Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị – Nghệ An về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:24 08-06-2009

Tôi đồng tình với việc dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên về tên gọi tôi đề nghị cần phải nói cụ thể là dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật: Luật Xây dựng, Luật đấu thầu v.v... không nên dùng từ "liên quan đến xây dựng cơ bản". Tôi nghĩ liên quan đến xây dựng cơ bản còn một số dự án luật khác nữa chứ không phải chỉ có mấy dự án luật này, để đảm bảo tính minh bạch của pháp luật.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung tôi thấy đây là dự án luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản áp dụng thủ tục một luật sửa đổi nhiều luật. Trong Tờ trình của Chính phủ xác định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật doanh nghiệp, Luật bảo vệ môi trường, Luật đất đai, Luật nhà ở nhằm xử lý các vấn đề vướng mắc, bức xúc nhất trong thực tế hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay, trong đó đặc biệt quan trọng là vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư. Do đó tôi thống nhất với quan điểm này của Chính phủ.

Tuy nhiên nghiên cứu dự thảo chúng tôi thấy có một số vấn đề, đề nghị Quốc hội cần phải xem xét:

Một, phạm vi sửa đổi bổ sung chúng ta đề ra quá rộng, liên quan đến 6 luật và gần 100 điều khoản. Do đó, tôi đề nghị nên nghiên rút gọn lại.

Một trong những vướng mắc cơ bản làm cản trở tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay là khâu bồi thường giải phóng mặt bằng được quy định trong Luật đất đai hiện hành và các nghị định hướng dẫn. Nhưng dự thảo chưa đề cập được vấn đề này. Dự thảo luật chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, đồng thời với Luật nhà ở để thống nhất việc cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Vấn đề này cũng rất cần thiết, nhưng không liên quan trực tiếp đến trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. Vì vậy nếu có đưa vào sửa đổi tôi đề nghị nên đưa vào sửa đổi trong Điều 126 Luật nhà ở và Điều 121 Luật đất đai mà chúng ta đã bàn ở mấy phiên họp trước.

Hai, dự thảo sửa đổi bổ sung Điều 170, theo tôi việc này không cần thiết phải đưa vào dự án luật vì Điều 170 không liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng cơ bản. Hơn nữa sửa thời hạn từ 2 năm lên 5 năm là không phù hợp vì Điểm a, Khoản 2, Điều 170 đã hết hiệu lực thi hành và kết thúc từ mùng 1 tháng 7 năm 2008 và trong Tờ trình của Chính phủ cũng chưa có một thông tin, số liệu về số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện, chưa thực hiện và doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký lại, nguyên nhân, lý do để cho các đại biểu Quốc hội có thể xem xét về vấn đề này.

Về đối tượng cụ thể, tôi đề nghị việc giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp công bố định mức chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật là không nên. Vì một yếu tố cơ bản để xác định chi phí của dự án đầu tư xây dựng là xác định tính hiệu quả của dự án, công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật là một trong những biện pháp quan trọng để quản lý về đầu tư xây dựng cơ bản. Do đó việc giao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp công bố theo tôi nghĩ là không phù hợp. Ở trong trường hợp cùng một định mức chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật mà cả cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp công bố có sự khác nhau, thì chủ đầu tư sẽ tham khảo định mức chỉ tiêu nào, thì luật cũng chưa được đề cập đến.

Mặt khác nếu quy định như dự thảo thì sẽ không phù hợp với Điều 5, Điều 29 của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó có quy định rõ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành kịp thời định mức tiêu chuẩn, chế độ làm căn cứ để tổ chức thực hiện việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về việc lập thẩm định phê duyệt tổng dự toán, dự toán công trình phải căn cứ vào định mức, đơn giá, tiêu chuẩn do những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành tại Điều 29.

Về giá gói thầu được chỉ định thầu, trong quy định giao cho Chính phủ cụ thể về hạn mức chỉ định thầu, tôi hoàn toàn nhất trí với quy định của dự thảo là giao cho Chính phủ quy định hạn mức về giá trị gói thầu được chỉ định thầu và như thế sẽ thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành của Chính phủ khi trường hợp có sự biến đổi. Tuy nhiên đề nghị với Chính phủ bổ sung dự thảo nghị định về nội dung này để đại biểu Quốc hội được rõ hơn và yên tâm khi biểu quyết thông qua.

Cuối cùng về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đất đai, Luật nhà ở được quy định cấp một giấy về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác theo đất. Như tôi đã nói ở trên thì tôi thống nhất với việc gộp hai loại giấy này làm một. Tuy nhiên tôi thấy cần phải đánh giá kỹ hơn, vì trước đây chúng ta đã có một thời gian thực hiện việc cấp một giấy theo Nghị định 60, nay lại chuyển sang cấp hai giấy do đó cần phải có đánh giá về tác động của quy định này, nhất là về thời gian để chúng ta thực hiện mục tiêu đến năm 2010 về cơ bản chúng ta cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra.

Các văn bản liên quan