Góp ý của ông Nguyễn Xuân Thuỳ- Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam

Thứ Sáu 15:58 25-09-2009

- Về đối tượng nộp thuế trong Dự thảo có ghi: là “các cá nhân tổ chức tiến hành khai thác tài nguyên thiên nhiên”, nên bổ sung “tổ chức cá nhân trực tiếp tiến hành khai thác tài nguyên”. Lý do nên bổ sung chữ “ trực tiếp” là vì: theo mô hình tập đoàn chúng tôi sản xuất một tấn than khai thác qua rất nhiều khâu, từ khâu khai thác đến khâu sàng tuyển và khâu cuối cùng là giao than đến đơn vị sử dụng than cuối cùng. Mô hình tập đoàn như vậy cho nên cần phải quy định những người trực tiếp khai thác than là người chịu thuế. Nếu ghi chung chung thì những người khai thác than sẽ bao trùm cả tập đoàn.

- Điều 5 căn cứ tính thuế tài nguyên: tôi hoàn toàn thống nhất, sản lượng tài nguyên thực tế khai thác. Nếu dùng từ “thương  phẩm” thì chỉ tài nguyên đã qua chế biến đủ điều kiện để bán ra thị trường, trong trường hợp này là không phù hợp.

- Điều 7 quy định giá tính thuế tài nguyên “là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên tại nơi khai thác” là rất chuẩn. Khẳng định được là người nộp thuế là người trực tiếp khai thác và giá tính thuế tài nguyên là giá bán sản phẩm tại nơi khai thác. Năm 2007 Kiểm toán nhà nước vì dựa vào Thông tư của Bộ Tài chính giá tính thuế tài nguyên là giá bán tại thị trường. Vậy thì thị trường tại đâu, tại Quảng Ninh, tại Hải Phòng hay tại miền Nam?. Nếu lấy giá bán trừ lại toàn bộ các khâu thì rất phức tạp. Luật thuế tài nguyên phải quy định là giá bán tài nguyên tại nơi khai thác, nếu là giá bán thị trường thì không rõ. Đây là trường hợp tài nguyên được bán tại nơi khai thác.

- Tuy nhiên, có tài nguyên có thể khai thác và bán ngay, nhưng hiện nay riêng đối với than thì  không ai mang than nguyên khai đi bán. Chúng tôi không được bán than nguyên khai, mà luôn phải qua khâu sàng tuyển để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khác nhau của các khách hàng. Do đó mà không có giá bán than nguyên khai tại nơi khai thác. Nếu muốn tính giá than nguyên khai tại nơi khai thác thì phải có cách tính trừ lùi.

- Trong Điều 7 khoản 2: “ trường hợp tài nguyên chưa có giá bán thì giá tính thuế tài nguyên được tính dựa vào các căn cứ sau: Giá bán trên thị trường của đơn vị tài nguyên”. Tôi đề nghị sửa lại câu “giá bán trên thị trường”cụ thể hơn thành “giá bán bình quân tại khu vực”. Vì tập đoàn của chúng tôi có các mỏ ở Thái Nguyên, Quảng Ninh, ở cả miền nam và đều tính giá theo thị trường tại khu vực.

- Chúng tôi đề nghị bổ sung: “ giá bán của sản phẩm được sản xuất chế biến từ tài nguyên khai thác trừ đi các chi phí ở các khâu sản xuất, vận chuyển, chế biến, sàng tuyển và quy đổi theo hàm lượng hay tỷ trọng.” Vì chúng tôi không bán than từ nơi khai thác. Hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau và chưa thống nhất về cách tính thuế theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính. Cách tính thuế trong dự thảo lần này phải dễ hiểu, rõ ràng để ai cũng có thể tính được và tính một cách nhanh chóng thông qua một vài phép nhân.

- Điều 8 về thuế suất, đối với khoáng sản là kim loại, tôi đồng ý là nâng lên từ 1-5 theo quy định cũ thành 5-30 nhưng giảm mức trần từ 30 xuống là 15. Nghĩa là thuế suất chỉ nên từ 5-15. Về than cũng nên giảm mức trần xuống, tức là ở mức 4-10. Hiện nay, thuế suất áp dụng đối với than hầm lò đã là 4%, than lộ thiên là 6% rồi, chúng tôi chấp nhận như thế. Đối với khí thiên nhiên, khí than nên đưa lên mức 0-15 thay cho mức 0-5 của dự thảo.

Các văn bản liên quan