Góp ý của đại biểu Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội

Thứ Ba 15:20 22-09-2009

Kính thưa đồng chí Chủ tịch,

Thưa các đồng chí, tôi cơ bản đồng tình với những điểm lớn mà Chính phủ trình trong Dự thảo Luật thuế tài nguyên và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính, ngân sách, tôi xin phát biểu thêm hai ý kiến sau.

Liên quan đến Điều 8 thuế suất, tôi cũng đồng tình với những phân tích từ nãy đến giờ của các đồng chí trong Thường vụ. Tôi thấy rằng dự thảo luật chỉ có 12 điều, rất ít mà luật này là luật rất chuyên ngành, liên quan đến thuế mà chỉ là thuế tài nguyên do vậy càng cụ thể càng tốt. Tôi thấy trong hai phụ lục kèm theo của nghị định dự thảo ban hành của Chính phủ các anh đã phân ra các loại rất cụ thể, như anh Ninh nói bây tài nguyên khác thì anh cũng chưa định nghĩa được là tài nguyên gì, ngoài yến sào. Thậm chí anh cũng nói là có thể tiếp thu bỏ luôn "tài nguyên khác" vì cơ bản các loại hình đã được định hình rồi. Tuy nhiên tôi cũng đồng tình ý kiến anh Ninh là chúng ta phải đảm bảo để hài hòa sự linh hoạt nhất định trong quá trình điều hành chính sách thuế không cứng.

Tôi xin đơn cử hai ví dụ trong bản phụ lục 1, phụ lục 2 để các anh tính toán thêm. Phụ lục 1 đối với khoáng sản kim loại thì chúng ta quy định mức thuế áp trong này chỉ khoảng từ 7-12%, trong khung thuế đặt ra ở tại Điều 8 chúng ta đưa khoảng từ 5-30%. Không biết tại sao áp cụ thể đang dự kiến chỉ dừng lại ở 7-12% nhưng khung đặt ra trong luật lại từ 5-30%, quá rộng, tại sao không là 5-15%, không biết là có dự báo gì để chúng ta đưa ra khoảng quá rộng như thế.

Ví dụ thứ hai là đối với khí thiên nhiên và khí than thuế đang áp tạm thời trong phụ lục là 0-10% nhưng trong quy định tại Điều 8 của luật chúng ta đưa ra khung từ 0-25%. Tôi đề nghị nếu Chính phủ có dự báo gì là thuế suất có thể tăng trong khung hết cỡ như vậy thì cũng phải đưa ra cơ sở để giải trình làm rõ thêm. Nếu không theo tôi một là từ 8 nhóm này tiếp tục phân ra các nhóm cụ thể hơn, hai là quy định khung hẹp lại như ý kiến của Thường vụ Quốc hội.

Ý kiến thứ hai, tôi hơi băn khoăn trong dự báo tác động của luật này khi ban hành có đưa ra một điểm là chi phí đầu tư chế biến tài nguyên khoáng sản lớn, không hấp dẫn để đầu tư chế biến sâu nên các doanh nghiệp thường khai thác thô. Do vậy lợi nhuận thu thì thấp mà thất thoát tài nguyên. Trong Báo cáo của anh Hiển cũng đề cập đến một yêu cầu đặt ra đó là phải góp phần khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu tài nguyên, hạn chế xuất khẩu thô, nhất là tài nguyên không tái tạo. Tuy nhiên tôi thấy cả 2 Tờ trình và Báo cáo thẩm tra chưa đề cập chúng ta xử lý cách gì bằng một chính sách thuế để có thể khuyến khích việc đầu tư chế biến sâu, để hạn chế phần xuất khẩu thô. Bây giờ dầu cũng thôi, bây giờ có nhà máy lọc dầu rồi, các khoáng sản khác, các vấn đề khác cũng xuất thô là chính. Tôi nghĩ chúng ta ở đây yêu cầu rất quan trọng và đánh giá tác động đã thấy rồi thì có cách gì để khắc phục bằng chính sách thuế. Tôi đồng tình với anh Ninh là rất nhiều cái để góp phần cũng không phải riêng thuế không, nhưng thuế cũng là công cụ quan trọng. Tôi xin phát biểu ý kiến thứ hai như vậy, xin hết

Các văn bản liên quan