Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Nguyễn Văn Phúc – Bình Thuận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:37 08-06-2009

…Về nội dung của dự án luật, có lẽ dự án luật từ trước đến nay Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra nhiều nhất. Ủy ban Kinh tế đã tổ chức 3 phiên họp tổng thể vào ngày 10/04, 08/05 và 25/05 để thẩm tra nội dung dự án luật này. Đương nhiên có sự tham gia của rất nhiều Uỷ ban của Quốc hội. Chúng tôi nhận thấy đây chính là nội dung đã được các bộ, ngành, địa phương, trong đó có các đoàn đại biểu Quốc hội, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các nhà thầu và các doanh nghiệp đã kiến nghị bằng văn bản rất cụ thể với Quốc hội và Chính phủ trong quá trình Quốc hội tiến hành giám sát công tác đầu tư xây dựng cơ bản và giám sát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Tuy nhiên như Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng như một số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thì chúng ta cũng cần cân nhắc thêm để có thể chưa sửa đổi, bổ sung một số điều chưa thật sự cần thiết như Điều 39 của Luật Xây dựng về các dự án công trình quan trọng quốc gia.

Tôi xin báo cáo thêm, chúng tôi đã xem lại bộ hồ sơ mà các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp gửi lên cho Quốc hội thì rất nhiều vấn đề. Ví dụ như những quy định tại Điều 11 của Luật đấu thầu về cạnh tranh, về việc cho phép các tổ chức đã tư vấn thiết kế tiếp tục tham gia các giai đoạn sau hoặc về mức chỉ định thầu. Cụ thể có nên định lượng ở trong luật này không, hoặc về vấn đề môi trường hoặc những vấn đề về giấy chứng nhận thì đều có những văn bản rất cụ thể của hầu hết 64 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như là hầu hết các đoàn đại biểu Quốc hội. Đấy là một vấn đề để chúng tôi báo cáo thêm đúng là vấn đề phức tạp nhưng đấy hoàn toàn không phải là những vấn đề mới đối với Quốc hội Khóa XII.

Vấn đề thứ hai, tôi xin báo cáo thêm, về phạm vi và mức độ sửa đổi của luật ở trong các luật. Báo cáo với Quốc hội, đúng là khi anh em thống kê ra thì làm cho Quốc hội có một cảm giác là sửa đổi quá nhiều. Có những vị thống kê lên thấy có thể gần 100 điều, khoản. Nhưng thực tế như chúng tôi đã kiểm tra lại thì thấy rằng Luật đất đai chỉ sửa đổi 2 điều, 3 khoản, bỏ 1 điều và đối với 20 điều còn lại thì chỉ sửa đổi kỹ thuật. Có nghĩa là vì sửa đổi tên giấy chứng nhận mà vì phải sửa đổi đối với 28 điều này.

Luật Nhà ở chỉ sửa đổi về thủ tục, không hạn chế quyền sở hữu nhà ở của công dân và sửa đổi những thủ tục vì chúng ta phải thống nhất một đầu mối như các vị đại biểu cũng đã nêu.

Riêng ý kiến về tại kỳ họp này có sửa quyết định của Luật đất đai và Luật nhà ở để liên quan đến việc thống nhất cấp một giấy, chứng nhận quyền sử dụng đất do một cơ quan làm đầu mối thực hiện trên cơ sở Luật đất đai như nghị quyết tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội hay không thì chúng tôi báo cáo với Quốc hội là việc này có lẽ chúng ta không thể để trì hoãn được nữa. Bởi vì sau Kỳ họp thứ 2 nhiều vị đại biểu Quốc hội cũng như chúng tôi cũng vậy thôi, rất phấn khởi khi báo cáo với cử tri rằng Quốc hội có một chủ trương rất mới như vậy, hợp với ý nguyện của cử tri, cử tri rất hoan nghênh.

Đến Kỳ họp thứ 3 đi báo cáo khi cử tri hỏi thì rất lúng túng và cũng báo cáo là Chính phủ và Quốc hội cũng đang tiếp tục có hình thức để mà áp dụng nghị quyết này của Quốc hội.

Đến Kỳ họp thứ 4 thì không thể nào giải thích được đối với cử tri nữa là Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu gì mà lâu như vậy, từ cuối năm 2007 cho đến bây giờ lại không thực hiện được chủ trương rất sáng suốt của Quốc hội như vậy, rất lúng túng và nay đến Kỳ họp thứ 5 nếu chúng ta không sửa nữa thì không biết là sau kỳ họp này chúng ta sẽ báo cáo với cử tri của chúng ta như thế nào đây?

Chúng tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội hết sức vì ý nguyện của cử tri để mà quyết tâm có thể dồn sức lực, trí tuệ để mà sửa cho được hai luật này tại kỳ họp naỳ, cũng bởi vì nếu quan niệm rằng thực hiện nghị quyết của Quốc hội mà lại không sửa hai luật thì không thể nào mà Chính phủ có thể thực hiện được. Bởi vì Chính phủ cũng đã nghiên cứu, các Bộ cũng nghiên cứu, đặc biệt là Bộ xây dựng cũng nêu lập luận là không sửa thì chúng tôi không thực hiện được. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã áp dụng rất chủ động ra một văn bản để thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nhưng Bộ xây dựng thì lại ra văn bản đề nghị rút lại bởi vì là còn trái với luật, tôi lấy ví dụ như vậy. Thì rõ ràng là ở đây có vướng về mặt giữa chủ trương, nhiệm vụ của Quốc hội rất đúng đắn và những thủ tục pháp lý, những điều kiện để cho Chính phủ. Chúng tôi đề nghị Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ thì cũng phải tạo điều kiện về khuôn phổ pháp lý để Chính phủ thực hiện được nhiệm vụ mà Quốc hội giao.

Điểm cuối cùng chúng tôi thấy nhiều vị đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến việc một luật sửa đổi nhiều luật có làm mất chỉnh thể của các luật hiện hành hay không? Chúng tôi rất chia sẻ những quan điểm của quý vị đại biểu. Nếu chúng ta lạm dụng đúng là cũng gây khó cho nghiên cứu của những người áp dụng. Nhưng xin thưa Quốc hội, như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu, vấn đề này chúng ta còn làm trên thực tế, kỹ thuật này cho phép xử lý, giải quyết những vấn đề vướng mắc, mâu thuẫn trong nhiều luật hiện hành với tiếp cận một cách tổng thể và thống nhất. Nếu giao cho từng Ban soạn thảo thì không thể nào xử lý được. Ví dụ như trường hợp cấp giấy chứng nhận nếu giao cho Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường thì không thể xử lý được bằng một Ban soạn thảo chung. Cho nên tôi cho rằng việc sử dụng kỹ thuật này không lạm dụng, nhưng vẫn cần thiết phải sử dụng và phải bảo đảm như ý kiến của các vị lãnh đạo Quốc hội cũng đã có ý kiến chỉ đạo là bảo đảm sự thống nhất chiều ngang giữa các luật có liên quan và chiều dọc của nó, tức là bản thân các luật sửa đổi. Hơn nữa về mặt kỹ thuật Quốc hội cũng cho phép sau khi sửa xong sau khi xuất bản và hợp nhất những điều sửa vào luật gốc thì chúng ta vẫn bảo đảm tính chỉnh thể của văn bản của luật gốc, trên thực tế chúng ta đã làm như vậy.

Các văn bản liên quan