Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân – Tây Ninh

Thứ Năm 16:33 05-11-2009

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Thứ nhất, tôi tán thành xây dựng nguyên tắc của luật chúng ta là chúng ta phải thu thuế tài nguyên với một con số tương đối để chúng ta bảo vệ nguồn tài nguyên của chúng ta theo đúng nguyên tắc mà đồng chí Phó Chủ tịch vừa phát biểu. Tức là những tài nguyên không tái tạo được thì phải thu thuế cao và đặc biệt cao đối với những tài nguyên sắp cạn kiệt. Ví dụ như than, bây giờ những con số công bố chính thức của chúng ta là năm 2013 chúng ta bắt đầu nhập khẩu than, năm 2020 coi như hết sạch than. Vậy mà bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu ồ ạt, điều này không thể hiểu nổi. Mà chúng ta đang xuất với giá chỉ 80 đô la/tấn, nhưng khi ta nhập lại phải trên 100 đô la. Như vậy chúng ta làm kiểu này tức là ăn non, song sau này lại phải bỏ số tiền rất lớn cho thế hệ sau nhập vào. Tôi đề nghị đối với những loại chúng ta không còn nhiều thì chúng ta phải tăng thuế lên để chúng ta giữ gìn nó lại. Đặc biệt tôi thấy rất vô lý một số nước bên cạnh chúng ta trữ lượng than rất nhiều nhưng họ lại không khai thác, họ hạn chế khai thác, mà chúng ta bán bao nhiêu họ mua bấy nhiêu, để mục tiêu làm gì? Để họ dự trữ và sau này họ sẽ bán lại cho chúng ta trong thời gian rất ngắn thôi, chỉ trong vòng vài năm tới là chúng ta nhập. Cho nên về điều này tôi đề nghị chúng ta hết sức thận trọng và có một mức thuế rất cao và nếu thuế cao tới mức độ mà làm nản lòng những nhà xuất khẩu thì càng tốt, vậy chúng ta không xuất khẩu, chúng ta vẫn còn để cháu chúng ta dùng. Còn riêng tài nguyên có thể tái tạo thì chúng ta có thể áp dụng thuế suất thấp hơn vì chúng ta dùng hết rồi thì nó lại tái sinh trở lại, nếu quản lý tốt thì chúng ta có thể khai thác lâu dài.

Thứ hai, nhiều đại biểu đã nói là khung rộng quá thì mất ý nghĩa quyết định thuế của Quốc hội thì tôi cũng đồng tình, chúng ta phải làm khung hẹp lại và muốn làm khung hẹp lại phải chia nhiều nhóm ra thì mới làm được, chứ để chung một nhóm ví dụ như kim loại, phi kim loại thì khung nó phải rất lớn và ngược lại chúng ta có thể phân ra như kim loại quý hiếm, kim loại thông thường, rồi cái gì đấy phân ra một vài nhóm thì khung có thể hẹp lại và khi đã có khung hẹp rồi thì chúng ta mới có thể, ủy quyền cho Chính phủ và Thường vụ Quốc hội để quyết định những con số cụ thể thì điều này vừa không làm mất quyền của Quốc hội theo Hiến pháp, vừa đảm bảo sự linh hoạt trong điều hành.

Thứ ba, về chính sách miễn giảm, thì thuế này và nhiều thuế khác chúng ta có những điều khoản miễn giảm nó tạo thành những kẽ hở lớn, tôi nói ví dụ về công trình an ninh, quốc phòng được miễn giảm, nhưng mà làm sao tôi biết được quặng này khai thác hay đất này khai thác là chở về công trình an ninh quốc phòng hay là dọc đường chở đi đâu đấy và để làm được việc này chúng ta lại tốn rất nhiều nhân công để giám sát, thì tốt nhất chúng ta cứ thu, thu xong rồi lại chi, cái đấy bình thường thôi mà nó lại hạch toán được vào trong ngân sách, tính được vào trong GDP, tính được vào tỷ lệ huy động theo thuế v.v... rất nhiều thứ mà nó hợp lý hơn. Tôi đề nghị vấn đề này phải cân nhắc.

Sẵn nói về miễn giảm, tôi thấy ở trong đây có bàn hai vấn đề là hải sản xa bờ, thì đánh bắt hải sản xa bờ được miễn giảm là đúng, nhưng mà 5 năm đầu miễn 100% và 5 năm sau 50% nữa. Từ lúc được cấp phép thì chúng ta hình dung rằng là việc này thực tế không thu được đến năm thứ 4 là người ta sẽ đổi giấy phép, lại tiếp tục quy trình mới, cho nên trên thực tế chúng ta miễn giảm hết hoặc là cho thu mức thuế thấp. Thực ra nguồn thuế rất quan trọng đối với những địa phương có biển, người ta thu mức thuế thấp nhưng ổn định, không nên làm như thế này, thực tế là không thu. Không ai dại gì kéo dài khai thác năm thứ 6, để bị đánh thuế, người ta chuyển sang hình thức khác như đổi giấy phép, thành lập công ty mới.

Thứ ba, về dầu khí, nếu như giấy phép đầu tư cấp trước ngày luật này có hiệu lực thì trong giấy phép đầu tư ghi lãi suất như thế nào thì chúng ta phải thu như thế. Tôi nghĩ như vậy không hợp lý, đã là thuế phải áp dụng đồng bộ với nhau, chúng ta có thể ân huệ trong một thời gian 1 -3 năm, từ khi luật này có hiệu lực thì chúng ta tạm thời thu theo thuế cũ để doanh nghiệp có điều kiện tính toán trở lại giá thành sản phẩm của mình, nhưng sau đó phải thu như nhau vì một trong những nguyên tắc cơ bản của cạnh tranh là chúng ta phải đóng thuế công bằng, nếu không công bằng thì giá thành rất bấp bênh và không phải là kinh tế thị trường.

Về cách tính thì tính tại gốc là một cách tính hay, để đảm bảo tránh thất thu. Nhưng khó khăn như đồng chí Phó Chủ tịch đã nói là rõ ràng, thật ra không có giá tài nguyên tại gốc vì không ai chỉ đống đất mà bán, mà họ phải sơ chế, tuyển lựa, vận chuyển ra tới thị trường tiêu thụ. Ngược lại chính thuế đó sẽ quyết định giá, cho nên tôi đề nghị gốc là căn cứ để tính, nhưng chúng ta phải tính theo hàm lượng, đặc biệt là hàm lượng hữu hiệu vì có những loại hàm lượng cao nhưng do cấu tạo của nó nên hữu hiệu là cái có thể khai thác thì lại thấp. Cho nên phải tính theo hàm lượng hữu hiệu từ đó ta quy ra, ví dụ một mỏ vàng có hàm lượng 1%, thì thuế phải khác với mỏ vàng 2%, 3%. Điều này phải tính và quy đổi ra hàm lượng. Nếu có 2, 3 thứ kim loại trong một quặng chẳng hạn thì lại phải tính cả 2 hoặc 3 thứ chứ nếu người ta chỉ khai thác một thứ, vứt bỏ hai thứ kia thì cũng không hợp lý và cuối cùng chúng ta tính giá thì phải tính giá thương mại của kim loại đã lấy ra, chứ không phải là lấy theo giá quặng để quy ngược trở lại, chứ còn giá quặng tại gốc nó sẽ không có. Từ đó tôi mới thấy rằng trong kỳ họp này chúng ta không thể thông qua được luật này đâu, mà phải có thời gian chuẩn bị. Đặc biệt là vấn đề hành thu Chính phủ phải có những phương án hết sức tốt để trình bày Quốc hội yên tâm rằng chúng ta sẽ không tính theo mỗi nơi mỗi kiểu. Ví dụ tôi tính theo giá quặng tại gốc, cho nên tại Đắc Lắc chẳng hạn tuy quy quặng này 200.000/1 tấn, nhưng ở bên cạnh Đắc Nông tính 300.000 bởi vì đấy là do cách tính ở địa phương. Giá này là phải do Bộ Tài chính ấn định tối thiểu là từ hàm lượng đó và địa phương chỉ áp vào điều kiện cụ thể ở địa phương thôi.

Chúng tôi cũng nhất trí rằng chúng ta sẽ thay đổi theo hướng, ở đây tôi nói thêm một chỗ nữa là chúng ta nói là không có thuế bằng 0, nhưng thấy trong đây có nhiều biểu thuế bằng 0 lắm. Khí than chẳng hạn từ 0 - 30% điều đó cũng đề nghị chúng ta nên nói rõ lại. Loại có nhiều thành phần trong đó thì khác nhưng khí than, khí thiên nhiên, dầu khí có một loại thôi, tôi đề nghị khung hẹp lại và chúng ta sẽ không dùng 0% nữa. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan