Góp ý của Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết – An Giang

Thứ Năm 16:34 05-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Trước nhất tôi xin đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội về thẩm tra dự án Luật thuế tài nguyên. Để hoàn thiện Luật thuế tài nguyên, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành luật, tài nguyên thiên nhiên là toàn bộ giá trị vật chất sẵn có trong tự nhiên bao gồm nguyên liệu, vật liệu do tự nhiên tạo ra loài người có thể khai thác và sử dụng trong sản xuất và đời sống. Do đó phải có một hành lang pháp lý để tăng cường quản lý sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên đất nước là vô cùng cần thiết trong việc quản lý tài nguyên nước ta, Pháp lệnh thuế tài nguyên sửa đổi được ban hành đã lâu từ năm 1998 đến nay không còn phù hợp với thực tiễn và trong bối cảnh tình hình khai thác diễn ra ngày càng kém hiệu quả và phức tạp hơn. Do đó việc ban hành Luật thuế tài nguyên là cần thiết để tạo hành lang pháp lý giúp việc quản lý khai thác bảo vệ tài nguyên đất nước, nhất là tài nguyên không tái tạo, góp phần sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả đồng thời bảo vệ môi trường được tốt hơn.

Thứ hai, về tên gọi vì tài nguyên mang ý nghĩa rất rộng bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên về con người và vốn. Riêng tài nguyên thiên nhiên bao gồm tài nguyên tái tạo gồm nước ngọt, đất sinh vật v.v... là tài nguyên có thể duy trì hoặc bổ sung một cách liên tục khi quản lý một cách hợp lý và tài nguyên không tái tạo là loại tài nguyên tồn tại hữu hạng sẽ mất đi hoặc biến đổi sau quá trình sử dụng như tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng thiên nhiên v.v... Do đó để phù hợp với nội dung mục tiêu xây dựng luật và để quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên tái tạo, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo của thiên nhiên, đề nghị luật đặt tên là Luật thuế tài nguyên thiên nhiên vì phạm vi điều chỉnh để Luật tài nguyên nâng lên đáp ứng yêu cầu thực tế và tạo hành lang pháp lý cho các đối tượng có liên quan đến thuế tài nguyên. Đề nghị phạm vi nghiên cứu ngoài việc quy định đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, kê khai nộp thuế, miễn, giảm thuế như dự thảo đã quy định Luật Thuế tài nguyên cần quy định thêm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm người nộp thuế và trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý khai thác thuế tài nguyên.

Về một số nội dung cụ thể. Về Điều 2 đối tượng chịu thuế. Khoản 8, Điều 2 quy định các loại thuế tài nguyên thiên nhiên không thuộc quy định từ Khoản 1 đến Khoản 7 điều này, nếu quy định như thế sẽ khó cho việc quản lý thực hiện nhiệm vụ và dễ phát sinh trong vấn đề vận dụng luật để thực hiện sẽ dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình triển khai luật. Do đó đề nghị cần quy định cụ thể về thực tiễn sẽ phát sinh nhiều đối tượng không quản lý được.

Về các loại tài nguyên khác, thực tế hiện nay xu hướng trong tương lai vấn đề khai thác danh lam thắng cảnh ở một số nơi sẽ làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên do cải tạo, khai thác thiên nhiên, đặc biệt làm ô nhiễm môi trường lớn. Hiện nay một số nước trên thế giới đã thực hiện vấn đề thu thuế tài nguyên đối với việc khai thác danh lam thắng cảnh để cải tạo, khắc phục biến đổi thiên nhiên do khai thác phục vụ du lịch, đặc biệt là tác hại làm ô nhiễm môi trường. Do đó để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường cho thế hệ sau đến lúc cần phải xem tài nguyên danh lam thắng cảnh là hàng hóa, Nhà nước cần quản lý và điều tiết thông qua thuế suất để khai thác hợp lý nguồn tài nguyên danh lam thắng cảnh, để có điều kiện tái tạo môi trường và cải thiện được tốt hơn.

Về căn cứ tính thuế, theo dự thảo luật tính thuế căn cứ vào sản lượng tài nguyên thực tế, giá tính thuế và thuế suất là không phù hợp vì nó không nhắm vào mục tiêu là khai thác tài nguyên một cách hiệu quả, hợp lý và bảo vệ môi trường. Do đó việc tính thuế cũng là công cụ để điều tiết vĩ mô, để quản lý và bảo vệ tài nguyên đất nước, nhất là tài nguyên không tái tạo theo hướng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, trong đó có yếu tố hạn chế xuất thô. Do đó căn cứ tính thuế đề nghị căn cứ vào giá trị, vào loại tài nguyên tái tạo hoặc không tái tạo, yếu tố môi trường, mục tiêu khai thác thông qua chế biến hay không, hay bán thô, tính hiệu quả của việc khai thác để làm căn cứ xác định thuế suất.

Về sản lượng tài nguyên thực tế tính thuế ở Điều 6, thực tế hiện nay việc kiểm soát sản lượng khai thác của các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo quản lý có hiệu quả, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước và tạo khe hở trong việc thực thi nhiệm vụ. Do đó cần xem xét bổ sung quy định tính thuế căn cứ vào hàm lượng thực tế để khai thác, tạo cơ sở quản lý chặt chẽ hơn.

Về thuế suất, biểu khung thuế suất là nội dung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân thực hiện vấn đề thuế suất, đặc biệt là đối với tài nguyên không tái tạo. Tuy nhiên, dự thảo quy định biên thuế suất quá rộng đối với nhiều nhóm, loại tài nguyên, đồng thời nên nâng thuế suất tài nguyên đối với loại khoáng sản quý hiếm như vàng, bạc v.v... Mức thuế suất nên phân biệt thuế suất đối với tài nguyên tái tạo và tài nguyên không tái tạo. Bên cạnh khung thuế suất nên cụ thể nhóm, loại tài nguyên và cần cụ thể không nên quy định chung chung sẽ gây khó khăn trong khi triển khai luật. Điển hình như ở Mục 6 khoáng sản kim loại quy định các loại kim loại khác chưa kể trên hay các khoáng sản không kim loại ở mục khác lại ghi các loại khoáng sản chưa kể ở mục trên. Do đó cần quy định nhóm, loại tài nguyên cụ thể để đảm bảo chặt chẽ và dễ vận dụng trong thực hiện.

Về thẩm quyền quyết định thuế suất, đây là thẩm quyền thuộc quyền quyết định của Quốc hội. Do đó đề nghị Quốc hội quyết định khung thuế suất và thuế suất cụ thể, nên giao cho Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội quyết định để phù hợp với tình hình cụ thể từng lúc.

Điều 10 về miễn, giảm thuế, tại Khoản 6 có quy định "Thuế miễn, giảm đối với khai thác, san lấp, đường giao thông, thủy lợi", đề nghị cần xem xét vì đối tượng này do doanh nghiệp thực hiện các công trình xây dựng cơ bản. Việc thực hiện các công trình này cũng khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, do đó cần phải có nguồn kinh phí để khắc phục tác hại, biến đổi thiên nhiên sau quá trình sử dụng. Đồng thời miễn, giảm thuế loại hình này cũng dễ tạo kẽ hở trong quản lý thực thi Luật thuế tài nguyên. Vì vậy, đề nghị không miễn, giảm thuế đối với đối tượng san lấp đường giao thông, thủy lợi. Xin hết

Các văn bản liên quan