Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên tổng kết Hội nghị

Thứ Hai 10:36 24-05-2010

Đến giờ cũng không còn vị đại biểu Quốc hội nào đăng ký phát biểu và các ý kiến phát biểu chúng tôi thấy cũng đã tập trung, cho phép tôi có một số ý kiến để kết thúc phiên thảo luận hôm nay.

Kính thưa các đồng chí, kết thúc thảo luận Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước có 18 vị đại biểu Quốc hội trực tiếp phát biểu tại hội trường. Căn cứ vào ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu một cách nghiêm túc, tiếp thu một cách thỏa đáng các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để báo cáo giải trình và hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội thông qua vào phiên họp sau.

Về một số nội dung lớn, quan trọng, chưa có sự thống nhất thật cao, dự kiến sẽ gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Khi điều hành thông qua toàn bộ dự án luật này cũng có thể biểu quyết riêng một số điều, một số nội dung liên quan đến những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội còn chưa có sự thống nhất thật cao. Để các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, chuẩn bị các văn bản, tôi xin nêu một số điểm trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu ngày hôm nay.

Thứ nhất, về nội hàm chính sách tiền tệ quốc gia và thẩm quyền. Nhìn chung các đại biểu Quốc hội nhất trí như trong dự thảo. Vấn đề còn lại chủ yếu về mặt kỹ thuật, cách thể hiện như thế nào cho rõ, mạch lạc hơn. Xoay quanh vấn đề này tôi xin được báo cáo thêm mấy điểm.

Thứ nhất, chính sách tài chính tiền tệ quốc gia không đồng nhất với chỉ tiêu lạm phát.

Thứ hai, phạm trù lạm phát dùng chung, không phải chỉ dùng khi lạm phát tăng cao. Trong trường hợp lạm phát dưới 3% là chuyện bình thường của một nền kinh tế. Từ 3% đến dưới 5% là phải để ý đến, trên 5% là phải có các biện pháp chủ động và xử lý ngay. Cho nên nó là một phạm trù dùng chung.

Thứ ba, ổn định giá trị đồng tiền không có nghĩa là cố định giá trị đồng tiền.

Thứ tư, Quốc hội chúng ta 1 năm chỉ họp 2 kỳ, mà những công cụ và biện pháp để điều hành đảm bảo cho được mục tiêu của chính sách tiền tệ, mục tiêu cuối cùng là ổn định giá trị đồng tiền phải rất linh hoạt, để chờ đến hai kỳ họp của Quốc hội để Quốc hội xem xét quyết định thì không được. Người ta làm việc quanh năm suốt tháng cho nên khi quy định thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội quyết định mục tiêu cuối cùng và mục tiêu cuối cùng thể hiện bằng một quyết định. Như ý chị Thu Ba có nêu thì tôi muốn giải thích chỗ này luôn. Đồng thời giám sát việc áp dụng các công cụ và các biện pháp để đảm bảo mục tiêu, chính sách của tiền tệ quốc gia, mục tiêu cuối cùng.

Xoay quanh vấn đề phân định thật rõ giữa Thủ tướng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì chúng tôi sẽ thể hiện trong báo cáo giải trình, vì ở đây nó có một vấn đề liên quan đến điều chỉnh làm sao phù hợp tăng dần tính độc lập của ngân hàng Nhà nước nhưng nó phù hợp với lộ trình, đặc điểm của nước ta cho nên Thủ tướng quyết định đến đâu, Thống đốc Ngân hàng quyết định đến đâu thì sẽ có sự phân công cụ thể. Chính vì thế có dấu phẩy chứ không có chữ "và.", "dấu phẩy" và chữ "và" không phải từ ngữ đâu, nó có ý nghĩa khác nhau. Về lãi suất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình với quan điểm là không bỏ lãi suất cơ bản, nhưng thực tiễn điều hành trong thời gian vừa qua, kinh nghiệm của các nước đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thì lãi suất cơ bản với phạm trù phải được hiểu đúng nó là một số lãi suất chủ yếu, trong đó có một lãi suất chủ đạo thì tôi nhắc lại như vậy, không bỏ lãi suất cơ bản nhưng phải hiểu đúng với một thực tiễn trong nhiều năm nó đã vậy. Cho nên sẽ xem xét về mặt kỹ thuật để xử lý để nó không mâu thuẫn, xung đột với những Bộ luật căn bản và trong nghị định của Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Thứ ba là về thẩm quyền quyết định sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối thì trong này tôi chỉ nói một ý là dự trữ ngoại hối khác với dự trữ ngoại tệ của Nhà nước, khác với dự trữ tài chính. Cho nên trong Báo cáo giải trình sẽ nói thêm về vấn đề này.

Vấn đề thứ tư là xoay quanh vấn đề Ngân hàng Nhà nước, chúng ta tiến tới để xây dựng ngân hàng độc lập như Ngân hàng Trung ương và trong luật này sẽ thể hiện nó tăng dần tính độc lập đó lên. Cho nên địa vị pháp lý là Ngân hàng Nhà nước là tài nguyên của Chính phủ, nhưng thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương. Chính vì thế cho nên trong những điều và nội dung quy định ở đây thì cố gắng quy định một cách cụ thể được thì càng tốt, chi tiết được càng tốt đỡ phải có hướng dẫn ở trong các nghị định.

Vấn đề thứ năm là xoay quanh vấn đề góp vốn của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi sẽ tiếp thu rà lại, nếu chỉ xoay quanh vấn đề liên quan đến việc xây dựng nhà máy in tiền thì mình nói thẳng. Còn có thể trong một số tình huống tạm thời nào đó mang tính trung hạn và trước mắt thì Quốc hội cho phép cách thể hiện như trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi nghĩ có một số trường hợp khác nợ không trả được mình phải phát mại, phải thu hồi về, nhưng mình cũng không thu hồi hết, vì còn có phần vốn của người ta nữa thì đương nhiên mình phải đóng góp vốn vào và tham gia vào hội đồng quản lý để thu hồi lại vốn vay.

Vấn đề thứ sáu là thanh tra và giám sát. Tôi chỉ xin báo cáo thêm là Luật Thanh tra đang xây dựng và trình Quốc hội, cho nên bây giờ nói cái gì cụ thể vào đây thì chưa nói được cho nên vẫn phải nói là theo quy định của pháp luật về thanh tra. Còn nói về đặc thù thì mình sẽ nói ở đây.

Xoay quanh vấn đề giám sát thì giám sát phải hiểu theo nghĩa của hoạt động lĩnh vực tiền tệ, chứ không phải giám sát chỉ quy định chung cho cơ quan dân cử. Báo cáo thêm với các đại biểu quốc hội.

Về chế độ chính sách thì chúng tôi có cân nhắc các ý kiến của các đại biểu Quốc hội có liên quan đến cán bộ của Ngân hàng Nhà nước cũng như công chức Nhà nước cho nên cũng phải có những quy định thế nào cho phù hợp với tính đặc thù của Ngân hàng Nhà nước, cũng phải phù hợp với đặc thù, suy cho đến cùng cán bộ Ngân hàng Nhà nước cũng là công chức Nhà nước.

Về vấn đề quản lý Nhà nước đối với bảo hiểm tiền gửi. Thú thực với Quốc hội là trước đây các cơ quan muốn trình cả ba luật cùng một lúc, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng và Luật bảo hiểm tiền gửi nhưng cũng chưa chuẩn bị kịp cho nên kỳ này mới trình 2 dự án luật trên. Chính vì thế cho nên trong này có ghi một đoạn cũng có thể hiểu là một cũng được nhưng hiểu là hai cũng đúng là quản lý nhà nước về bảo hiểm theo quy định của Chính phủ, theo pháp luật tiền gửi. Cũng có nghĩa là trước mắt chưa có Luật tiền gửi thì Chính phủ sẽ quy định, khi có Luật tiền gửi rồi thì đương nhiên quy định của Chính phủ không còn hiệu lực nữa, sẽ thể hiện bằng các quy định hướng dẫn, phù hợp với Luật bảo hiểm tiền gửi và đúng là nghị định của Chính phủ cũng là một văn bản mang tính pháp quy.

Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh, chúng tôi cân nhắc thêm giữa tên điều và nội hàm.

Thứ mười, về vấn đề thông tin bảo mật, chúng tôi sẽ cân nhắc để đảm bảo phù hợp với pháp luật liên quan đến bảo mật tài liệu của nhà nước.

Về tên luật, báo cáo với các đại biểu sau khi luật đã sửa đổi thì đương nhiên trở thành một luật mới và đương nhiên luật cũ bỏ do đó bỏ từ "sửa đổi" đi, thông lệ bấy lâu nay chúng ta đã áp dụng như vậy.

Cuối cùng là một số vấn đề khác và vấn đề kỹ thuật, chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu một cách đầy đủ để báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp sau.

Xin cảm ơn Quốc hội, chúng ta kết thúc phiên họp sáng nay tại đây.

Các văn bản liên quan