Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Quốc Dung – Thái Bình

Thứ Hai 10:34 24-05-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phát biểu một nội dung về cơ chế lãi suất, tôi cho rằng cơ chế lãi suất là nội dung rất quan trọng để nó vận động dòng tiền làm sao cho mềm mại uyển chuyển mà vay của người vay và cho vay đúng vào người muốn vay một cách tốt nhất, nền kinh tế sẽ tốt. Nhưng chúng ta đang đổi mới mô hình Ngân hàng Nhà nước, một nửa là Ngân hàng Nhà nước, một nửa là Ngân hàng Trung ương, nên hoàn toàn bằng biện pháp thị trường cũng không được, hoàn toàn bằng biện pháp hành chính cũng không được, phải kết hợp hai biện pháp này trong cơ chế lãi suất vận hành dòng tiền này như thế nào là tốt nhất. Qua dòng tiền ta đang vận động vừa qua, chúng tôi thấy cơ chế lãi suất cơ bản điều hành dòng tiền cũng nhảy sốc lên, đã có nhiều lúc bế tắc, dùng đến cơ chế thỏa thuận cũng nhảy sốc lên, một số ngân hàng muốn tắc thở. Rõ ràng nếu cứng nhắc dùng riêng như thế, không tính đến hoàn cảnh của chúng ta đồng tiền vẫn nhảy sốc, nền kinh tế không vận động được.

Có vấn đề tại sao lại nhảy sốc lên như thế, tại sao dòng tiền lẽ ra vận chuyển mềm mại lại cứ sốc lên như xe đi trên đường gập gềnh ổ voi, ổ gà? Cơ chế lãi suất vừa qua, tôi xin lỗi dùng từ hình tượng một chút, các Ngân hàng thương mại ăn cả hai đầu, ăn cả đầu cho vay, vay càng cao thì ngân hàng càng lãi, huy động tiền càng thấp thì ngân hàng càng lãi. Chính vì vậy, trong lúc khó khăn nhất, một số ngân hàng lãi rất lớn, cao nhất là 5.000 tỷ đồng, những ngân hàng nhỏ mới thành lập, ngân hàng cổ phần cũng 2.300 tỷ đồng. Vậy xem lại sự phân chia 3 lợi ích này như thế nào? Nếu càng đẩy lên thì phanh càng kẹt, nếu quả đào ở giữa hai má phanh càng đẩy, tức là ngân hàng thương mại càng ăn được nhiều lãi thì lợi ích người vay càng chết, người ta cũng không muốn vay, vay trong trường hợp bất đắc dĩ, càng lãi, huy động càng thấp, người gửi không gửi, đồng tiền chúng ta không uyển chuyển. Chính vì vậy, chúng tôi cho phù hợp với cơ chế đổi mới Ngân hàng, vừa Ngân hàng Nhà nước, vừa Ngân hàng Trung ương, trong điều kiện chúng ta chưa có cạnh tranh một cách trong suốt, cạnh tranh của chúng ta còn thời gian dài nữa mới trong suốt được, thậm chí hiện nay còn có sự thao túng trong đồng tiền nữa.

Chúng tôi đề nghị nên chọn cái gì làm cơ bản, đâu có phải chỉ lãi suất để chúng ta điều hành, cái gì cơ bản để chúng ta điều hành đồng tiền mềm mại vậy đó mới là cơ bản, còn vấn đề này khác chúng ta xử lý làm sao? Chúng tôi đề nghị cơ chế điều hành lãi suất đầu vào, đầu ra của các Ngân hàng thương mại là thỏa thuận theo thị trường nhưng không phải Ngân hàng ăn được cái này đâu, Nhà nước khung lại trong đó Ngân hàng được bao nhiêu phần trăm, ví dụ chỉ 2,5 hay 3% các Ngân hàng thương mại được duyệt, anh đẩy lên cao anh cũng được từng ấy, anh huy động bao nhiêu anh cũng được vào đây, như vậy anh cho vay cao anh phải huy động cao, sẽ được nhiều tiền, anh cho vay thấp thì có nhiều người vay, anh phải sắp xếp các hệ thống để giảm chi phí của anh, anh sẽ huy động được nhiều tiền, nền kinh tế sẽ rất tốt, không nhảy lên nữa.

Chúng tôi đề nghị trong điều kiện hiện nay chúng ta đổi mới lại mô hình Ngân hàng Nhà nước nửa vời như thế phải dùng biện pháp đó. Nếu cứ cơ bản như lúc thỏa thuận như thế này, Ngân hàng thương mại ăn cả hai đầu tôi tin không bao giờ dòng tiền sẽ mềm mại được. Và như vậy ngân hàng chúng ta phải kiểm tra, kiểm soát điều đó. Nếu như điều tiết khó khăn, chúng ta điều tiết bằng tỷ lệ dự trữ, bằng tái cấp vốn và bằng các nghiệp vụ thị trường mở đối với ngân hàng. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn.

 

Các văn bản liên quan