Góp ý của ông Nguyễn Xuân Tường, Tổng giám đốc Công ty TNHH khai thác vàng Phước Sơn:

Thứ Sáu 16:00 25-09-2009

- Về cách thành lập văn bản pháp luật, Luật Thuế tài nguyên đề cập đến nhiều loại tài nguyên khác nhau: tài nguyên lâm sản, tài nguyên thuỷ sản. tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên khác. Ở dự thảo, ba loại tài nguyên chủ yếu trên được gom vào với nhau, chúng có những đặc tính như nhau, theo tôi là không hợp lý. Tại sao chúng ta không quy định; chương 1: Các vấn đề chung; Chương 2: về tài nguyên khoáng sản; Chương 3: về tài nguyên lâm sản…Như vậy cách trình bày các điều khoản sẽ tương ứng với từng loại tài nguyên để phù hợp hơn.

Nếu đọc dự thảo chúng tôi thấy rằng các loại tài nguyên này được quy định giống nhau trong khi thực tế là chúng lại có các đặc điểm khác nhau. Vì vậy theo tôi nên xem xét lại vấn đề này.

- Tôi thấy rằng có rất nhiều từ ngữ cần phải được giải thích, nhưng trong dự thảo chỉ có 5 cụm từ và nằm trong lĩnh vực dầu khí là chính. Ví dụ, có một khái niệm “ chế biến” mà có nhiều cách hiểu khác nhau từ bên khoáng sản và thuế. Bên thuế hiểu “ chế biến” là từ quặng làm ra sản phẩm khác, mà “ sản phẩm khác’ thì không ai nhất trí với nhau để thực hiện.  Từ quặng ta làm ra alumin và Bộ Trưởng Bộ Công thương đã khẳng định alumin là “sản phẩm khác”. Nhưng trong khai thác vàng, thỏi vàng từ quặng lại không được coi là “ sản phẩm khác”. Chúng tôi không hiểu tại sao lại như vậy? Vì vậy, Luật nên giải thích cụ thể để khi đi vào thực thi không gây ra vướng mắc.

- Điều 5 về căn cứ tính thuế, chúng ta đưa ra căn cứ tính thuế là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác, giá tính thuế và thuế suất là hoàn toàn đúng theo nguyên tắc. Tuy nhiên nên chăng chúng ta nói rõ ra “sản lượng tài nguyên thực tế khai thác”, “ giá tính thúê” và “thuế suất” là gì. Bởi “ giá tính thuế” là vấn đề luôn gặp phải vướng mắc khi áp dụng.

- Điều 7: giá tính thuế tài nguyên có 4 nội dung, nhưng lại không nói được cái căn bản “ giá tính thuế tài nguyên” là gì. Về khoáng sản thì “ giá tính thuế tài nguyên” phải là giá tính tại nơi khai thác mới đúng. Nếu không bán được ngay tại nơi khai thác thì chúng ta có cách quy đổi như chúng ta đã từng tính.

Theo trình bày tại Điều 7 hiện nay thì có thể hiểu “ giá tính thuế tài nguyên” theo nhiều cách. Ví dụ, vàng tại một mỏ có điều kiện khai thác khó khăn, ở vùng rừng sâu, núi thẳm thì khác với vàng được khai thác tại nơi gần khu đông dân cư hoặc gần thị trấn, thị tứ. Vậy “ giá tính thuế tài nguyên tại nơi khai thác” trong trường hợp không quy định rõ sẽ không khuyến khích được khai thác ở những nơi chúng ta cần. Cần đặt mọi nhà khai thác ở mặt bằng bình đẳng với nhau.

- Về xác định thuế suất đối với thúê tài nguyên: tôi nhất trí việc đưa ra một khung thuế suất. Nhưng e rằng đến nghị định và thông tư hướng dẫn thì khung thuế suất sẽ không còn nữa mà trở thành thuế suất cụ thể. Đây là vấn đề khó đối với khai thác tài nguyên, đặc biệt là khai thác khoáng sản. Tôi cho rằng khi áp thuế tài nguyên thì nên áp cụ thể cho từng mỏ sẽ đúng hơn. Ví dụ 2 mỏ vàng Đồng Mưu và  Phước Sơn. Ở Phước Sơn hàm lượng trung bình cao, khai thác tương đối tốt 14 g/tấn, nhưng ở mỏ vàng Đồng Mưu chỉ có 2-4 g/ tấn. Nếu hai mỏ này bị áp hai mức thuế suất giống nhau thì thật không công bằng. Hơn thế nữa, khi được áp dụng như vậy người khai thác sẽ chỉ chăm chú vào mỏ giầu mà bỏ đi những chỗ tài nguyên nghèo, gây lãng phí tài nguyên. Vì vậy khi xây dựng nghị định nên có một thuế suất sát với từng địa phương không nên để giống nhau đối với tất cả cá như hiện nay.

Các văn bản liên quan