Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thúc Kháng – Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Năm 16:33 05-11-2009

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết cho tôi được thể hiện sự nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội. Đặc biệt là với các quan điểm mới trong cách thức tính thuế là sản lượng khai thác tài nguyên thực tế chứ không phải là sản lượng khai thác tài nguyên thương phẩm.

Thứ hai, không có thuế suất bằng 0 vì đây là tài nguyên của quốc gia. Với số liệu báo cáo của Chính phủ trong 4 năm 2003 - 2008 thu ngân sách từ thuế tài nguyên trung bình là 23.000 tỷ hàng năm, trong đó thu từ dầu khí đạt 22.000 tỷ, như vậy còn lại có 1000 tỷ cho các tài nguyên khác, trong khi chúng ta luôn nói là đất nước ta giàu tài nguyên và hiện nay chúng ta đang khai thác ồ ạt, điều đó cũng cho chúng ta thấy việc quản lý thu thuế của chúng ta còn có nhiều bất cập. Cho nên việc ban hành thuế tài nguyên sẽ là bước tiến góp phần quản lý tốt tài nguyên hiện nay. Theo gợi ý của Đoàn Chủ tịch, tôi xin tham gia vào 3 vấn đề.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh. Sau khi nghiên cứu Luật thuế tài nguyên, tôi nhận thấy có một khoảng trống mà chúng ta chưa đề cập đến, kể cả các luật trước, tức là Luật dầu khí, Luật khoáng sản, cũng như luật sắp tới chúng ta sẽ xem xét đó là Luật sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Ở đây có một vấn đề là hiệu quả khai thác tài nguyên, tức là hệ số thu hồi tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên trong lòng đất, tức là số lượng tài nguyên chúng ta lấy lên và số lượng tài nguyên chúng ta để lại trong lòng đất và không bao giờ lấy lên được nữa. Hiện nay theo nguyên tắc thì các nhà thầu luôn làm sao đó để khai thác ồ ạt và hoàn vốn nhanh, cho nên số lượng tài nguyên trong 100 tấn mà chúng ta chỉ lấy lên 10 tấn thì khác xa với trong 100 tấn mà chúng ta lấy lên 40 tấn, lượng tài nguyên để lại trong lòng đất không lấy lên được cho các giai đoạn sau thì tôi nghĩ đó là một lãng phí rất lớn. Hiện nay luật này chưa bao hàm được, tôi nghĩ phạm vi điều chỉnh nếu có thể thì chúng ta xem xét điều chỉnh phạm vi này.

Trong Luật sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, theo tôi hiểu thì chỉ xem xét phần tài nguyên đã được lấy lên và xem xét sử dụng sao cho hiệu quả, còn không xem xét vấn đề quá trình khai thác.

Phần thứ hai là danh mục chịu thuế, tôi nghĩ trong thuế tài nguyên của dầu khí luôn là một tỷ phần lớn. Hiện nay trong danh mục chúng ta đã có dầu thô và khí thiên nhiên, có một khái niệm khí đồng hành tất nhiên không phải là khái niệm mới nhưng quan điểm của chúng ta là tính trên tài nguyên khai thác được thì khí đồng hành cũng là tài nguyên mà chúng ta khai thác đi cùng với dầu. Thường 1 tấn dầu chúng ta khai thác kèm theo cỡ 100 đến 200 m3 khí với tỷ phần năng lượng cỡ 1000 m3 khí tương đương 1 tấn dầu. Phần năng lượng tài nguyên này cũng tương đương từ 10 đến 20% năng lượng dầu lấy lên. Hiện nay mục này chúng ta chưa xem xét, nếu chúng ta có thể đưa thêm vào thì phần quản lý thêm, phần năng lượng cỡ 10 đến 20% năng lượng dầu khí và dầu thô là một vấn đề tương đối lớn đối với hiệu quả của vấn đề quản lý thuế.

Về phần thứ ba, cụ thể Khoản 1 Điều 4, đây là vấn đề giải thích từ ngữ thì ở đây chúng ta có nói điểm giao nhận là điểm thảo thuận trong hợp đồng dầu khí mà ở đó dầu khí được chuyển giao quyền sở hữu cho các bên tham gia hợp đồng dầu khí. Ở đây tôi cũng chưa hiểu ý của Ban soạn thảo nói gì, bởi vì theo tôi hiểu hợp đồng dầu khí là hợp đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam kí với các nhà thầu và điểm giao nhận này cũng không thể chuyển giao quyền sở hữu của các bên tham gia hợp đồng. Theo tôi hiểu chuyển giao quyền sở hữu của nhà thầu đối với hợp đồng khí để bán dầu, riêng điểm này chúng ta phải xem xét lại nếu cần có thể bỏ Khoản 1 của Điều 4 hoặc chúng ta xem xét để sửa lại cho hợp lý. Xin cảm ơn Quốc hội. Xin hết.

Các văn bản liên quan