Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Nhượng – Quảng Bình

Thứ Hai 10:15 24-05-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Thưa Quốc hội, về Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) lần này trình ra Quốc hội, ở Điều 2 vẫn khẳng định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 2 vị trí, chức năng. Một là cơ quan ngang bộ, hai là Ngân hàng Trung ương, điều này kéo theo hệ lụy của một số điều sau tôi thấy còn băn khoăn. Bởi vì vừa là cơ quan quản lý Nhà nước nhưng đồng thời là cơ quan có quyền trong sản xuất kinh doanh giống như tổ chức tín dụng, không rạch ròi chuyện này. Chúng tôi thấy rằng bây giờ chúng ta xác định đang còn khó, tương lai xây dựng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một ngân hàng Trung ương hiện đại, nhưng thời gian là bao lâu, cũng chưa được xác định, do đó vị trí, chức năng hai mặt này còn kéo khá dài.

Đối chiếu với những quy định tiếp theo, tại Điều 4 là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước có 24 khoản. Tôi thấy đa số những khoản đó thể hiện quyền về quản lý nhà nước còn chức năng của một Ngân hàng Trung ương hay nói cách khác là cơ quan kinh doanh cũng như các tổ chức tín dụng khác thì thấy hơi mờ nhạt và chưa rõ. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nếu đã duy trì với 2 chức năng đó thì cần phải gia tăng những vấn đề cụ thể của nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Trung ương. Điều đó để đảm bảo công bằng, minh bạch trong hệ thống tổ chức tín dụng của chúng ta. Tôi nói ví dụ bây giờ Ngân hàng Trung ương lúc nào thì đồng chí Thống đốc làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, lúc nào thì đồng chí giống như giám đốc của cơ quan kinh doanh đồng tiền. Và đồng tiền mà đưa vào kinh doanh là bao nhiêu và kiểm soát như thế nào, lỗ lãi, rồi phải chịu các luật khác chi phối như Luật phá sản, tất cả các luật khác được thể hiện ở trong này như thế nào mà chúng tôi tìm mãi vẫn thấy thể hiện là cơ quan quản lý Nhà nước.

Thứ ba, tiếp theo là cũng chính vì những việc này thiếu rõ ràng cho nên đi đến chỗ Điều 9 quy định quyền hạn, trách nhiệm tuyển chọn, bổ nhiệm, chế độ chính sách lại là Chính phủ quy định thì tôi thấy thiếu sự thống nhất của bộ máy quản lý Nhà nước.

Tại sao đối với Ngân hàng thì Chính phủ lại ra quyết định này, còn các ngành khác thì sao. Chính vì vậy, chúng tôi thấy để có thể hoàn thiện Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) thì tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải có đầu tư để có minh bạch hơn, rõ ràng hơn với hai chức năng được xác định trong dự án luật này. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan