Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Ba – Đồng Nai

Thứ Hai 10:35 24-05-2010

Kính thưa Chủ tịch Quốc hội.

Kính thưa toàn thể Quốc hội.

Tôi xin tham gia ý kiến vào dự án Luật Ngân hàng Nhà nước ở hai điểm.

Thứ nhất chúng tôi thấy rằng ở Điều 3 chúng ta đang nói về chính sách tiền tệ quốc gia và thẩm quyền quyết định. Tôi quan tâm đến vấn đề chính sách tiền tệ quốc gia bởi một lẽ như thế này. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và việc điều hành đất nước là phải theo quy định của Hiến pháp và luật. Điều 84 của Hiến pháp quy định Quốc hội có trách nhiệm quyết định chính sách tiền tệ quốc gia. Trong Luật Ngân hàng này chúng ta phải thể chế hóa Điều 84 của Hiến pháp về vấn đề chính sách tiền tệ quốc gia là gồm những vấn đề gì? Ở đây trong dự thảo Luật Điều 3 chúng ta nói rằng chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đoạn đó tôi cho rằng được nhưng lẽ ra ở chỗ bao gồm thì mình phải nói rằng bao gồm các quyết định gì chứ sao lại bao gồm các mục tiêu. Vì nếu như nói là các mục tiêu thì phải nói nhằm các mục tiêu cho nên tôi vẫn cho rằng Điều 3 nói về chính sách tiền tệ quốc gia là chưa đúng và chưa ổn.

Thứ hai, Điều 3 này nói về chính sách tiền tệ quốc gia, tôi có cảm giác chúng ta nói để phù hợp với những việc hiện nay Quốc hội đang làm. Quốc hội hiện nay chỉ quyết định về chỉ tiêu lạm phát, cho nên chúng ta quy định dự thảo luật này làm sao để hướng nó vào chuyện Quốc hội hiện nay chỉ quyết định về chỉ tiêu lạm phát. Cho nên khái niệm về chính sách tiền tệ quốc gia cũng chỉ hướng nào đó thôi, tôi cho rõ ràng nó không theo khách quan, mà đây là do chúng ta định hướng cho nó, làm cho nó không đúng với các quy luật, đấy là một vấn đề tôi đề nghị Ban soạn thảo cần xem lại.

Vấn đề thứ hai, chúng tôi muốn nói đến lãi suất cơ bản. Đây là công cụ để điều hành tiền tệ và điều hành về lĩnh vực tín dụng và cho vay trong toàn xã hội, không phải chỉ đối với các ngân hàng với nhau hoặc ngân hàng với các khách hàng của mình. Như anh Vượng đã phân tích Ngân hàng Nhà nước hiện nay tuy có yếu tố là Ngân hàng Trung ương nhưng vẫn là Ngân hàng Nhà nước và đồng chí Thống đốc vẫn là thành viên của Chính phủ. Cho nên trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước phải làm sao quản lý cho được tình hình về vay. Tức là tình hình về tín dụng trong ngân hàng cũng như trong nhân dân. Đấy là nhiệm vụ rất quan trọng của ngân hàng và giữ cho được ổn định về tiền tệ. Đấy là 2 nhiệm vụ rất quan trọng của ngân hàng.

Phát biểu trước tôi nhiều đại biểu cho rằng nên bỏ lãi suất cơ bản, mà điều hành theo cơ chế thị trường. Xin báo cáo với các đồng chí, chúng ta vẫn khẳng định mục tiêu của chúng ta là Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Và trong thời kỳ quá độ chúng ta thực hiện cơ chế thị trường nhưng có định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy thì định hướng xã hội chủ nghĩa ở đây là cái gì. Thì tôi cho rằng lãi suất cơ bản chính là định hướng xã hội chủ nghĩa để làm gì? Để : Một là giữ cho được vấn đề chống cho vay nặng lãi và chống việc người nắm giữ tiền trong xã hội lợi dụng những lúc các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân khó khăn về tiền mặt thì đòi hỏi mức lãi suất cao ngất ngưởng mà trước đây khi năm 2008 đã xảy ra tình trạng này rồi. Báo cáo các đồng chí có vấn đề như thế. Đấy là nhiệm vụ rất quan trọng để làm sao người khó khăn không phải đi vay với lãi suất cao ngất ngưởng trong những thời kỳ đó.

Thứ hai là quản lý cho được tình hình về tiền tệ, về tín dụng trong xã hội. Nếu như bỏ lãi suất cơ bản đi thì rõ ràng sẽ rối loạn về tiền tệ. Tôi thấy phát biểu trước tôi có nhiều đồng chí nói rằng khi nào có tình hình khó khăn, tình hình đặc biệt thì mới quy định lãi suất cơ bản. Theo tôi đó là rất sai lầm. Vì Bộ luật dân sự quy định rồi, anh có thể thỏa thuận nhưng thỏa thuận không được vượt quá lãi suất cơ bản, điều này có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước phải công bố lãi suất cơ bản. Còn trong những tình hình có diễn biến đặc biệt thì anh có quyền điều chỉnh lãi suất cơ bản đó, còn trong lãi suất cơ bản đó thì tất cả các ngân hàng và kể cả nhân dân là anh có quyền thỏa thuận với nhau, nhưng anh không được vượt quá như Bộ luật dân sự hiện nay là 150% lãi suất cơ bản, vì nếu vượt quá như thế thì sẽ dẫn đến rối loạn. Rối loạn là vì tôi báo cáo với các đồng chí trong thực tiễn những năm đổ vỡ tín dụng, khó khăn ngân hàng là vì sao? là khi các doanh nghiệp khó khăn, người dân khó khăn người ta sẵn sàng chấp nhận một mức vay cao ngất ngưởng, người ta chỉ biết là giải quyết những khó khăn trước mắt thôi còn sau đó có trả được hay không đó là chuyện sau này mới tính và như vậy sẽ dẫn đến là gì? dẫn đến phá sản, dẫn đến mất khả năng thanh toán và như vậy rõ ràng ngân hàng nó cũng sẽ không làm sao thu được vốn. Chính vì vậy cho nên lãi suất cơ bản nó giúp cho ổn định tình hình về cho vay và thị trường về tài chính.

Tôi đề nghị nên cân nhắc không nên bỏ lãi suất cơ bản và như thế cũng không bó buộc gì đối với Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng bởi vì anh được quyền điều chỉnh trong tình hình có khó khăn thì anh sẽ điều chỉnh, còn thường xuyên anh phải có lãi suất cơ bản để cho các cơ quan tư pháp người ta căn cứ vào cái này khi có tranh chấp về vấn đề vay vốn thì người ta sẽ căn cứ vào đó người ta quyết định, thứ nhất là theo dân sự. Còn đối với loại hình sự thì nếu anh cho vay mà vi phạm Bộ luật hình sự về vấn đề cho vay nặng lãi thì người ta sẽ xử anh vào tội cho vay nặng lãi, như vậy nó mới đảm bảo cho được ổn định tình hình thị trường cho vay, chứ còn nếu không thì tôi cho rằng chúng ta buông một công cụ rất quan trọng của Ngân hàng Nhà nước. Xin hết.

Các văn bản liên quan