Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Vũ Quang Hải – Hưng Yên về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:36 08-06-2009

 

Dùng một luật để sửa nhiều điều luật là một sáng kiến lập pháp. Tuy nhiên, điều này đã được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đây là một trong quy trình phải thực hiện rút gọn và thông qua tại một kỳ họp. Nếu chúng ta áp dụng một cách không cẩn trọng sẽ dẫn đến tình trạng cắt vụn các luật chuyên ngành, sẽ dẫn đến tình trạng một bộ luật mà chúng ta sửa như hiện nay sẽ trở thành siêu luật.

Thứ hai, theo Hiến pháp quy định tại Điều 23 quy định thu hồi đất vì lý do an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia, nhưng sau đó Luật đất đai lại quy định vì lợi ích công cộng và phát triển kinh tế. Như vậy lợi ích công cộng đã được mở rộng và phát triển kinh tế thì khái niệm này lại càng rộng hơn. Do vậy, việc sửa đổi Luật đất đai theo tôi là một điều hết sức cần thiết và hệ trọng. Từ nhiều phiên họp nay các đại biểu Quốc hội đều có ý kiến là chúng ta phải tập trung sửa đổi Luật đất đai một cách toàn diện. Vì ở đây có nhiều bất cập dẫn đến tình trạng giải quyết các tranh chấp, giải quyết các khiếu kiện và rất nhiều nội dung có liên quan đến Luật đất đai và liên quan đến các luật khác, nhưng cái gốc vẫn là Luật đất đai cần được sửa đổi trước. Nếu theo tiến trình này Luật đất đai sẽ được sửa đổi toàn bộ sau khi cuối kỳ họp của Quốc hội Khóa XII mới đưa vào chương trình dự kiến và có lẽ chương trình chính thức sẽ đến Quốc hội Khóa XIII.

Theo giải thích của một số thành viên Chính phủ thì những vấn đề vướng mắc phần lớn do Nghị định của Chính phủ. Theo tôi cách giải thích như thế tôi không hoàn toàn nhất trí. Bởi vì có nhiều vấn đề xét cho cùng vẫn là việc sửa chữa từ gốc. Tôi nói ví dụ như quy định vừa rồi khái niệm kinh tế là rất rõ, từ khái niệm kinh tế đó nó sẽ đẻ ra thị trường đất đai liên quan đến đất nông nghiệp thì không có thị trường, trong khi đó đất ở thì có thị trường. Từ chuyện chênh lệch không có thị trường và có thị trường tạo một khoảng cách có thể nói siêu lợi nhuận dẫn đến việc áp dụng tùy tiện và tạo ra nhiều kẽ hở pháp luật. Do vậy trước khi tham gia vấn đề này tôi đề nghị chúng ta phải tập trung cho chương trình sửa Luật đất đai một cách toàn diện.

Vấn đề thứ hai, việc điều chỉnh. Theo tôi phải điều chỉnh rất đồng bộ và phải chọn một nhóm vấn đề hiện nay đang bức xúc để chúng ta điều chỉnh theo tinh thần này, nếu chúng ta đưa vào quá nhiều nội dung thì rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã có ý kiến và thông qua một kỳ họp thì có thể nói không có điều kiện rà soát kỹ và nó sẽ cắt vụn một số luật khác dẫn đến tính thống nhất của pháp luật có thể nói không được sử dụng một cách đồng bộ. Tôi ví dụ trong Luật xây dựng có liên quan đến hơn 40 thủ tục và nếu chúng ta đặt vấn đề rằng chúng ta sửa luật này dẫn đến làm cho ít thủ tục đi, làm cho thời gian trình duyệt nhanh hơn và minh bạch hơn, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể xây dựng tiêu vốn nhanh hơn và làm cho đất nước mình phát triển hơn thì chúng ta nên sửa theo các nhóm có quyết định tháo gỡ cho lĩnh vực này là chủ yếu, không nên đưa vào quá nhiều chương trình, làm cho việc sửa đổi này rất khó định hình và cũng khó xác định được một cách rõ ràng. Về một số điều, khoản cụ thể tôi xin đề nghị như sau:

Trước hết trong Khoản 2, Điều 39 đề xuất sửa đổi Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Theo tôi thế nào là quy định các dự án quan trọng quốc gia, khái niệm phải được làm rõ và Chính phủ khi đã quyết định trình Quốc hội thông qua thì phải có tiêu chí rất rõ. Bởi vì nếu hiểu theo cách này thì rất dễ có thể nói là nó không đồng nhất, theo tôi giữ nguyên như cũ và nếu Quốc hội thông qua Điều 39 thì theo tôi cũng là một việc chúng ta có thể nói không tạo tình hình giám sát chặt chẽ hơn mà có thể tạo thêm việc chủ động cho Chính phủ. Nhưng cũng khó khăn cho việc quyết định khác, bởi vì không phải chỉ có các dự án đầu tư bằng Luật ngân sách mà có nhiều dự án lớn không phải bằng Luật ngân sách nhưng cũng phải thông qua theo một quy định thống nhất.

Điều 40 đã quy định dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên, trong này quy định là bị ảnh hưởng do thiên tai, địch họa bất khả kháng hoặc bất khả kháng nội dung là gì thì theo tôi cũng phải có quy định cho rõ. Bởi vì cứ nói chung chung là bất khả kháng thì sự vận dụng cũng dễ dẫn đến tùy tiện hay xuất hiện những yếu tố mang lại hiệu quả, lợi ích kinh tế cao hơn thì điều đó phải điều chỉnh dự án và điều chỉnh tổng mức đầu tư là hoàn toàn chính xác. Nhưng trong trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư vượt bao nhiêu % thì phải quay lại người quyết định đầu tư ra quyết định, trong trường hợp vượt bao nhiêu % thì quyền đó là quyền của chủ đầu tư chứ không phải là quyền của người quyết định đầu tư và trong luật phải ghi rõ như thế để không vận dụng tùy tiện.

Về điều chỉnh giá cả, theo tôi đây cũng là một trong những việc rất tiêu cực mà nhiều năm nay trong việc chúng ta quản lý xây dựng cơ bản có những kẽ hở nhất định, giá cả thì lên xuống thất thường, các dự án đã quy định đấu thầu trọn gói thì việc điều chỉnh mà sau này Chính phủ có những quy định thì cũng là tháo gỡ cho các doanh nghiệp, nhưng khi tháo gỡ nó đẻ ra tình trạng việc điều chỉnh tràn lan và dẫn đến tình hình có thể nói là những người làm xây dựng cơ bản không bao giờ lỗ. Bởi vì chớm thấy giá cả tăng thì đề nghị điều chỉnh. Tôi có một số ý kiến như vậy, còn một số ý kiến khác tôi sẽ gửi theo đường văn bản.

Các văn bản liên quan