Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu phát biểu

Thứ Hai 16:45 21-12-2009

Kính thưa Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên,

Kính thưa các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí trong Thường vụ Quốc hội và các đồng chí.

Trước kỳ họp này chúng tôi cũng được thường trực Ủy ban Kinh tế ngồi làm việc và bàn rất cụ thể một số nội dung. Tại kỳ họp thứ 6 các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo luật. Như Báo cáo của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, về cơ bản những nội dung lớn Ủy ban cùng Ban soạn thảo đã nhất trí rất cao. Riêng 7 nội dung mà đồng chí Chủ nhiệm đã báo cáo trước các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay, chúng tôi xin phép báo cáo thêm một số vấn đề như sau:

Vấn đề thứ nhất, về địa vị pháp lý của ngân hàng. Trong Báo cáo của Ủy ban về cơ bản nó cũng không có vấn đề gì khác nhau với dự thảo, về thuật ngữ chúng tôi sẽ tiếp thu sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vấn đề thứ hai, về chính sách tiền tệ quốc gia, trong nội dung giữa Uỷ ban Kinh tế và Ban soạn thảo cũng nhất trí rất cao về nội dung này.

Vấn đề thứ ba, về lãi suất cơ bản, giữa thường trực Uỷ ban Kinh tế và Ban soạn thảo cũng bàn rất nhiều, ý kiến của Uỷ ban Kinh tế chúng tôi thấy về cơ bản cũng nhất trí với dự thảo mà Ban soạn thảo trình. Tuy nhiên đây là vấn đề lớn nên ý kiến của Uỷ ban Kinh tế là tiếp tục xin ý kiến thêm của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo trước khi trình Quốc hội.

Phần này chúng tôi xin báo cáo thêm một chút, đối với nước ta chuyển từ quản lý và điều hành chính sách lãi suất có thể nói là nhiều giai đoạn nhưng chủ yếu là trực tiếp. Đến năm 2002 chúng ta mới tự do hóa lãi suất, sau khi có biến động về thị trường tiền tệ thì ngày 19/5/2008 chúng ta mới can thiệp trở lại đối với lãi suất trực tiếp của ngân hàng Trung ương đối với các tổ chức tín dụng hay nói cách khác là chúng ta áp dụng Điều 9 của Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành và một số điều của Luật dân sự điều chỉnh những vấn đề có liên quan. Trong dự thảo luật này chúng tôi cũng nghiên cứu nhất là tài liệu của IMF thì đến nay còn hai nước thực hiện can thiệp lãi suất trực tiếp của Ngân hàng Trung ương đó là Trung Quốc và Việt Nam. Còn hầu hết các nước trên thế giới thì nó đã chuyển sang cơ chế điều hành lãi suất là gián tiếp. Có nghĩa là Ngân hàng Trung ương ban hành các lãi suất và lãi suất này để giải quyết mối quan hệ vay vốn giữa Ngân hàng Trung ương với Ngân hàng Thương mại. Từ đó nó truyền dẫn, nó tác động của lãi suất thị trường, hay nói cách khác là lãi suất của tổ chức tín dụng với khách hàng.

Đối với Trung Quốc thì năm ngoái tôi có điều kiện đi nghiên cứu ở đấy thì họ cũng công bố lãi suất của Ngân hàng Trung ương, đồng thời họ cũng hạn chế, giới hạn trần huy động lãi suất huy động và sàn lãi suất cho vay. Nhưng việc hình thành của Trung Quốc cũng nhiều năm mà với tình hình kinh tế Trung Quốc nó rất ổn định. Nói chung diễn biến tiền tệ của Trung Quốc là một trong những quốc gia tương đối ổn định trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường.

Như theo tài liệu IMF thì chúng tôi nghiên cứu toàn bộ các nước còn lại họ chỉ có công bố cụm từ mình dịch ra lãi suất cơ bản nhưng thực ra nó là cụm từ chứ không phải là lãi suất cơ bản, về Việt Nam chúng ta tách ra là lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu. Còn các nước hiện nay thì nếu trong này dùng lãi suất chủ đạo như IMF thì đấy là lãi suất chủ đạo, mà chủ đạo thì các nước khác nhau, có nước quy định là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất thị trường mở hoặc có nước chỉ quy định hai loại lãi suất thôi, lãi suất tái cấp vốn. Nhưng tất cả những lãi suất này là lãi suất thực của ngân hàng trung ương với tổ chức tín dụng chứ không phải lãi suất chúng ta đưa ra định hình để chúng ta làm một tỷ lệ nào đó nó mang tính chất không có thực. Ví dụ lãi suất cơ bản của chúng ta hiện nay là không có thực, vì lãi suất này không có mối quan hệ vay mượn nào giữa ngân hàng Trung ương với tổ chức tín dụng. Xin báo cáo thêm phần chúng tôi nói nhanh, phần lãi suất cơ bản theo ý kiến của Ủy ban kinh tế.

Vấn đề đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại tổ chức tín dụng, về cơ bản vì là cơ quan ngang bộ của Chính phủ thành ra cũng phải thực hiện chức năng của Bộ. Ủy ban kinh tế cũng nhất trí cao với Ban soạn thảo.

Về nội dung thứ năm, về quy định liên quan đến bảo hiểm tiền gửi, trong chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc tại đây và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chúng tôi có bổ sung một nội dung bảo hiểm tiền gửi. Tinh thần cũng như nhiều lần các đồng chí trong Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì ở đây chỉ quy định khung quản lý sau đó chỉ đạo bảo hiểm tiền gửi tiếp tục hoàn thành xây dựng chiến lược phát triển trên cơ sở đó tiến hành khẩn trương xây dựng Bộ luật bảo hiểm tiền gửi.

Về chế độ đối với cán bộ công chức, trong thực tiễn Ngân hàng Trung ương với lực lượng cán bộ nòng cốt rất lớn trong vòng 2 năm nay chúng tôi bắt đầu gây dựng được. Do tính chất hoạt động như báo cáo của Ủy ban Kinh tế, đồng thời các hoạt động tác nghiệp, nghiệp vụ đòi hỏi cán bộ có trình độ chuyên nghiệp, cần có một số chính sách để chúng ta giữ lại đội ngũ cán bộ này.

Về những ý kiến khác nhau, chúng tôi xin báo cáo như sau:

Về thẩm quyền quyết định của Quốc hội, của Chủ tịch nước, của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế và dự thảo về phân cấp quyền quyết định này có 4 nội dung: Quốc hội quyết định và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm. Quyền của Chủ tịch nước, quyền của Chính phủ và quyền của Ngân hàng Nhà nước theo ý kiến của Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất, nhưng đối với quyền của Chủ tịch nước thì các đồng chí cho rằng luật đã quy định rồi, chúng ta không nên đưa vào. Vì luật cũ có nội dung này cho nên các đại biểu nói tại sao bỏ ra? Sau đó chúng tôi tiếp thu đưa vào nó mang tính chất logic. Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, dưới Chính phủ có ngân hàng Nhà nước.

Tôi xin phép có thêm một số ý kiến như sau:

Về vấn đề Hội đồng tư vấn, dự thảo lần đầu chúng tôi báo cáo trước Chính phủ xin thành lập Hội đồng chính sách tiền tệ. Đối chiếu lại với Luật Tổ chức Chính phủ thì thành viên Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ là chế độ thủ trưởng cho nên chúng ta không thành lập được Hội đồng đó. Sau đó chúng tôi xin thành lập Hội đồng tư vấn vì công việc giải quyết các chính sách và điều hành các công cụ của ngân hàng rất nhạy cảm trong xã hội. Thống nhất theo các đồng chí lãnh đạo tức là các đồng chí Phó thống đốc chúng tôi có mời một số chuyên gia bàn thảo luận thật kỹ trước khi đưa ra quyết định, nếu bây giờ quay lại quy định Hội đồng điều hành thì không phù hợp với Luật tổ chức Chính phủ, do đó chúng tôi thiết kế thành lập Hội đồng tư vấn. Ghi trong luật việc thành lập này nó có vai trò của nó, nói không quyết định nhưng những ý kiến ở đây nếu như Thống đốc không nghiên cứu cặn kẽ tiếp thu thì với tư cách chế độ thủ trưởng thì chịu rồi. Tôi tin chắc là không phải tôi mà Thống đốc nào cũng phải nghiên cứu những vấn đề này vì nó rất nhạy cảm.

Về vấn đề lãi suất cơ bản, mỗi lần đại biểu phát biểu tôi cũng rất tâm tư, mình bỏ lãi suất cơ bản để các tổ chức tín dụng có lãi cao hơn, theo tôi có thể có nhưng không hoàn toàn như thế. Chúng ta trong quá trình hội nhập, đường lối của Đảng ta trong nghị quyết Đại hội X cũng cho phép, nhưng vừa rồi nếu chúng ta thả ra lãi suất thỏa thuận trong điều kiện thị trường không ổn định thì chưa hoàn toàn. Do vậy lần này chúng tôi thiết kế chuyển từ lãi suất trực tiếp tức là quản lý Nhà nước cách trực tiếp chỉ mang tính chất hành chính sang gián tiếp cách truyền dẫn nhưng đồng thời trong này có xin phép thêm một ý là quá trình diễn biến của xã hội nếu có biến động thì ngân hàng Nhà nước can thiệp. Báo cáo anh Kiên có lần Ngân hàng Nhà nước can thiệp nhưng không phù hợp pháp luật lắm là công điện 02 chỉ cho phép huy động bằng bao nhiêu thôi nhưng trong tình hình bất ổn như thế chúng ta cũng can thiệp. Còn quy định lãi suất định hướng thị trường thế nào thì khi ta chuyển sang gián tiếp này chính là nó điều tiết thị trường, nếu chúng ta muốn giảm dư nợ để kiểm soát lạm phát thì nâng lãi suất tái cấp vốn của ngân hàng Trung ương lên, khi các tổ chức tín dụng vay cao hơn thì phải cho vay cao hơn thì nó sẽ giảm xuống, tinh thần gọi là truyền dẫn như thế.

Còn một vấn đề anh Hiền đặt ra thì chúng tôi cũng bàn nhiều lần, bây giờ chúng ta cũng phải thực hiện một số điều của Luật dân sự để chúng tôi sẽ nghiên cứu một loại lãi suất nằm trong nhóm lãi suất cơ bản, chúng tôi gọi là cụm lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất nào phù hợp để chúng ta điều tiết một số điều, chấp hành một số điều của Luật dân sự. Riêng về vấn đề lãi suất thì tôi báo cáo thêm như thế.

Các văn bản liên quan