Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu – Đắc Lắk

Thứ Sáu 10:28 06-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có một số ý kiến về dự thảo Luật thuế tài nguyên như sau:

Thứ nhất, về quan điểm xây dựng luật này thì chúng tôi thấy rằng đây là luật mà chúng ta khi xây dựng cũng cần phải tính đến tính chiến lược về phát triển kinh tế xã hội lâu dài của đất nước cũng như về hiện tại hiện nay. Nhưng mặt khác chúng ta hiểu rằng tài nguyên thiên nhiên có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của đất nước chúng ta. Vì vậy, từ quan điểm đó thì tôi có một số ý kiến nó có thể khác với một số ý kiến của các đại biểu khác:

Thứ nhất, Hiến pháp quy định là Quốc hội quyết định sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế, qua nghiên cứu và các báo cáo thuyết minh và các phụ lục đính kèm của Ban soạn thảo, thì tôi thấy rằng thuế tài nguyên của chúng ta trong nhiều năm nay là tương đối ổn định. Từ thực tế đó, từ quan điểm đó tôi đề nghị Quốc hội chúng ta xem xét quyết định việc Quốc hội sẽ quyết định về thuế suất đối với thuế tài nguyên, trong trường hợp Quốc hội không họp hoặc đột xuất thì có thể giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý việc đó chứ không thể quy định theo như Điều 8, Khoản 2 của dự thảo là giao cho Chính phủ quy định chi tiết mức thuế suất, tôi thấy chúng ta cần thiết phải quy định bởi vì qua nghiên cứu dự thảo, Nghị định của Chính phủ trình thì các đồng chí trình rất cụ thể. Ta đưa cơ sở, căn cứ để chúng ta thực hiện việc này là chúng ta có thể nghiên cứu luôn dự thảo, Nghị định đó và chúng ta đưa luôn vào trong luật, không cần phải có Nghị định của Chính phủ nữa, sau khi luật có hiệu lực thì chúng ta có thể tổ chức thi hành được ngay, nó rất thuận tiện và tôi thấy phù hợp. Vì thuế này vẫn mang tính chất ổn định chứ nó không phải mang tính chất gì mà có tính chất linh hoạt theo cơ chế thị trường, tôi đề nghị như vậy. Chính vì từ đề nghị như vậy cho nên tôi không góp ý về khung thuế suất cao hay thấp mà tôi góp ý trực tiếp vào thuế suất để các đồng chí có thể xem xét nghiên cứu.

Thứ nhất, về thuế suất tôi thấy Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về thuế suất đối với nước thiên nhiên dùng để sản xuất thuỷ điện. Tôi cho rằng đối với cái này theo như trong Nghị định các đồng chí đánh thuế suất là 2%, tôi thấy như vậy là thấp, cái này cần phải nâng lên. Tôi nghĩ phải nâng lên vì mỗi nhà máy thuỷ điện ra đời chúng ta mất đi kèm theo vào đó hàng nghìn ha rừng, nhưng để tiếp tục duy trì có nguồn nước này thì phải có rừng mới có nước, phải có nước thì nhà máy mới chạy được. Vì vậy phải đánh thuế vào đây để chúng ta thực hiện việc trồng rừng, tôi thấy các nhà máy thủy điện báo chí thời gian vừa rồi đăng nhiều, các đồng chí thấy rừng ngày càng bị cạn kiệt và mất đi hết. Vì vậy tôi đề nghị phải xem xét thuế suất này và nâng lên.

Thứ hai, về thuế suất đối với một số sản phẩm từ rừng tự nhiên tôi thấy quá cao, thậm chí cao hơn cả vàng, cao hơn cả bạch kim, gỗ nhóm 1 tới 35%, vàng 7%, bạch kim 5%, trong khi đó củi tới 5%, củi trong mấy tháng không lấy đi thì mối ăn cũng hết. Tôi thấy quy định như vậy chưa phù hợp. Tôi đề nghị chúng ta cần xem xét nghiên cứu vấn đề thuế suất đối với một số hàng hóa từ rừng. Tôi xin lưu ý thêm các sản phẩm từ rừng là những hàng hóa phục vụ thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của người dân, nó không phải là hàng hóa xa xỉ phẩm như vàng, bạch kim hoặc những hàng hóa khác. Vì vậy đề nghị Quốc hội nghiên cứu xem xét.

Thứ ba, tại Tờ trình của Chính phủ về dự án luật này có nêu việc ban hành luật này nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế trong đó có Luật quản lý thuế. Tuy nhiên trong dự thảo luật quy định về thủ tục kê khai nộp thuế đối với lĩnh vực dầu khí thì do Chính phủ quy định. Tôi thấy việc này "tiền hậu bất nhất" không thống nhất. Việc kê khai nộp thuế yêu cầu phải bình đẳng giữa các đối tượng phải nộp thuế và đều phải tuân theo các nguyên tắc của pháp luật về thuế. Trong khi đó thì Luật dầu khí mà các Luật chuyên ngành, tại Khoản 1, Điều 32 quy định tổ chức cá nhân tiến hành các hoạt động dầu khí, người nước ngoài, người Việt Nam làm việc cho nhà thầu dầu khí, xí nghiệp liên doanh dầu khí và nhà thầu thô phải nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Vì vậy, để đảm bảo tính chất công khai, minh bạch, bình đẳng thống nhất của thuế thì tôi đề nghị không giao cho Chính phủ quy định về việc kê khai thủ tục nộp thuế đối với hoạt động dầu khí mà cũng coi đó là một loại tài nguyên của đất nước và cũng phải kê khai, chịu sự điều chỉnh của quy định luật này. Và nếu như chúng ta quy định như thế này thì tôi thấy nó có một tình trạng xảy ra, chúng ta biết là nguồn thu từ dầu khí rất lớn, chủ yếu của đất nước. Thế thì rõ ràng nhiều người hiểu được rằng cái to đùng thì Quốc hội không lo giữ, nhưng mà cái củi, đuốc, tranh, tre, lá, nứa thì Quốc hội lại khư khư giữ. Cho nên tôi đề nghị là quy định bình đẳng phải như vậy, cũng đảm bảo được một nguyên tắc xuyên suốt của chúng ta trong đối xử với tất cả các loại tài nguyên thiên nhiên của đất nước, đều phục vụ cho việc phát triển của đất nước. Tôi xin có một số ý kiến như vậy. Xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan