Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Đặng Văn Xướng – Long An về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:28 08-06-2009

Tôi xin có 2 ý kiến đóng góp cho dự án luật này.
Trước hết, về phạm vi điều chỉnh và những yêu cầu chung của lần sửa đổi này. Tôi tán thành theo dự thảo, đó là chúng ta chỉ sửa những vấn đề bức xúc, thời sự, cuộc sống đang đòi hỏi. Do đó cũng không nên cầu toàn bổ sung thêm quá nhiều nội dung, nhất là những nội dung hiện nay đúng là vướng thật nhưng rất khó, ví dụ như đền bù giải phóng mặt bằng. Tôi cũng không đồng tình là chúng ta thông qua luật này theo quy trình tại 2 kỳ họp. Tôi nghĩ trong điều kiện kinh tế suy giảm như hiện nay nếu chúng ta mở rộng phân cấp trong hoạt động này, thủ tục thông thoáng hơn, hoạt động xây dựng cơ bản tốt hơn thì chúng ta sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế trong ngay thời kỳ chúng ta suy giảm. Sau sửa đổi luật này các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, tự nó sẽ góp phần vực dậy nền kinh tế nhanh hơn sau suy giảm.
Tuy nhiên, tôi cũng đồng tình là do nhiều vấn đề còn giao Chính phủ hướng dẫn, cho nên hiệu lực để luật đi vào cuộc sống tôi đề nghị lùi lại một tháng theo dự thảo.
Tôi đề nghị chúng ta sửa đổi luật này không chỉ nhằm yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản mà còn có yêu cầu làm cho hoạt động này tốt hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn, nhất là không để xảy ra thất thoát, tham nhũng, tiêu cực lãng phí. Do đó các quy định về chế tài đề nghị phải quy định rõ, nhất là những văn bản giao Chính phủ hướng dẫn thì trong tay đại biểu Quốc hội không có. Cho nên tôi đề nghị Chính phủ phải hết sức lưu ý vấn đề này.
Đi vào đóng góp nội dung cụ thể, tôi chỉ đóng góp xung quanh 2 luật. Một là Luật Xây dựng. Trước hết, tôi đồng ý sửa đổi Điều 40 điều chỉnh dự án có sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên theo hướng làm rõ hơn các trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư. Các quy định này cũng chỉ chế tài các dự án sử dụng vốn Nhà nước, còn các dự án không thuộc nguồn vốn Nhà nước thì việc điều chỉnh do chủ đầu tư tự quyết định. Nhưng tôi đề nghị phải làm rõ 3 điểm:
Một là làm rõ ngay trong luật cụm từ "các sự kiện bất khả kháng khác" bởi vì các quy định của luật và văn bản dưới Luật hiện hành, cũng như trong dự thảo của luật này có sự không thống nhất sẽ dẫn đến hiểu không thống nhất và hành động không thống nhất.
Hai, phải bổ sung vào cuối Khoản 2, Điều 40 như quy định hiện hành cụm từ "và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình". Như vậy cuối Khoản 2 của điều này sẽ là trường hợp điều chỉnh dự án không làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu và không vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư được phép tự quyết định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình, như vậy cho chặt chẽ, chúng ta mở nhưng phải chặt.
Đề nghị bổ sung thứ ba là không bổ sung vào Khoản 1 quy định được điều chỉnh khi có biến động lớn về giá cả, hàng hoá dịch vụ liên quan. Tôi nghĩ việc này nên giao cho Chính phủ quy định như hiện nay và lý giải trong Tờ trình tôi thấy rất rõ, ngoài ra tôi bổ sung là nếu chúng ta cho điều chỉnh trong trường hợp này thì dễ dẫn đến tuỳ tiện, hết sức nguy hiểm.
Vấn đề thứ hai, trong Luật xây dựng về sửa đổi Điều 43, đề nghị không giao các tổ chức xã hội nghề nghiệp công bố định mức chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, dù mục đích của việc này cũng chỉ là tham khảo đối với chủ đầu tư, nhưng lý do trong Tờ trình tôi thấy không thuyết phục, không đồng tình chỗ này, không phải vì các tổ chức xã hội nghề nghiệp có vấn đề này, vấn đề nọ, không phải vì thiếu ổn định, không đủ uy tín mà tôi nghĩ việc này thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền định ra các chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp không lạc hậu so với tình hình thực tế, cần phải có hình thức tập hợp sử dụng phát huy trí tuệ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Tôi nghĩ trong các tổ chức này không hiếm những người có đủ năng lực để làm việc này.
Thứ ba, thực tế trong quá trình chuẩn bị triển khai thực hiện các dự án hiện nay có 2 chủ thể và đi liền với nó là các nhiệm vụ liên quan còn trì trệ, thường làm chậm tiến độ xây dựng cơ bản rất lớn, đó là Ban quản lý dự án và các đơn vị tư vấn. Ban quản lý dự án trước chúng ta mở rất thoáng, bây giờ quy định rất chặt, rất khó. Không phải chỉ trong tư vấn thiết kế mà nhiều loại tư vấn hiện nay rất chậm, đề nghị phải khắc phục vấn đề này.
Về Luật đấu thầu, tôi đề nghị sửa Điểm b, Khoản 1, Điều 20, đồng ý quy định như dự thảo hạn mức về giá trị gói thầu được chỉ định thầu và các trường hợp chỉ định thầu do yêu cầu đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ. Vì đấu thầu rộng rãi về bản chất là rất tốt đẹp nhằm công khai, minh bạch, hạn chế khép kín tiêu cực, thất thoát. Nhưng trên thực tế hoạt động này rất phức tạp, hình thức tiêu cực làm mất cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp. Những hệ quả này không phải do luật chúng ta quy định chưa đủ rõ mà chính là do trong tổ chức thực hiện.
Mặc khác thủ tục quy định còn rườm rà làm chậm tiến độ đầu tư, làm tăng tổng mức đầu tư rất lớn. Do đó tôi đề nghị không thể quy định cứng về hạn mức trong luật mà nên giao cho Chính phủ, nhưng cần quy định chặt chẽ trong luật và trong hướng dẫn của Chính phủ tránh lạm dụng chỉ định thầu tràn lan, đồng thời phải có chế tài đủ mạnh để đảm bảo hoạt động chỉ định thầu có hiệu quả, hạn chế thấp nhất tiêu cực, thất thoát.
Tôi đề nghị bỏ cụm từ "và đảm bảo áp dụng hình thức chỉ định thầu" hiệu quả hơn đấu thầu như đại biểu Tâm - Cần Thơ phát biểu. Tôi thấy không có cơ sở để quy định, ai thẩm định nó và so sánh trên tiêu chí nào.

Các văn bản liên quan