Thực trạng chính sách thuế tài nguyên và sự cần thiết ban hành Luật Thuế tài nguyên

Thứ Tư 18:33 29-07-2009

1. Chính sách thuế tài nguyên hiện hành

Thuế tài nguyên là một trong những công cụ về tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của các tổ chức, cá nhân. Thuế tài nguyên hiện đang thực hiện theo Pháp lệnh thuế tài nguyên (năm 1998); Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên (năm 2008) và Nghị định số 05/2009/NĐ-CP ngày 19/01/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thuế tài nguyên Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên.

Tổng kết quá trình thực hiện cho thấy Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành cơ bản đạt được mục tiêu đặt ra khi ban hành Pháp lệnh là “để góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên được tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên, để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới, Pháp lệnh thuế tài nguyên cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần được bổ sung và sửa đổi cho phù hợp (Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Pháp lệnh thuế tài nguyên trình kèm). Dưới đây là một số nội dung chủ yếu:

a) Kết quả đạt được                               

Tài nguyên là tài sản quan trọng của quốc gia và hầu hết là tài nguyên không tái tạo được; cần phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh thuế tài nguyên số 05/1998/PL-UBTVQH10 ngày 10 tháng 4 năm 1998 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/1998.

- Về mục tiêu sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả: Thể hiện ở mức thuế suất thuế tài nguyên được phân biệt theo từng nhóm, loại tài nguyên, chính sách thuế tài nguyên hiện hành đã góp phần điều chỉnh, định hướng hành vi khai thác tài nguyên theo hướng khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên nhất là đối với các tài nguyên quý hiếm, tài nguyên không tái tạo được.

- Đối tượng nộp thuế tài nguyên là người khai thác tài nguyên phải có nghĩa vụ kê khai và đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế trên địa bàn nơi khai thác tài nguyên. Thuế tài nguyên là một công cụ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước có thể tăng cường việc theo dõi, giám sát hoạt động khai thác tài nguyên theo các quy định của pháp luật, ngoài các công cụ quản lý khác như cấp giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên.

- Với mục tiêu góp phần bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, thuế tài nguyên đã đạt được những kết quả nhất định. Số thu thuế tài nguyên các năm từ 2004-2008 bình quân mỗi năm trên 23.200 tỷ đồng (trong đó, thuế tài nguyên từ dầu khí khoảng 22.620 tỷ đồng, chiếm 97,5% tổng số thu; thuế tài nguyên của các tài nguyên khác khoảng 580 tỷ đồng, chiếm 2,5% tổng số thu). Số thu thuế tài nguyên khá ổn định qua các năm, cụ thể:

Đơn vị tính: Tỷ đồng

TT

CHỈ TIÊU

NĂM 2004

NĂM 2005

NĂM 2006

NĂM 2007

NĂM 2008

 

THỰC HIỆN

THỰC HIỆN

THỰC HIỆN

THỰC HIỆN

ƯỚC THỰC HIỆN

 

 

A

B

1

2

3

4

5

 

1

Dầu khí

31.239,7

20.581,0

20.901,9

23.111,8

16.250

 

2

Nước thuỷ điện

245,1

208,3

262,3

312,3

343,8

 

3

Khoáng sản kim loại

8,7

11,5

22,5

42,4

92,0

 

4

Khoáng sản quý hiếm (vàng, bạc, đá quý)

1,2

2,2

3,2

5,5

7,2

 

5

Khoáng sản phi kim loại

111,2

178,9

233,6

283,4

418,7

 

6

Thuỷ, hải sản

18,9

25,1

7,8

5,9

5,6

 

7

Sản phẩm rừng tự nhiên

110,1

115,7

109,4

113,3

108,7

 

8

Tài nguyên, khoáng sản khác

95,5

112,8

90,3

117,4

138,0

 

 

TỔNG THU THUẾ TÀI NGUYÊN

31.830,4

21.235,5

21.631,0

23.992,0

17.346,0

 

 

TỔNG THU THUẾ NỘI ĐỊA

104.577,0

119.825,0

132.000,0

151.800,0

189.300,0

 

 

TỔNG THU NGÂN SÁCH

190.930,0

228.286,0

237.900,0

281.900,0

323.000,0

 

Thuế tài nguyên (trừ dầu khí) là khoản thu điều tiết 100% cho ngân sách địa phương. Đây là nguồn thu quan trọng đối với ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường nơi khai thác và đảm bảo an sinh xã hội địa phương.

            b) Những tồn tại

            Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành còn bộc lộ một số hạn chế như sau:

            - Về đối tượng chịu thuế:

            Pháp lệnh hiện hành quy định về thuế tài nguyên đối với “dầu mỏ”, “khí đốt”. Tuy nhiên, tại Luật Dầu khí đã quy định “dầu thô” và “khí thiên nhiên” đối với tài nguyên dầu, khí; đồng thời Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008 bổ sung quy định về tài nguyên “khí than”. Do đó, cần quy định đối tượng chịu thuế là Dầu thô” thay cho Dầu mỏ”; Khí thiên nhiên” thay cho Khí đốt” để đảm bảo tính đồng bộ và bổ sung thêm khí than” vào đối tượng chịu thuế.

- Về đối tượng nộp thuế:

Pháp lệnh hiện hành quy định: Trường hợp Bên Việt Nam tham gia doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mà góp vốn pháp định bằng các nguồn tài nguyên thì doanh nghiệp liên doanh không phải nộp thuế tài nguyên đối với số tài nguyên mà Bên Việt Nam dùng để góp vốn pháp định. Quy định này chưa bao quát hết các trường hợp xảy ra trên thực tế, cụ thể: Bên Việt Nam mang tài nguyên đi góp vốn (tài nguyên đã khai thác) thì bên Việt Nam phải nộp thuế tài nguyên. Nếu Bên Việt Nam góp vốn bằng quyền khai thác tài nguyên thì các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên (trong trường hợp này là Liên doanh) là đối tượng phải nộp thuế tài nguyên.

- Về căn cứ tính thuế:

Pháp lệnh hiện hành quy định: căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác, giá tính thuế và thuế suất.

Căn cứ tính thuế tài nguyên đối với dầu, khí được thực hiện theo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Dầu khí. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí năm 2008 chỉ quy định viện dẫn: Tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động dầu khí phải nộp các khoản thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Do đó, để đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý, cần bổ sung quy định về thuế tài nguyên đối với dầu, khí tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế tài nguyên.

- Về sản lượng tính thuế:

Pháp lệnh hiện hành quy định: Sản lượng tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên thương phẩm thực tế khai thác. Sản lượng tài nguyên thương phẩm được hiểu là sản lượng tài nguyên có thể bán được. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều loại tài nguyên khai thác, chưa bán ra ngay mà đưa vào để tiếp tục sản xuất sản phẩm, kinh doanh dịch vụ khác nếu không trực tiếp xác định được sản lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế được căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ và định mức tiêu hao tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm. Như vậy, sản lượng tài nguyên tính thuế trong trường hợp này không phải là sản lượng tài nguyên thương phẩm, mà thay vào đó là sản lượng tài nguyên thực tế khai thác.                         

- Về giá tính thuế:

Pháp lệnh hiện hành quy định: Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên tại nơi khai thác. Trường hợp tài nguyên khai thác chưa có giá bán thì Chính phủ quy định giá tính thuế tài nguyên.

Trên thực tế, do chất lượng, hàm lượng tài nguyên khai thác được là khác nhau, lượng tạp chất khai thác được cùng với tài nguyên nhiều nên việc xác định giá tính thuế tài nguyên trong trường hợp tài nguyên khai thác chưa có giá bán cũng rất khác nhau và hiện nay mỗi địa phương áp dụng một cách dẫn đến sự không thống nhất về giá tính thuế, đặc biệt là các vùng giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, cần có quy định cụ thể về nguyên tắc xác định giá tính thuế của các loại tài nguyên để các địa phương có cơ sở áp dụng thống nhất.

- Về miễn, giảm thuế:

Pháp lệnh hiện hành quy định: Dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Luật khuyến khích đầu tư trong nước có khai thác tài nguyên (trừ dầu, khí) được giảm tối đa 50% thuế tài nguyên trong ba năm đầu kể từ khi bắt đầu khai thác. Hiện tại Luật khuyến khích đầu tư trong nước không còn hiệu lực; hơn nữa, Luật Đầu tư ban hành năm 2005 đã quy định thống nhất về chính sách ưu đãi giữa các loại hình đầu tư.

- Về đăng ký, kê khai, nộp thuế:

Ngày 29/11/2006, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 và bãi bỏ các quy định về quản lý thuế trong các luật, pháp lệnh về thuế mà Luật Quản lý thuế này có quy định. Vì vậy, những nội dung về quản lý thuế tại Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành cần phải sửa đổi lại cho phù hợp với Luật Quản lý thuế. 

 

 

- Về tổ chức thực hiện:

Việc thăm dò, xác định trữ lượng tài nguyên khoáng sản chưa hợp lý và chưa sát thực nên công tác quản lý và cấp phép hoạt động khai thác chưa triệt để, dẫn đến hoạt động khai thác không phép diễn ra tràn lan, gây lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường tại địa phương nơi có khoáng sản khai thác. Qua đó, dẫn đến thất thu về thuế tài nguyên.

            Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế của chính sách thuế tài nguyên hiện hành, cần thiết phải ban hành Luật thuế tài nguyên.

2. Sự cần thiết phải ban hành Luật thuế tài nguyên

a) Luật hoá Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành; kế thừa các quy định còn phù hợp và khắc phục những hạn chế của chính sách thuế tài nguyên hiện hành; góp phần hoàn thiện và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế.

Quá trình thực hiện Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, còn bộc lộ những mặt hạn chế như đã nêu ở trên và cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời nâng từ Pháp lệnh lên thành Luật thuế tài nguyên để nâng cao tính pháp lý của chính sách thuế tài nguyên hiện hành.

Ngày 06/12/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010. Theo nội dung cải cách hệ thống chính sách thuế có việc ban hành mới một số sắc thuế và sửa đổi, bổ sung đồng bộ các sắc thuế hiện hành. Cụ thể liên quan đến tài nguyên, sẽ trình Quốc hội ban hành Luật thuế tài nguyên.

b) Thể hiện vai trò sở hữu của Nhà nước đối với tài nguyên

Tài nguyên là tài sản quan trọng của quốc gia, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý thống nhất. Các tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác tài nguyên phải nộp thuế tài nguyên cho Nhà nước nhằm thể hiện vai trò chủ sở hữu của Nhà nước và đảm bảo công bằng trong hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên.

c) Từ  yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước

Nhà nước phải có chính sách quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Việc tăng cường công tác quản lý, thu thuế tài nguyên, góp phần tăng thu cho ngân sách để có nguồn kinh phí cho việc cải tạo môi trường, sửa chữa hạ tầng quanh khu vực khai thác, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của nguồn tài nguyên quốc gia.

 

 

Các văn bản liên quan