Góp ý của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh – TP Hà Nội

Thứ Sáu 10:30 06-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Chúng ta đều biết hiện nay tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên đang diễn ra khá phổ biến, gây ô nhiễm môi trường và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên đất nước. Bên cạnh đó việc quản lý Nhà nước đối với các loại tài nguyên còn lỏng lẻo, pháp luật về quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên chưa đồng bộ làm cho tình trạng khai thác tài nguyên ngày càng khó kiểm soát. Nhiều nơi việc khai thác tài nguyên như than, đá, đào vàng v.v... dẫn đến có tình trạng tham nhũng hoặc dẫn đến chết người, có những nơi hình thành những băng nhóm để thanh toán lẫn nhau trong khai thác tài nguyên. Trong phiên họp trước tôi có dịp được phát biểu về các giải pháp tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, bằng việc tăng cường quản lý và khai thác từ thuế tài nguyên, nay tôi xin được nêu một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo luật, khắc phục được tình trạng bất cập hiện nay.

Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế. Theo quy định của Luật bảo vệ rừng, Luật đa dạng sinh học, rừng tự nhiên là loại rừng được bảo vệ. Hiện nay rừng tự nhiên thực tế ngày càng bị thu hẹp do tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển công nghiệp ở nhiều địa phương, đặc biệt là rừng tự nhiên hầu hết hiện ở vị trí đầu nguồn có giá trị phòng hộ, giữ nước và phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên, do pháp luật hiện hành cho phép các tổ chức, cá nhân có thể khai thác sản phẩm rừng tự nhiên phục vụ sinh hoạt hoặc sản xuất kinh doanh, nên cơ quan Nhà nước không kiểm soát được việc khai thác sản phẩm rừng tự nhiên phục vụ cho sinh hoạt là không thu thuế, hay là phục vụ sản xuất kinh doanh có thu thuế. Vì vậy nhiều người lợi dụng quy định của pháp luật không đồng bộ và quản lý lỏng lẻo hiện nay để khai thác gỗ quý hiếm. Cách đây không lâu Đài truyền hình Việt Nam đưa phóng sự một số doanh nghiệp lợi dụng việc được phép khai thác củi, cành, gỗ, ngọn, thực chất lại là khai thác gỗ nghiến, gỗ hồng tâm v.v... Để khắc phục tình trạng này và để Luật thuế tài nguyên đồng bộ với Luật bảo vệ rừng, Luật đa dạng sinh học, tôi đề nghị bỏ quy định Khoản 5, Điều 2 là sản phẩm rừng tự nhiên gồm các loại động vật, thực vật và các loại sản phẩm của rừng tự nhiên ra khỏi thuế tài nguyên. Bỏ điều này không có nghĩa là thất thu, mà đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường biện pháp quản lý để mọi cá nhân, tổ chức không được phép tự ý khai thác sản phẩm rừng tự nhiên, mà có thể cho những người dân ở gần đó được quyền thu gom những cành, củi, ngọn để giao cho cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm chi trả, thanh toán cho người dân sinh sống ở gần đó bằng tiền hoặc lương thực, thực phẩm. Điều này cũng phù hợp với quy định của Chính phủ hiện nay đang thực hiện, đó là hỗ trợ cho đồng bào ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa bằng lương thực, thực phẩm để trồng rừng, thay thế nương rẫy, góp phần hiệu quả để bảo vệ môi trường, xóa đỏi, giảm nghèo cho những người dân vùng sâu, vùng xa.

Thứ hai, về thuế suất, thực tế mỗi loại tài nguyên đề có giá trị và giá bán khác nhau. Tôi ví dụ trên thị trường một viên đá thạch anh dùng làm đồ trang sức hay đồ kỹ thuật khác có giá trị vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, nhưng những người khai thác đá thạch anh bán thô trên thị trường chỉ vài ba ngàn đồng 1 kg. Ai cũng biết bạch kim là loại kim loại đặc biệt quý hiếm, có giá trị hơn vàng, nhưng dự thảo luật lại xếp bạch kim cùng hàng với thiếc, vonfram, bạc, ăngtimoan là không hợp lý. Đây chỉ là một vài ví dụ hết sức cụ thể cho sự bất cập của dự thảo luật, bởi vì tất cả những việc phân loại theo nhóm tài nguyên như trong dự thảo luật đều gây nên tình trạng sẽ bị thất thu.

Tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ, Ban soạn thảo không nên xếp tài nguyên theo nhóm để đưa thuế suất chung theo biên độ rộng mà quy định từng loại tài nguyên ứng với mỗi loại thuế suất khác nhau, chỉ có như vậy mới phản ánh đúng giá trị tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt sẽ ngăn chặn được tình trạng chảy máu tài nguyên ra nước ngoài như hiện nay.

Về thẩm quyền quy định thuế suất tôi tán thành với ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước tôi phải là Quốc hội, trong trường hợp Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có quyền quy định mức thuế suất và việc miễn thuế tài nguyên.

Về việc miễn thuế tài nguyên đất để khai thác san lấp, xây dựng công trình an ninh, quốc phòng hoặc mang ý nghĩa nhân đạo từ thiện, công trình đê điều thủy lợi giao thông. Qua tiếp xúc cử tri chúng tôi thấy, cử tri nói quy định như dự thảo này thì có khả năng Nhà nước phải chịu hai lần thiệt thòi: lần một là đã miễn thuế khai thác đất nhưng lần hai phải chi trả tiền để cho doanh nghiệp trả cho người họ cung cấp đất để san lấp và như vậy vô hình chung Nhà nước thiệt hai lần trong vấn đề quy định như thế này. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm để tránh việc miễn khai thác đất để san lấp xây dựng công trình bởi vì những người làm thực tế về việc này họ đã phản ánh như vậy và chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội để Quốc hội xem xét.

Vấn đề cuối cùng, tôi nghĩ từ sáng đến giờ có một số đại biểu rất băn khoăn về dự thảo Luật thuế tài nguyên còn có nhiều điều chưa phù hợp và nếu chúng ta muốn thông qua ngay trong kỳ họp này mà từ giờ đến cuối kỳ họp liệu rằng Ủy ban Thường vụ cũng như Ban soạn thảo và Quốc hội có kịp tiếp thu ý kiến của dự thảo ngay như vấn đề từng khung thuế suất cho từng loại tài nguyên hay không? Nếu chúng ta quyết định vội vàng tôi sợ rằng Luật thuế tài nguyên của chúng ta cũng sẽ được thông qua cho đảm bảo về tiến độ và gọi là theo quy trình để cho đảm bảo tiến độ nhưng thực chất cũng không đảm bảo trong vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước cũng có thể sẽ làm không có giá trị trong việc ban hành luật không có giá trị điều chỉnh khắc phục những bất cập hiện nay.

Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội xem xét để có thể chúng ta thông qua vào kỳ họp sau. Tôi nghĩ trong khoảng nửa năm nữa chúng ta thông qua sau thì không muộn gì và chậm chắc còn hơn. Tôi xin phép hết.

Các văn bản liên quan