Trích ý kiến góp ý của đại biểu Lê Doãn Hợp – Hưng Yên về dự thảo Luật quy hoạch đô thị

Thứ Sáu 16:28 05-06-2009
Tôi đồng tình cao với dự thảo Luật quy hoạch đô thị, tôi chỉ tham gia một vấn đề như sau:
Hiện nay hạ tầng các đô thị Việt Nam kể cả các thành phố lớn còn nhiều tồn tại băn khoăn, thậm chí bức xúc cần được khắc phục ngay từ quy hoạch, từ nhận thức, và từ tổ chức hành động, càng sớm càng tốt. Qua trận lụt lịch sử vừa qua ở Hà Nội cho chúng ta rất nhiều bài học, phố cổ ít ngập hoặc không ngập, điều đó chứng tỏ cha ông mình tuyệt vời, phố cũ ít ngập chứng tỏ người Pháp có tầm nhìn xa trông rộng, ngược lại nhiều khu phố mới chúng ta vừa xây dựng đều ngập, thậm chí ngập sâu và ngập lâu. Chứng tỏ chúng ta thiếu khoa học, ít nhìn xa và trên thực tế là quy hoạch không đồng bộ, xác định cốt xây dựng và hệ thống ngầm các công trình kỹ thuật và cấp thoát nước cũng không đồng bộ. Hiện nay các thành phố đang thi đua xây dựng rất nhiều nhà cao tầng để tạo điểm nhấn cho đô thị mới, nhưng làm nhiều nhà cao tầng  trong phố cổ, phố cũ tôi e cũng là một hướng đi không khoa học và có thể phải trả giá, vừa băm  nhỏ phố cổ, vừa không đảm bảo khuôn viên cần thiết, khoa học cho những công trình mới hiện đại ra đời. Vừa đưa một lượng người và phương tiện quá nhiều vào dùng chung một hạ tầng quá chật hẹp mà không thể mở rộng được, dẫn đến ách tắc giao thông là chuyện thường tình. Theo tôi nghĩ nhà cao tầng không chỉ là kiến trúc, không chỉ là quy hoạch, mà quan trọng hơn là xác định hạ tầng chịu đựng đến đâu thì chúng ta cho làm cao tầng đến đó.
Một thực trạng là phố cổ, phố cũ, toàn bộ các thiết bị điện và thông tin đều đi nổi trên không, rất khó khắc phục nhanh và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an ninh thông tin và an toàn cho dân cư. Trong khi mở rộng không gian đô thị mới, chúng ta vẫn tiếp tục lặp lại những khuyết điểm của phố cổ là khó chấp nhận. Luật Quy hoạch đô thị phải tạo hành lang pháp lý bắt buộc và mở đường, cải tạo dần các đô thị cũ và xây dựng các đô thị mới không dây. Tôi nghĩ đây là một yêu cầu bắt buộc phải làm.
Thực tế hạ tầng đô thị Việt Nam quy hoạch chưa khoa học, thiếu đồng bộ, đang cản trở mọi sự phát triển. Xã hội hóa phát triển hạ tầng chậm và lúng túng, dùng chung hạ tầng rất thấp, thậm chí còn gây phiền hà, khó dễ cho nhau. Ngầm hóa các công trình đô thị chậm trễ và thiếu chủ động. Liên doanh, liên kết, học hỏi, hợp tác trong xây dựng và dùng chung hạ tầng rất hạn chế. Luật Quy hoạch đô thị phải góp phần làm tốt công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng, dùng chung hạ tầng, xã hội hóa phát triển hạ tầng, ngầm hóa các công trình hạ tầng và phân định rõ trách nhiệm trong việc phê duyệt, quản lý, tổ chức thực hiện và phát triển hạ tầng đô thị. Nội dung gắn kết quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị phải tập trung gắn kết tốt 3 mảng kỹ thuật hạ tầng đô thị chủ yếu là giao thông, điện, công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là 3 lĩnh vực hạ tầng cần được ưu tiên đầu tư phát triển nhanh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng để phát triển kinh tế - xã hội và đô thị bền vững, nhất là thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Từ sự phân tích như trên, tôi kiến nghị Luật Quy hoạch đô thị nên bổ sung thêm một điều, dù nội dung này đã được đề cập rải rác ở một số điều trong dự án luật nhưng chưa đủ rõ, khó nhận thức, thống nhất quản lý và hành động. Nội dung chính của điều mới này là khi các cấp có thẩm quyền phê duyệt xây dựng hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và hạ tầng các công trình xây dựng công dụng và xây dựng dân dụng đô thị đều phải phê duyệt phương án ngầm hóa các công trình kỹ thuật theo phương hướng hiện đại để đảm bảo mỹ quan đô thị, tiết kiệm đầu tư, đảm bảo an sinh, an toàn cho cộng đồng dân cư sống ở đô thị. Xin hết.

Các văn bản liên quan