Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Võ Minh Thức – Phú Yên về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:23 08-06-2009

 

Tôi xin tham gia trực tiếp vào các điều, khoản sửa đổi này. Tôi thống nhất, có thể nói luật của chúng ta kỳ này ban hành để sửa đổi một số vấn đề còn vướng mắc ở trong xây dựng cơ bản thì tôi cho hết sức cần thiết.

Tôi xin tham gia là Điều 40a bổ sung thêm điều này là một khoản mới, luật hiện hành chưa có phần của Nhà nước thì chúng tôi đồng ý. Riêng phần của bên tư nhân thì chúng tôi thấy đây là một điều luật mới cho nên chúng ta hết sức cân nhắc. Như vậy đối với các dự án tư nhân thì theo quy định của luật chúng ta chỉ quan tâm tới những vấn đề chung, quy hoạch chung cũng như quản lý chung. Tư nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm về giá trị công trình cũng như chất lượng công trình.

Hiện nay có vấn đề thực tế xảy ra là đối với giá trị của một dự án thực chất khi các dự án đã được Nhà nước giao quyền hoặc cho thuê đất với một giá đất nông nghiệp hiện nay, trong khi Luật đất đai chưa được sửa đổi như các đại biểu đã nói giá đất nông nghiệp chỉ 26 - 27 nghìn đồng trên một m2, ví dụ như tại Phú yên chúng tôi. Nhưng khi xây dựng dự án công trình lên được duyệt và chỉ cần mới xây dựng hạ tầng, mặt bằng thì giá lên cả triệu đồng 1m2. Nhưng kết cấu công trình đó khi hoàn thành có thể là 50-100 tỷ đồng, như vậy thực chất nó đã kết tinh giá trị đất trong đó rồi. Các nhà đầu tư đó khi xây dựng xong công trình thì dùng vốn đó để tiếp tục vay vốn ngân hàng, ít nhất cũng được là 30% hoặc 70% thì tuỳ và tiếp tục dự án lớn hơn.

Cho nên các công trình đó thực chất đất cũng là tài sản của nhà nước, do nhà nước quản lý, giá trị thực chất của công trình có kết tinh đất trong đó, như vậy cứ lấy công trình này tiếp tục công trình khác. Việc này chúng tôi hết sức lo lắng nếu chúng ta không giám sát toàn bộ việc này. Hiện nay có trường hợp các doanh nghiệp tư nhân làm với tốc độ rất nhanh và làm với bất cứ giá nào, giá trị thực của công trình có thể 50 tỷ nhưng người ta nói là 200 tỷ cũng không giám định được. Tôi rất lo lắng nếu chúng ta không giám sát việc này. Về chất lượng công trình thì ai đảm bảo được. Như vậy với tiến độ rất nhanh và nhiều định mức do chủ đầu tư quyết định hết cho nên nhiều công trình chỉ 10 - 20 năm là phải đập bỏ rồi. Điều này hết sức cân nhắc khi bổ sung thêm Điều 42 này, việc này nếu có thì Chính phủ phải quy định hết sức chặt chẽ vấn đề này.

Điều 43 về quản lý, chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình. Việc này còn nhiều ý kiến khác nhau, hiện nay thực tế tôi hoàn toàn đồng tình với Tờ trình và Ban soạn thảo là giao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp được công bố các định mức và chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật để chủ đầu tư tham khảo cái đó. Thực chất hiện nay chúng ta rất nhiều thành phần và nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp và người ta rất sát, cho nên việc này hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc này chúng tôi xin đề nghị Chính phủ khi quy định, luật này thông qua còn có 2 việc phải quan tâm:

Một là Chính phủ cần quy định hết sức chặt chẽ vấn đề này để làm sao đảm bảo được tính khách quan cũng như tính cập nhật và nó không chồng chéo giữa các ngành. Vì hiện nay có nhiều vấn đề ngành giao thông, ngành thủy lợi, ngành xây dựng cùng những tính chất công việc nhưng các tiêu chí, các định mức khác nhau, cho nên khi thực hiện hết sức chồng chéo và nó gây rất nhiều bất cập.

Thứ hai là Chính phủ cũng cần có quy trình thẩm định làm sao khi các hội hay tổ chức nghề nghiệp này ban hành các định mức này phải có sự đồng nhất, có sự quản lý để nó tương đối, nếu không nó thiên lệch một ngành nào đó thì rất phức tạp. Cho nên chỗ này tôi thấy mở ra thì rất thuận lợi.

Hiện nay chúng tôi là những người cũng làm trực tiếp rất nhiều những việc liên quan này, qua làm việc với các cơ quan tư vấn, hiện nay ta phải sử dụng rất nhiều các định mức của nước ngoài mà nó cao hơn gấp nhiều lần so với chúng ta để đảm bảo được chất lượng. Cho nên những định mức chúng ta thay đổi rất chậm. Cho nên quan điểm của chúng tôi đồng ý với việc này.

Nội dung thứ ba, sửa đổi tại Điều 59, việc này chúng tôi đồng ý như ý kiến đại biểu Trần Du Lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc này hết sức cần thiết, cần thiết kế việc này lại cho phù hợp, tránh chồng chéo. Điều này chúng tôi đồng ý với quan điểm đó. Đại biểu Trần Du Lịch ở Thành Phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị rất cụ thể rồi, chúng tôi đồng ý với quan điểm đó.

Ý thứ tư, chúng tôi xin tham gia về bỏ Điểm a, Khoản 1, Điều 11. Báo cáo Quốc hội, có thể nói điều này chúng tôi rất hoan nghênh, đây có thể nói là một trong những điểm hết sức mấu chốt, nếu chúng ta thông qua được luật này thì sẽ đẩy rất nhanh tiến độ trong xây dựng cơ bản. Vì hiện nay chúng ta có bất cập là khi các đơn vị tư vấn thiết kế người ta làm ở giai đoạn khả thi hay giai đoạn chuẩn bị xây dựng dự án người ta cũng phải đi khảo sát, lập các dự toán này khác để dự án đó có được phép làm hay không. Nhưng đến các giai đoạn sau là thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công thì không được phép. Cho nên như vậy vô hình chung các số liệu trước đó thì các đơn vị sau, đơn vị khác người ta thường phải rà soát lại. Thực tế hiện nay đang vướng rất nhiều những việc này. Tôi cho sửa đổi điều này rất đúng, đây là bước đột phá giúp cho chúng ta sẽ đẩy nhanh tiến độ trong công tác xây dựng cơ bản tốt hơn, tôi rất hoan nghênh việc này. Lâu nay một trong những yếu tố chậm chủ yếu là khâu thiết kế, chất lượng công trình cũng liên quan đến việc này, đây là cái nút.

Thứ năm, về công tác chỉ định thầu sửa đổi Điểm c, d, Khoản 1, Khoản 3, Điều 20 chúng tôi đồng ý như phần sửa đổi. Việc này hiện nay như quy định hiện hành trong luật thì rất cứng cho nên khi làm thực tế rất khó khăn. Như vậy các dịch vụ tư vấn thiết kế 500 triệu, các gói thầu xây dựng cơ bản liên quan đến mua sắm và xây dựng là 1 tỷ, mua sắm thường xuyên dưới 500 thì hết sức khó, cho nên tôi đồng ý với quan điểm của Chính phủ.

Các văn bản liên quan