Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Phùng Văn Toàn – Phú Thọ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:13 08-06-2009
Tại kỳ họp này Chính phủ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy thời gian chuẩn bị gấp gáp song Chính phủ đã kiến nghị sửa đổi được nhiều điều gây vướng mắc, cản trở trong đầu tư xây dựng và đây là những điều hết sức bức thiết. Vấn đề này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đơn giản được nhiều thủ tục phức tạp của 6 luật liên quan đến xây dựng cơ bản là vấn đề hết sức phức tạp. Tôi cho rằng đây là một sự cố gắng nỗ lực rất lớn, vì vậy tôi tán thành cao về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung này.
Vấn đề thứ hai, do chuẩn bị gấp phải sửa 6 luật, các điều sửa đổi, bổ sung tôi đếm thì gần 100 điều của các lĩnh vực xây dựng cơ bản đây vốn là một vấn đề khá phức tạp. Trong kỳ họp này các đại biểu Quốc hội như chúng tôi cũng không đủ thời gian để nghiên cứu rà soát tất cả các điều của luật. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo trong thời gian từ nay đến lúc Quốc hội thông qua các luật này, tiếp tục rà soát những điều cần sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật với nhau.
Vấn đề thứ ba, tôi đồng ý sửa đổi một số điều của Luật đất đai và Luật nhà ở theo Tờ trình số 95 của Chính phủ nhưng các nội dung sửa đổi phải chuyển về Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai. Vì trong dịp này Quốc hội có sửa Luật đất đai và Luật nhà ở, không cớ gì hai nội dung của 2 luật này lại ở hai Luật sửa đổi, bổ sung khác nhau. Nội dung sửa đổi Luật đất đai và Luật xây dựng có liên quan đến xây dựng cơ bản, có tới 52 điều phải sửa đổi, đưa về một luật, có như vậy thuận lợi cho áp dụng, tra cứu, thực hiện và phải đưa về cùng một luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật đất đai và Điều 121 Luật nhà ở.
Về mặt kỹ thuật, chúng tôi cho rằng Quốc hội xây dựng luật nói chung và xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung nói riêng có quy định thống nhất như vậy thì mới có sức thuyết phục, nói một cách đơn giản là nó không vênh váo giữa luật này với luật khác và tạo ra sự bức xúc không cần thiết.
Thứ tư, vì thời gian có hạn tôi chỉ tham gia vào một số điều luật cụ thể sau đây:
Về Điều 40 của Luật xây dựng điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn Nhà nước trở lên. Tôi tán thành nội dung sửa đổi này, việc điều chỉnh dự án trong quá trình triển khai là khó tránh khỏi và quy định như vậy trong Điều 40 thể hiện sự phân cấp cho các cấp thực hiện nhiệm vụ một cách thuận lợi và chủ động cho nhà đầu tư. Quy định như vậy cũng đảm bảo chặt chẽ.
Trong điều này cũng có một vấn đề là sự kiện bất khả kháng khác, tôi cho rằng luật ghi như vậy là đủ, Chính phủ quy định thống nhất và chặt chẽ, cụ thể, tránh tình trạng như hiện nay quy định sự kiện bất khả kháng ở mỗi văn bản khác nhau làm khó cho việc vận dụng và vận dụng không thống nhất. Đối với trường hợp có biến động của giá nguyên vật liệu, tỷ giá hối đoái hoặc do Nhà nước ban hành chế độ chính sách mới nhiều khi phải điều chỉnh song theo tôi không nên ghi trong luật này mà căn cứ vào tình hình cụ thể Chính phủ chỉ đạo để các nhà đầu tư chủ động, không trông chờ, gây khó khăn kéo dài không cần thiết.
Điều 43, quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình, dự án luật mở ra cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp có quyền công bố định mức tiêu chuẩn về kinh tế kỹ thuật để chủ đầu tư tham khảo trong lúc này là chưa nên. Về số lớn của các địa phương, tổ chức xã hội nghề nghiệp này thì chưa có, lực lượng cán bộ chuyên môn ít, thực hiện nhiệm vụ hiện nay chủ yếu là tư vấn ở một số lĩnh vực, sự tồn tại của tổ chức này chưa thật ổn định và đánh giá về tổ chức xã hội nghề nghiệp này về năng lực, uy tín thì cũng còn có ý kiến rất khác nhau. Vả lại trong nhiều luật quy định trách nhiệm và quyền này thuộc về cơ quan Nhà nước. Trên cơ sở đó để xây dựng những chuẩn mực, thước đo nhằm quản lý đánh giá kiểm tra thực hiện tốt. Thực tế hiện nay cơ quan Nhà nước làm cũng chưa kịp thời, chưa chuẩn xác, cần phải tăng cường hơn nữa để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này trong lúc còn nhiều hạn chế và thiếu sót.
Về Điều 20 của Luật đấu thầu, tôi tán thành các trường hợp chỉ định thầu được quy định tại Điểm c, d Khoản 1 và Khoản 3, Điều 20. Chúng ta cần thay đổi cách quy định về định mức và về giá trị gói thầu để chỉ định thầu hay đấu thầu cho phù hợp, nhất là trong lúc có biến động về giá cả, thủ tục đầu tư của chúng ta cũng còn phức tạp. Vì vậy, giá trị gói thầu, chỉ định thầu không nên ghi vào luật mà để Chính phủ quy định vừa linh hoạt và cũng là để đề cao trách nhiệm của Chính phủ, vả lại trong tình hình hiện nay cơ chế đấu thầu cũng có nhiều vấn đề. Điều quan trọng là chúng ta quản lý, giám sát, kiểm tra như thế nào để nâng cao chất lượng hiệu quả dự án.
Về bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật đất đai và Luật nhà ở, tôi tán thành đề nghị của Chính phủ sửa đổi để thống nhất cấp 1 giấy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đảm bảo thực hiện cho dân và nhà đầu tư mà vẫn quản lý được đất cũng như tài sản trên đất. Tôi tán thành nên giao cho một cơ quan làm đầu mối cụ thể là ở Trung ương do Bộ Tài nguyên và môi trường và các cơ quan tài nguyên môi trường ở địa phương thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, việc xác định tên cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ với thực hiện các thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Tôi đề nghị cần phải xem xét, tên cơ quan này cần xác định cho phù hợp vì thêm một khối lượng công việc lớn là quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Thứ hai, xác định tính chất tổ chức này là cơ quan Nhà nước hay đơn vị sự nghiệp mà hiện nay xác định là đơn vị sự nghiệp dịch vụ, hiện nay cấp huyện chưa có tổ chức này cần tăng cường sự chỉ đạo để sớm thành lập và nhằm thực hiện tốt được khối lượng công việc to lớn này. Vì vậy, không nên ghi tên cơ quan này trong luật mà để Chính phủ quy định.
Về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và môi trường quy định, song đề nghị những vấn đề quy định trong giấy cần giảm bớt tránh phức tạp, khó thực hiện và chồng chéo với các quy định khác.

Các văn bản liên quan