Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh – Quảng Nam

Thứ Năm 15:59 05-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Về dự án Luật này tôi xin tham gia hai vấn đề lớn. Thứ nhất là những vấn đề chung, thứ hai là những vấn đề cụ thể.

Về vấn đề chung, tôi thấy có ba ý mà tập trung nhất tôi vẫn thấy chưa yên tâm về việc phải nâng Pháp lệnh này thành Luật với cách sửa như thế này. Quan điểm chung của tôi là nếu cái gì đang hiện hành mà được thực tế kiểm nghiệm nâng lên thành Luật, điều đó là tốt. Nhưng việc dự thảo Luật như thế này càng chưa đạt được ý đấy. Ở đây thể hiện rõ sự cần thiết phải ban hành Luật này ngay trong Tờ trình của Chính phủ thì tôi thấy cũng chưa đạt được mục đích này. Cụ thể tôi nói là trong đánh giá tác động, kèm theo dự thảo này cũng chưa nói rằng khi chúng ta nâng, giảm thuế suất thì ngân sách tăng hay giảm thu là bao nhiêu chưa thể hiện rõ. Trong Điểm c của sự cần thiết theo Tờ trình của Chính phủ bảo rằng sẽ tăng thu, nhưng tại sao đánh giá tác động chưa thể hiện rõ cái này. Hay một vấn đề quan trọng nhất là quy định những kim loại, những khoáng sản, những tài nguyên mà thực tiễn kiểm nghiệm ở Pháp lệnh thì chưa được ghi ra phần Luật đó là những kim loại gì mà vẫn có Khoản 8, Điều 2 một cách rất vô lý, là những loại chưa xác định được mà giao việc này cho Chính phủ thì Khoản 9, Điều 2 của Nghị định Chính phủ dự thảo kèm theo đây cũng ghi nguyên một câu như thế. Dự án luật này giao cho Chính phủ quy định những tài nguyên, khoáng sản mà chưa quy định rõ, thì nghị định của Chính phủ cũng ghi nguyên một câu như thế. Các đồng chí xem Điều 2, Khoản 9 của Nghị định của Chính phủ bê nguyên si, chỉ thêm một khoản của dự luật này.

Về thuế suất là vấn đề quan trọng nhất của một đạo luật về thuế. Điều 84 của Hiến pháp đã quy định thẩm quyền này là của Quốc hội. Trong dự thảo luật của chúng ta giao quá nhiều cho Chính phủ quy định thì có nên không? Vấn đề chỗ này là cái gì? Tôi đề nghị nên tính toán cụ thể để Quốc hội quy định biên độ hẹp lại, phải để cho Chính phủ căn cứ quyết định của Quốc hội mà quy định cho chính xác, không nên với một biên độ quá lớn từng loại thuế suất như thế này.

Vấn đề chung hiện nay chúng ta phải thống nhất chính sách, chủ trương với chính sách kinh tế nói chung và áp dụng vào chính sách thuế. Tài nguyên như các đại biểu trước đã nói là vấn đề rất hệ trọng của quốc gia. Các nước xung quanh ta họ còn cất giữ tài nguyên và mua tài nguyên của chúng ta về dự trữ. Tại sao chúng ta lúc nào cũng tự hào rằng đất nước chúng ta giàu tài nguyên khoáng sản để khai thác và bán. Chúng ta phải khuyến khích chế biến sâu, xuất sản phẩm tinh chứ không nên chính sách thuế đi ngược lại với chủ trương chung về kinh tế của chúng ta như thế, cho nên tôi đề nghị không giảm trần thuế suất ở một số loại. Hiện nay các đồng chí thấy vàng khai thác tràn lan, chỗ nào cũng bảo được cấp giấy phép, rồi gây ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng đời sống của nhân dân. Chúng ta đang từ 30% ở pháp lệnh bây giờ nâng lên luật còn 25%, tại sao lại có chuyện lạ kỳ như vậy. Theo tôi nghĩ không biết có đúng không, như vậy là chúng ta khuyến khích khai thác vàng một cách tràn lan như hiện nay.

Thứ hai, rừng trồng tôi đề nghị đánh thuế sau đó hoàn thuế lại cho dân, người được hưởng lợi trên đất này, hiện nay đang phá rừng, chỉ tiêu vừa rồi chúng ta không đạt, Chương trình 5 triệu ha rừng đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng vẫn không đạt. Mức trần của thuế là 40% bây giờ còn 35%, tôi không hiểu chúng ta xây dựng dự án luật này có nhất quán với chủ trương của chúng ta không, tại sao lại có những chuyện lạ kỳ như vậy.

Tôi đề nghị những tài nguyên không tái tạo phải đánh thuế cao lên và khuyến khích những sản phẩm tài nguyên kim loại chế biến sâu, sản xuất tinh luyện, hạ thuế để đảm bảo nhất quán về chính sách. Trong khi đó, cành củi, ngọn tre, giang, nứa lại đánh thuế, tôi nghĩ nên bỏ quy định đó, đồng bào miền núi của chúng ta còn khó khăn rất nhiều mà đây cũng là cuộc sống của họ. Về tiếp xúc cử tri vùng sâu, vùng xa chúng ta đã biết, nên cố gắng bỏ quy định đó.

Một vấn đề nữa là về hải sản tôi cũng đề nghị loại, không đánh thuế, đây cũng thuộc chiến lược biển của chúng ta, đáng lẽ cấp thêm tiền cho người dân ra đó vừa đánh bắt hải sản miễn thuế và đáng lẽ phải trang bị cho họ nhiều thứ nữa để bảo vệ chủ quyền biển đảo, chiến lược biển của chúng ta.

Vấn đề tiếp theo là Khoản 6, Điều 10, tôi ủng hộ việc nên miễn giảm, đã là quốc phòng an ninh, công trình công cộng. Quốc phòng an ninh thì không có ai lợi dụng việc đó làm gì, ai lợi dụng thì chưa nói đến pháp luật quân đội người ta đã xử lý rồi chứ chưa nói đến pháp luật nên tôi ủng hộ Khoản 6, Điều 10 nên miễn giảm thuế chỗ này. Tôi xin hết ý kiến.

 

Các văn bản liên quan