Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Việt – Hậu Giang

Thứ Năm 15:58 05-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tài nguyên là một trong những nguồn lực kinh tế rất quan trọng được thiên nhiên ban tặng. Tuy nhiên hầu hết nguồn tài nguyên đều có hạn. Do vậy nhiều quốc gia trên thế giới rất khôn khéo, họ giữ gìn tài nguyên của họ, họ đi khai thác tài nguyên ở các nước khác để thu lợi, hoặc nếu họ khai thác tài nguyên đất nước họ thì cũng rất tiết kiệm, khai thác gắn với tinh chế thành những sản phẩm tiêu dùng rồi mới đưa ra thị trường.

Nhìn lại đất nước chúng ta trong những năm gần đây không khỏi chạnh lòng, mạnh ai nấy thi đua khai thác tài nguyên vượt tầm kiểm soát của Nhà nước, tổ chức cá nhân khai thác thu lợi rất lớn, để lại môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng, lâm tặc khai thác gỗ ở đầu nguồn, các dự án sân golf, khu công nghiệp khai thác rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, nạn khai thác vàng trái phép các loại khoáng sản quý hiếm khác v.v... Trong những ngày gần đây tôi có thấy báo chí đăng chúng ta sẽ xuất quặng sắt, tôi không hiểu khai thác làm chi cho thừa mứa đến thế, sài không hết đem xuất thô để mai mốt nhập lại sắt thép với giá cao trên trời như những năm 2007 - 2008. Đồng bằng sông Cửu Long chúng tôi tiêu tốn ngân sách Nhà nước 1.000 tỷ đầu tư vào kè chống sạt lở, nhưng bị nhiều tổ chức cá nhân khai thác hàng triệu m3 cát thu lợi to, ngân sách Nhà nước bay theo gió, không ít nhà cửa đất đai, cơ sở hạ tầng lặn mất dưới lòng sông. Từ thực trạng trên tôi nhất trí với Chính phủ cần thiết phải nâng Pháp lệnh tài nguyên lên thành luật nhằm đảm bảo sự quản lý của Nhà nước trong việc bảo vệ khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả và bảo vệ tái tạo môi trường.

Tuy nhiên, nghiên cứu nội dự luật tôi cảm nhận nội dung của dự luật chưa tiến bộ hơn so với pháp lệnh hiện hành thậm chí còn thụt lùi. Theo tôi ngoài 5 mục tiêu yêu cầu trong Tờ trình của Chính phủ, nội dung luật cần thể hiện cho được, phải hạn chế và không khuyến khích việc khai thác các nguồn tài nguyên không tái tạo bằng cách phải nâng mức thuế suất lên cao hơn nữa, sao cho việc thu thuế tài nguyên vừa góp phần phát triển kinh tế nhưng cũng vừa đủ kinh phí để tái tạo lại môi trường. Chúng ta không sợ tăng thuế này nó ảnh hưởng giá cả sản phẩm hàng hóa, ví dụ như vàng, rồi giá xăng dầu hoặc một số khoáng sản khác. Vừa qua có yếu tố tăng giá đột biến không phải người ta đánh thuế tài nguyên mà tăng giá, mà do các yếu tố khác.

Do vậy chúng tôi đề nghị nên quan tâm vấn đề này. Đi vào cụ thể tôi thấy ở Điều 2 đối tượng chịu thuế, chúng tôi thấy rằng hải sản tự nhiên, thực vật biển là loài được sinh sản, tái tạo khá nhanh, nếu chúng ta biết bảo vệ và khai thác có kế hoạch. Hải sản, thực vật biển cũng là nguồn thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng tốt cho con người so với thịt động vật. Do vậy hải sản tự nhiên, thực vật ở biển theo tôi nên đưa ra khỏi đối tượng chịu Thuế tài nguyên tức là đối tượng này không phải chịu thuế.

Điều 8, tôi thấy mức trần Thuế khoáng sản là nó giảm so với pháp lệnh là không hợp lý như quan điểm tôi vừa trình bày ở trên, nhất là những loại khoáng sản không tái tạo. Vấn đề tiếp theo trong Điều 8 là mức sàn và mức trần như nhiều đại biểu đã phát biểu là có khoảng cách quá xa, chúng tôi thấy không phù hợp. Vì thế không đảm bảo được tính chặt chẽ trong quản lý, đặc biệt là vai trò thẩm quyền quyết định thuế suất của Quốc hội vì khoảng cách quá xa không thể đảm bảo giám sát chặt chẽ.

Điều 10, về miễn giảm thuế trong Khoản 2, theo tôi đánh bắt xa bờ nên miễn thuế hoàn toàn vì việc đánh bắt xa bờ hiện nay chúng ta đang khuyến khích. Ngoài nguồn lợi hải sản thu được nó còn có ý nghĩa là chủ quyền quốc gia của chúng ta ở trên biển, cho nên chỗ này chúng tôi đề nghị là miễn hoàn toàn thuế.

Khoản 6, Điêu 10 là đất khai thác, san lấp xây dựng công trình, an ninh quốc phòng, đê điều thủy lợi, giao thông v.v... trong khoản miễn giảm này theo tôi là không miễn giảm mà phải chịu thuế để tránh bị lạm dụng như những đại biểu trước đã phát biểu. Vì các dự án sử dụng đất cát để san lấp, xây dựng thì phải tính đúng, tính đủ các chi phí trong đó có Thuế tài nguyên.

Cuối cùng theo tôi đề nghị thẩm quyền quyết định thuế suất phải là thẩm quyền của Quốc hội như vậy thì nó mới phù hợp với Hiến pháp. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan