Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Viết Ngoạn – Khánh Hoà

Thứ Ba 09:25 17-11-2009

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phép tham gia một ý kiến xung quanh vấn đề lãi suất:

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, cũng như qua theo dõi các ý kiến của các chuyên gia tại nhiều Hội thảo bàn về vấn đề lãi suất và các ý kiến của các đại biểu từ sáng đến nay, chúng tôi thấy xung quanh vấn đề lãi suất cơ bản các chuyên gia cũng như các đại biểu Quốc hội của chúng ta yêu cầu Ngân hàng Nhà nước với tư cách là Ngân hàng Trung ương phải đảm nhiệm được một số yêu cầu chính sau:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước phải công bố loại lãi suất để điều hành thị trường tiền tệ, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng quy định lãi suất của mình áp dụng trong quan hệ với khách hàng và qua đó để Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách tiền tệ. Đó là yêu cầu thứ nhất.

Yêu cầu thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cũng với tư cách là Ngân hàng Trung ương phải có trách nhiệm giám sát, kiểm soát hệ thống lãi suất của các tổ chức tín dụng để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, hài hòa giữa lợi ích của tổ chức tín dụng và khách hàng, hài hòa lợi ích của người gửi tiền và người cho vay.

Yêu cầu thứ ba, Ngân hàng Nhà nước phải công bố một loại lãi suất làm cơ sở để điều chỉnh các quan hệ dân sự khác, tức là không có tổ chức tín dụng và để đồng bộ với các quy định của các luật khác đang hiện hành, ví dụ như Bộ luật dân sự, cụ thể là để kiểm soát tình trạng cho vay nặng lãi trong xã hội. Chúng tôi thấy hầu hết các ý kiến của chúng ta tựu chung lại là có 3 yêu cầu đó. Ở đây có thêm một chi tiết là trong quá trình thảo luận có một số ý kiến tuy khác nhau, nhưng thực chất là thống nhất với nhau, bởi lẽ về yêu cầu nội dung và nội hàm của vấn đề trùng nhau, nhưng do tên gọi và khái niệm của lãi suất khác nhau cho nên có ý kiến khác nhau. Tôi xin đơn cử ví dụ là có nhiều đại biểu nêu là tất cả ngân hàng Trung ương của các nước đều công bố lãi suất cơ bản để điều hành thị trường và thực thi chính sách tiền tệ, cho nên không thể bỏ lãi suất cơ bản đi, điều đó là hoàn toàn đúng. Chi có một điều là tên gọi của lãi suất cơ bản hiện nay trong Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành, khái niệm khác với lãi suất cơ bản ở các nước đang vận hàng. Cho nên nhiều lúc chúng ta có những ý kiến khác nhau chính ở tên gọi đó. Vì vậy qua đây tôi đề nghị Ban soạn thảo luật nên cân nhắc nghiên cứu sử dụng các thuật ngữ về chuyên môn sao cho có tính hội nhập, đồng bộ với nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang thực thi để tránh việc hiểu nhầm đối với các đại biểu Quốc hội cũng như đối với các chuyên gia trong nước của chúng ta.

Trên cơ sở đặt vấn đề với 3 yêu cầu đối với trách nhiệm của ngân hàng Nhà nước trong việc ban hành lãi suất và thực thi chính sách tiền tệ, chúng tôi xin đề nghị giao cho Ban soạn thảo luật phối hợp với cơ quan thẩm tra, tức là Ủy ban Kinh tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia thiết kế lại dự thảo luật để đảm bảo phản ánh được đầy đủ 3 yêu cầu mà các đại biểu cũng như các chuyên gia đã nêu về trách nhiệm của ngân hàng Nhà nước, xung quanh việc công bố và điều hành quy chế lãi suất của chúng ta hiện nay. Trên cơ sở đó để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình xin ý kiến của Quốc hội trong kỳ họp tiếp theo. Tôi nghĩ rằng tất cả các ý kiến của các đại biểu Quốc hội xoay quanh 3 nội dung đó thôi. Nếu như dự thảo Luật của chúng ta phản ảnh được, thiết kế lại được, điều chỉnh được đảm bảo được đúng và đầy đủ 3 điều kiện đó thì theo tôi là chúng ta đạt yêu cầu. Thì sẽ tránh được với các ý kiến có thể khác nhau một cách không cần thiết. Tôi xin hết. Xin chân thành cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan