Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã – Phú Yên

Thứ Hai 10:33 24-05-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Về nội dung chỉnh lý và tiếp thu dự án luật này tôi cơ bản thống nhất với báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tôi xin nêu 3 vấn đề trao đổi thêm:

Thứ nhất, Điều 27 về tiền gửi của Kho bạc nhà nước qua hệ thống các ngân hàng nhà nước. Tại Khoản 3, Điều 27 tôi thấy quy định như thế này hơi cứng. Khoản 3 quy định "Kho bạc nhà nước mở tài khoản tại ngân hàng nhà nước". Trên thực tế hiện nay, trong tương lai sẽ diễn ra 2 trường hợp. Hiện nay toàn bộ khoản thu của ngân sách nhà nước mà Kho bạc nhà nước được giao trọng trách không phải tập trung ở hệ thống các kho bạc nhà nước. Hai, ba năm gần đây nó đã được mở rộng qua hệ thống các ủy nhiệm thu giữa Kho bạc nhà nước với các ngân hàng thương mại lớn trong phạm vi cả nước, không phải chỉ tập trung ở hệ thống các chi nhánh của kho bạc nhà nước cho đến cấp huyện. Hiện chi nhánh ngân hàng nhà nước cũng chỉ dừng lại ở tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương. Các thị xã và huyện không có chi nhánh ngân hàng nhà nước. Lâu nay thu của hệ thống kho bạc tập trung ở những nơi huyện, thị xã không có chi nhánh của ngân hàng nhà nước, phần lớn tập trung ở các ngân hàng thương mại.

Nếu ta quy định cứng như thế này thì sau này tất cả các khoản thu tiền gửi của kho bạc phải qua hệ thống chi nhánh ngân hàng nhà nước. Trong tương lai, chi nhánh ngân hàng nhà nước không phải dừng ở chỗ hiện nay 63 tỉnh, thành phố đều có chi nhánh, mà sau này theo gợi mở của luật này thì chi nhánh ngân hàng nhà nước sẽ từng bước tổ chức theo khu vực. Bây giờ ở phạm vi tỉnh, thị xã, huyện cách hàng trăm km mới đến tỉnh để mở tài khoản để giao dịch, để mở tiền gửi thì rất khó. Tôi nghĩ rằng quy định như thế này hơi cứng. Tôi đề nghị sửa Khoản 3, Điều 27 có lẽ chúng ta quy định mở, là kho bạc Nhà nước mở tài khoản tại ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại theo quy định của Chính phủ chứ không phải theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Sau này Chính phủ có quy định như thế nào thì có bàn bạc thống nhất, đặc biệt là sự phối hợp rất thống nhất giữa ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để triển khai nhiệm vụ này thì tôi nghĩ sẽ thuận lợi hơn.

Thứ hai, trong dự thảo này có tiếp thu là bổ sung thêm trách nhiệm quản lý Nhà nước của Ngân hàng đối với kinh doanh vàng và các tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh toán, tôi tán thành. Theo đó có nhiệm vụ thêm thẩm quyền thanh tra đối với hai dịch vụ này, nhưng trong dự thảo luật này có hai nội dung rất mới trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước là giám sát. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đối với kinh doanh vàng và các tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh toán có lẽ ngân hàng Nhà nước phải có thêm thẩm quyền là giám sát các hoạt động này. Nhưng rất tiếc trong dự thảo này chưa đề cập đến phần giám sát, mới chỉ bổ sung thêm phần ngân hàng, tức là tiếp thu từ các quy định hiện hành hiện nay đề nghị xem xét thêm phần giám sát.

Về 3 nội dung Chủ tịch đoàn gợi ý, tôi chỉ xin nêu một vấn đề để trao đổi thêm:

Thứ nhất, về chính sách tiền tệ quốc gia, trong này tôi rất băn khoăn khi chúng ta ghi ở Khoản 1, Điều 3 là chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia bao gồm mục tiêu là ổn định giá trị đồng tiền, vấn đề này rất đúng, đây là mục tiêu lâu dài và cũng là mục tiêu cuối cùng. Nhưng rất băn khoăn khi chúng ta ghi thêm là nó biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát và được thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng. Bởi vì chỉ số giá tiêu dùng biểu hiện mức độ ổn định giá cả trong 2 trạng thái của nền kinh tế, có thể nền kinh tế ở thời kỳ lạm phát thì chỉ số giá tiêu dùng là giá cao. Nhưng trong điều kiện chỉ số giá tiêu dùng cũng có thể biểu hiện trạng thái nền kinh tế ở giai đoạn thiểu phát thì nó không phù hợp với định nghĩa này. Như vậy có giai đoạn lạm phát, cũng có giai đoạn thiểu phát, thì định nghĩa này nó có phù hợp khi chúng ta phải áp dụng cho công cụ, biện pháp được điều chỉnh nền kinh tế theo quy định của Khoản 1 này, không để áp dụng các chính sách tiền tệ quốc gia thì tôi nghĩ rằng có lẽ chúng ta phải nghiên cứu thế nào. Bởi vì lạm phát thì chưa ngừng mà ở trong giai đoạn nền kinh tế có thiểu phát thì sao thì các công cụ và biện pháp hoàn toàn khác.

Do đó, tôi nghĩ nên dừng lại ở mục tiêu là ổn định giá trị đồng tiền và có thể xem thêm nữa là bổ sung thêm một mục tiêu phụ nữa là ổn định giá cả và các công cụ, biện pháp để đạt mục tiêu đó, mà không nên nói là lạm phát, bởi vì nó còn có giai đoạn thiểu phát và tương ứng với nó ở Khoản 2 thì cũng quyết định như vậy thì có lẽ đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc thêm để làm sao cho định nghĩa này nó khoa học hơn và nó cũng phù hợp. Mục tiêu thì nó rất chung, ta quy định cụ thể thì có lẽ cũng rất khó ở những tình huống cụ thể, bởi vì có lạm phát và có cả thiểu phát . Xin chân thành cảm ơn Quốc hội. Xin hết.

Các văn bản liên quan