Góp ý của đại diện Hiệp hội Chế biến xuất khẩuThuỷ sản Việt Nam

Thứ Sáu 16:03 25-09-2009

Xung quanh dự thảo Luật Thuế tài nguyên, tôi có 3 ý kiến như sau:

1- Cần có một định nghĩa rõ ràng hơn về “ thuỷ sản tự nhiên”. Chúng ta có khai thác thuỷ sản tự nhiên là không có đầu tư và thuỷ sản nuôi. Nhưng hiện nay, khai thác ở trên sông hay khai thác ở trên biển thì lại có trường hợp được đầu tư như nuôi trồng lồng bè.

2- Về đối tượng tham gia trong ngành thủy sản-đối tượng chịu thuế là người sản xuất. Lượng ngư dân tham gia vào quá trình khai thác thuỷ sản đa số là cá thể kinh doanh theo hộ gia đình, là những đối tượng nghèo đang có hỗ trợ của nhà nước. Theo Luật họ là đối tượng chịu thuế.

3- Trên thế giới hiện nay người ta khuyến khích nuôi bền vững, tăng đánh bắt xa bờ, tăng nhập khẩu nguyên liệu song song với công tác bảo vệ trữ lượng. Ở Việt Nam, tài nguyên thuỷ sản đang ngày càng có xu hướng giảm và khó tái tạo nên cần có biện pháp để bảo vệ nguồn tài nguyên này.

4- Sản lượng khai thác thuỷ sản ở ta khoảng 2,4 triệu tấn/ năm, nhưng do quy mô nhỏ nên chất lượng bảo quản sau khai thác còn thấp, lượng có thể dùng để xuẩt khẩu không cao, chỉ khoảng 50%.

Trong 2,3 năm vừa qua chúng ta liên tục phải có những chương trình hỗ trợ cho ngư dân, tuy nhiên vì chi phí cho một chuyến đi biển là quá cao( do giá dầu tăng) lại gặp nhiều nguy hiểm nên nhiều ngư dân đã bị lỗ. Họ thậm chí để thuyền nằm tại bến không đi đánh bắt nữa. Dựa vào tình hình khó khăn đặc thù của ngành khai thác thuỷ sản như vậy mà dự kiến áp mức thuế 1-2% thì theo khía cạnh chuyên ngành, chúng tôi cho rằng đó là một mức cao.

Nhiều nguyên liệu thuỷ sản nhập khẩu do mục đich để tạo ra lợi thế cạnh tranh và tạo ra vùng nguyên liệu, nguồn thực phẩm trong nước nên đã được áp mức thuế 0%, so với trước đây là 20-30%. Như vậy, rõ ràng là những người khai thác trong nước đang gặp nhiều rủi ro hơn trước, và có thể là những đối tượng chịu thuế này bị lỗ. Vì vậy chúng ta nên quan tâm hơn đến những đối tượng này và đề xuất mức cao nhất của khung Luật là 0,5%”

Các văn bản liên quan