Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Việt Trường – An Giang

Thứ Hai 10:32 24-05-2010

Kính thưa Chủ tọa đoàn,

Kính thưa Quốc hội,

Các ý kiến về Điều 9 và Điều 12, tôi tán thành với ý kiến của các đại biểu phát biểu trước như đại biểu Dung - Đoàn Điện Biên, đại biểu Phan Trung Lý - Đoàn Nghệ An. Ý kiến của tôi tham gia thêm là ý kiến chưa có đại biểu nào đề cập đó là Điều 38, bảo vệ bí mật thông tin. Tại Khoản 1, dự thảo luật quy định: "Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục tài liệu, thông tin mật về tiền tệ của ngân hàng".

Tôi thấy quy định tại Khoản 1, Điều 38 không thống nhất với quy định của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước. Hay trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng do luật này điều chỉnh có quy định khác với những nội dung đã được quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước. Đó là: kế hoạch phát hành tiền, khóa an toàn của từng mẫu tiễn, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, phương án, kế hoạch thu đổi tiền chưa công bố, hoặc số lượng tiền in phát hành dự trữ bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ, các số liệu về bội chi, về lạm phát tiền mặt chưa công bố v.v.... Những nội dung đó đã được quy định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước. Nếu nội dung tài liệu, thông tin mật về tiền của ngân hàng cũng trùng hợp với nội dung đã được quy định ở Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước thì tôi đề nghị cần phải ghi cho thống nhất.

Thứ hai, ở đây về vấn đề thẩm quyền là điều cần phải bàn. Tức là Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và trình Thủ tướng, đấy là dự thảo luật quy định, nhưng quy định này đối với Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước lại giao cho Bộ trưởng Bộ Công an, tức là thẩm định việc lập và giải mật danh mục bí mật Nhà nước thuộc độ tuyệt mật và tối mật trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, rồi thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này.

Vì vậy để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và thực tế chúng ta cũng thực hiện bấy lâu nay đó là Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm thẩm định, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ quyết định những nội dung thuộc phạm vi tuyệt mật, tối mật. Bản thân Bộ trưởng Bộ Công an còn được trao thẩm quyền đó là phê duyệt danh mục nội dung thuộc về phạm vi mật của các cơ quan, tổ chức người ta có nhu cầu trình với Bộ trưởng Bộ Công an. Trên cơ sở chỉ có như thế thì mới bảo đảm được quyền đã giao cho Bộ Công an giúp cho Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ bí mật Nhà nước ở khâu thanh tra, kiểm tra và xử lý.

Vì vậy tôi đề nghị Khoản 1, Điều 38 của dự thảo luật cần phải được nghiên cứu và có đối chiếu so sánh với quy định của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Xin hết ý kiến.

 

Các văn bản liên quan