Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Nguyễn Văn Thuận – Quảng Namvề dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:28 08-06-2009

 

Tôi chỉ xin phát biểu vào một vấn đề là có đặt vấn đề sửa Điều 48 Luật đất đai và một số nội dung liên quan đến Luật nhà ở tại kỳ họp này hay không? Ý kiến của tôi là không, và ý kiến này chúng tôi đã trình bày nhiều lần trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đồng chí khác cũng tán thành với quan điểm này. Vì sao? Vì chúng tôi được biết những nội dung này chưa được cơ quan có trách nhiệm thảo luận một cách kỹ lượng với nhau, nên sửa thế nào? Các ủy ban có liên quan ở Quốc hội cũng chưa bàn một cách kỹ lưỡng về những nội dung có liên quan.

Thứ nhất, hiện nay liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, Luật đất đai được ban hành năm 2003 có những quy định chúng tôi cho là chưa hoàn toàn hợp lý. Đến năm 2005 khi Quốc hội thông qua Luật về nhà ở lúc bấy giờ mới giải quyết được vấn đề bức xúc của dân yêu cầu đó là cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở liên quan đến quyền sử dụng đất ở. Trong Điều 11 quy định rất rõ hai nội dung:

Một là trường hợp cấp một giấy chứng nhận đó là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu đất trong trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất.

Loại thứ hai là loại chỉ có cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, vì sao như vậy? Vì trong các chung cư hiện nay các nhà đầu tư được thuê đất của Việt Nam xây dựng nhà để bán cho nhân dân thì người dân không thể quan tâm đến chuyện có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với chung cư này hay không? Người ta chỉ quan tâm đến quyền sở hữu nhà. Một vấn đề đặt ra vì sao luật năm 2005 giải quyết như vậy, cho đến nay các cơ quan của Chính phủ không giải quyết được, đây có phải là vấn đề không nghiêm túc trong hoạch định chính sách của các cơ quan có hữu quan để trình ra Quốc hội như vậy không? hay bên trong gắn với lợi ích gì. Chúng tôi đề nghị những nội dung này phải làm rất rõ với nhau thì mới có thể quyết định được.

Vấn đề thứ hai, trong Luật nhà ở có hai nội dung rất quan trọng.

Thứ nhất là quyền tạo lập của công dân về nhà ở và quyền sở hữu về nhà ở.

Thứ hai, đấy là quyền quản lý Nhà nước của Bộ xây dựng.

Bây giờ chúng tôi tạm gọi Bộ xây dựng đi hai cái chân thì bây giờ chúng ta cắt phần mà công nhận quyền sở hữu nhà ở cho Bộ xây dựng, thế thì còn một chân làm thế nào được? Những nội dung rất quan trọng liên quan đến quyền quản lý Bộ xây dựng đó là quản lý hồ sơ nhà ở, điều tra, thống kê xây dựng dữ liệu nhà ở, quản lý hoạt động dịch vụ công về nhà ở, kiểm tra, thanh tra, giám sát, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Bây giờ nếu nội dung này được giao cho Bộ tài nguyên và môi trường cho Văn phòng đăng ký bất động sản thì Bộ xây dựng có còn làm được những nội dung ví dụ quản lý về hồ sơ nhà ở được không? Hay là điều tra thống kê các dữ liệu và kiểm tra, thanh tra việc này. Đây là những việc không thống nhất trong hệ thống pháp luật, nếu chúng ta sửa lần này thì lại tiếp tục có những bức xúc khác.

Vấn đề thứ ba, nó có phải là trong tất cả các trường hợp đều có thể cấp được một giấy đó là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, đó là chưa kể tài sản gắn liền với đất chúng ta chưa làm rõ được đấy là loại nào phải đăng ký và có cần đăng ký hay không, tính hợp lý của vấn đề này như thế nào và Luật nhà ở đã giải quyết thứ nhất là không thể có một loại giấy có những trường hợp không thể có chung một loại giấy được.

Thứ hai, công trình gắn liền với đất thì có rất nhiều loại công trình, công trình kinh tế, công trình xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, an sinh, an ninh quốc phòng, cầu, cống v.v... thì làm sao có thể làm được và trách nhiệm này có phải của tài nguyên, môi trường hay không?

Chẳng hạn ví dụ Ban quản lý khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc được Nhà nước giao đất, thì người chủ sử dụng đất đấy là ban quản lý. Còn các doanh nghiệp đầu tư vào đó thì họ đã có giấy chứng nhận cấp phép đầu tư trong đó có tài sản, có qui mô tất cả những nội dung như vậy thì có cần phải đặt ra một việc là yêu cầu họ phải đăng ký tài sản này đối với Bộ tài nguyên và môi trường để rồi phải nộp một khoản lệ phí, rồi mới cấp được một cái giấy hay không?. Trong trường hợp này việc cấp một giấy có phù hợp hay không hoặc những công trình khác, hoặc một nhà đầu tư vào Việt Nam được cấp hoặc nhà đầu tư trong nước, ngoài nước cũng thế được giao một khu đất để xây dựng một nhà máy, xí nghiệp, họ quan tâm đến là quyền sử dụng đất của họ, còn tài sản của họ ở thể hiện trong Giấy chứng nhận đầu tư. Cho nên, chúng tôi đề nghị những nội dung như thế này các cơ quan hữu quan chưa bàn bạc với nhau một cách kỹ lưỡng, giải quyết một cách thỏa đáng mà chúng ta cứ đưa vào để sửa ngay trong kỳ họp này thì tôi thấy nó không hợp lý.

Ý kiến cuối cùng của tôi đề nghị để giải quyết được 3 vấn đề tôi nêu ra thì hãy chưa vội thông qua tại kỳ họp này để rồi chúng ta bàn với nhau kỹ, chúng ta làm để tránh những chuyện luật ban hành rồi, nhưng không thực hiện, cuối cùng lại đổ tại Quốc hội, tại luật của Quốc hội.

Các văn bản liên quan