TS. Nguyễn Văn Tuyến – ĐH Luật HN: Tăng cường chức năng giám sát của Ngân hàng trung ương đối với hệ thống tổ chức tín dụng thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô

Thứ Hai 15:31 29-06-2009

GÓP Ý

DỰ THẢO LUẬT NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC (SỬA ĐỔI)

  

                                                                           TS. Nguyễn Văn Tuyến

                                                                       Trường Đại học Luật Hà Nội

1. Về cách tiếp cận của Dự thảo Luật

• Trên thế giới có hai mô hình Ngân hàng Trung ương: (i) Là cơ quan trực thuộc Quốc Hội; và (ii) Là cơ quan trực thuộc Chính Phủ. Tuy nhiên, dù là theo mô hình nào thì về nguyên tắc Ngân hàng trung ương cũng đều phải đảm bảo tính độc lập trong việc thực thi chính sách tiền tệ quốc gia và giám sát an toàn của hệ thống tài chính tín dụng quốc gia vì mục tiêu ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Vì vậy, việc thiết kế các quy định của Luật phải đảm bảo tính độc lập cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo cho cơ quan này thực sự là một Ngân hàng Trung ương theo đúng nghĩa.

• Nếu Việt Nam lựa chọn mô hình thứ hai, tức là coi Ngân hàng trung ương là cơ quan của Chính phủ thì cũng cần nhìn nhận cơ quan này như là một thiết chế đặc biệt, không hoàn toàn là một cơ quan hành chính và không nên thiết kế các quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng trung ương giống như một cơ quan hành chính.

• Việc thiết kế các quy định của Luật cần đảm bảo tính tương đồng với thông lệ quốc tế, nghĩa là tăng cường chức năng giám sát của Ngân hàng trung ương đối với hệ thống tổ chức tín dụng thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô của Ngân hàng trung ương và hạn chế việc sử dụng các biện pháp hành chính để can thiệp sâu và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

2. Về một số nội dung cụ thể của Dự thảo Luật

Xuất phát từ nhận thức như trên về cách tiếp cận khi xây dựng Dự thảo Luật, chúng tôi có một số bình luận và góp ý sau đây về một số nội dung của dự thảo Luật:

• Nhìn tổng thể, nội dung của Dự thảo Luật tuy đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi quan niệm truyền thống lâu nay là coi Ngân hàng Trung ương như một cơ quan hành chính, với một số hoạt động đặc thù. Điều này thể hiện ở chỗ, việc thiết kế bộ máy tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay quá cồng kềnh (với 64 chi nhánh tại các tỉnh, thành phố thuộc trung ương) và vẫn rất coi trọng hoạt động quản lý hành chính nhà nước, giống như tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính.

• Về tên gọi của Ngân hàng trung ương và tên gọi của Luật.

Dự thảo Luật này vẫn lấy tên cũ là “Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” và vẫn gọi tên Ngân hàng trung ương của Việt Nam là “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Vấn đề này có vẻ như chỉ mang tính hình thức nhưng chúng tôi cho rằng cách đặt tên như vậy sẽ thiếu chuẩn xác về phương diện học thuật.

 Vì lẽ đó, chúng tôi kiến nghị: Đổi tên “Ngân hàng nhà nước Việt Nam” thành tên “Ngân hàng quốc gia Việt Nam” đồng thời cũng đổi tên “Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam” thành “Luật ngân hàng quốc gia Việt Nam”. Kiến nghị này xuất phát từ các lập luận sau đây:

- Tên gọi “Ngân hàng nhà nước Việt Nam” chỉ phản ánh được khía cạnh sở hữu đối với cơ quan đặc biệt này chứ không phản ánh được bản chất là Ngân hàng trung ương của nước Việt Nam và các chức năng vốn có của nó so với các ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường. nhu cầu cần thiết và cấp bách, vì các lí do sau đây:

- Việc đổi tên gọi “Ngân hàng nhà nước Việt Nam” thành “Ngân hàng quốc gia Việt Nam” không những cho phép khẳng định yếu tố chủ quyền quốc gia về tiền tệ mà còn khẳng định rõ bản chất của cơ quan này là ngân hàng trung ương của nước Việt Nam có chủ quyền. Đây là sự tuyên bố cần thiết trước thế giới về chủ quyền tiền tệ của nước Việt Nam và đồng thời cũng phản ánh sự tương đồng của pháp luật Việt Nam so với pháp luật các nước về địa vị pháp lí của cơ quan phát hành tiền.

- Tên gọi “Ngân hàng quốc gia Việt Nam” thể hiện sự nhấn mạnh đến yếu tố chủ quyền quốc gia về tiền tệ hơn là khía cạnh sở hữu của cơ quan phát hành tiền. Tên gọi này ít gây ra sự tranh cãi trong dư luận và cũng dễ dàng được thế giới chấp nhận hơn và do đó không gây ra các hiệu ứng bất lợi cho quá trình hội nhập của hệ thống ngân hàng Việt Nam vào sân chơi toàn cầu.

• Các quy định về chức năng và thẩm quyền của Ngân hàng trung ương cần được thiết kế theo hướng chuyển dần chức năng quản lí hành chính nhà nước về ngân hàng của cơ quan phát hành tiền quốc gia thành chức năng giám sát và kiểm soát an toàn hệ thống ngân hàng, bằng cách tăng cường các quy định mang tính kinh tế về hoạt động của ngân hàng trung ương và giảm bớt các quy định mang tính hành chính đối với hoạt động của cơ quan này. Đây là xu hướng phát triển phù hợp với trào lưu chung của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Điều này rất có lợi cho Việt Nam trong quá trình hội nhập bởi lẽ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách ngân hàng trung ương để nó phù hợp hơn với chuẩn mực quốc tế bao giờ cũng dễ được các bên đối tác nước ngoài chấp nhận.

• Cần có các quy định theo hướng cải cách mạnh mẽ cơ cấu tổ chức của ngân hàng trung ương bằng cách giảm bớt số lượng các chi nhánh cấp tỉnh, chỉ nên đặt các chi nhánh cấp vùng. Đứng trước yêu cầu tinh giản biên chế bộ máy và nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng trung ương như hiện nay thì rõ ràng đây là giải pháp lựa chọn hợp lí và rất cần thiết. Hơn nữa, so với các tiêu chuẩn chung của một ngân hàng trung ương theo thông lệ quốc tế thì việc duy trì bộ máy quá cồng kềnh và mang tính hành chính sẽ không thích hợp với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đây cũng là điều được khuyến nghị thường xuyên bởi các chuyên gia nước ngoài đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật ngân hàng.

 • Cần thiết kế các quy định theo hướng nâng cao tính độc lập về tổ chức và hoạt động của ngân hàng trung ương trong mối quan hệ với Chính phủ, các tổ chức chính trị – xã hội, các nhóm lợi ích chính trị khác. Thực tế cho thấy do vị trí pháp lí đặc biệt của mình, các quyết định của ngân hàng trung ương thường ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của Chính phủ, các tổ chức chính trị – xã hội và các nhóm lợi ích khác, kể cả giới doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Vì thế, các chủ thể này luôn có xu hướng tìm cách tác động bằng cách này hay cách khác đến các quyết định và chính sách cụ thể của ngân hàng trung ương, chẳng hạn như chính sách tiền tệ quốc gia, chính sách phát triển hệ thống dịch vụ ngân hàng… Điều này có thể gây ra những thiệt hại cho nền kinh tế và lợi ích chung của toàn xã hội, ví dụ như tình trạng lạm phát, vấn đề việc làm, mức thu nhập và mức sống thực tế của người lao động, thậm chí là sự ảnh hưởng đến các quyết định của nhà đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế thị trường. Các phân tích này cho thấy sự cần thiết phải ban hành những quy định nhằm nâng cao tính độc lập của ngân hàng trung ương trong mối quan hệ với các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội.

Các văn bản liên quan