng ta xác định như vậy thì dù anh khai thác lên bao nhiêu tấn với hàm lượng như thế nào theo giá bán tài nguyên thô, chúng ta đánh vào đấy vừa không phức tạp, vừa không bị mất thuế.

Chính vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng nên nghiên cứu cho kỹ, bởi vì tôi cho đây là mấu chốt của vấn đề là thuế tài nguyên này đánh trên cái gì? Có như vậy chúng ta mới quyết định được các vấn đề tiếp theo là sàn thuế như thế nào, giá tính thuế như thế nào, sản lượng ra sao. Đấy là ý thứ hai tôi có ý kiến như vậy.

Ý thứ ba, thực sự khi nghiên cứu Dự thảo Luật thuế tài nguyên này chúng tôi có cảm thấy cái gì đấy rất áy náy, nếu như không muốn nói là một sự phản cảm. Bởi vì chúng ta đã có Pháp lệnh về thuế tài nguyên với 22 điều mà luật này có 12 điều. Trong khi đó nếu trừ hai điều ở Khoản 3 chúng ta chỉ còn 10 điều, trong đó lại thêm hai điều thi hành nữa thì luật này càng trở thành luật khung mà rất nhiều vấn đề bề bộn như vậy.

Ngay như Điều 4 về giải thích từ ngữ có hai từ ngữ đưa ra là "điểm giao nhận" bởi vì chúng ta không xác định được là đánh trên cái gì. Thứ hai là đưa "yến sào" vào đây nó cũng không có một nghĩa gì như một số đại biểu phát biểu. Như vậy tôi thấy việc chuẩn bị chưa kỹ, chính vì vậy tôi đề nghị việc ban hành là rất cần thiết nhưng Ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ trên cơ sở khoa học để xác định cho rõ tất cả các yếu tố cấu thành, phải nghiên cứu các ý kiến của đại biểu chỉnh sửa thế nào đó để trình Quốc hội trong kỳ họp lần sau. Xin hết.

Các văn bản liên quan