Trích ý kiến góp ý của Đại biểu Phạm Thị Loan – TP Hà Nội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ Hai 17:12 08-06-2009
Liên quan đến các điều luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, tôi rất tán thành việc quan tâm sửa đổi sáu luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, đi vào cụ thể tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau.
Về Luật xây dựng, tại Khoản 2, Điều 39, tôi đồng ý theo ý kiến thẩm định của Ủy ban kinh tế là chưa nên sửa khoản này ngoài việc chưa thống nhất về các khái niệm vốn Nhà nước, thì còn có nhiều vấn đề trong vấn đề sử dụng vốn để đầu tư các dự án. Mặt khác có nhiều dự án không phải vốn Nhà nước đầu tư mà Chính phủ duyệt dự án rồi kêu gọi đầu tư nước ngoài hoặc nguồn vốn BOO, BOT cho những dự án quan trọng quốc gia thì như thế nào?
Tôi đề nghị bổ sung thêm một điều là Quốc hội cần thông qua kế hoạch chiến lược tổng thể đầu tư các dự án phát triển ngành trung hạn và dài hạn, đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển chung của đất nước và phù hợp với thực tiễn cũng như khả năng tài chính của đất nước.
Điều 40, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng 30% vốn nhà nước, tôi đề nghị bổ sung thêm phần biến động giá cả, nguyên vật liệu thị trường, tỷ giá hối đoái liên quan trên 5%. Khi nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến chi phí vật tư dự án ví dụ như chính sách thuế.
Điều 43 Mục 2, tôi không đồng ý theo dự án sửa đổi là các tổ chức xã hội nghề nghiệp công bố các định mức chỉ tiêu kế hoạch kĩ thuật và các thông tin liên quan để chủ đầu tư tham gia làm căn cứ xác định chi phí đầu tư. Chúng ta cần giữ nguyên như luật định hiện nay bởi vì do cơ quan Nhà nước thẩm quyền ban hành. Nếu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành lạc hậu, chậm, không phù hợp thì cần có quy định vào luật và là cơ quan có thẩmquyền chịu trách nhiệm cập nhật số liệu, ban hành chính xác kịp thời, và quy định rõ định kỳ ban hành cho từng loại vật liệu thiết bị, vì giá tham khảo này không chỉ để đấu thầu mà còn để chỉ định thầu trong trường hợp được phép chỉ định thầu.
Thứ hai là Luật đấu thầu, Khoản 30 Điều 2 tôi đề nghị bổ sung giá đánh giá bao gồm giá quy đổi mặt bằng so sánh về phương thức, thời gian, điều kiện thanh toán. Ví dụ trong thực tiễn hiện nay chúng tôi thấy có rất nhiều dự án có đấu thầu giữa trong nước và nước ngoài, thì không có sự đánh giá về phương thức thanh toán, cho nên đánh đồng khi thanh toán LC cũng như thanh toán khi nhận hàng hay thanh toán khi nghiệm thu tại công trình. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp trong nước mất khả năng cạnh tranh và làm giảm những điều kiện để cạnh tranh đối với nước ngoài.
Điểm a, Khoản 1, Điều 11, tôi đề nghị bỏ Điểm a. Nếu bỏ Điểm a, Khoản 1, Điều 11có thể linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho những tập đoàn có các loại hình công ty tham gia thầu nhưng như vậy thì đơn vị nào đã làm tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ kỹ thuật thì đơn vị đó có lợi thế gần như tuyệt đối, vì có điều kiện để đưa những điều kiện lợi thế cho đơn vị mình vào hồ sơ kỹ thuật, hồ sơ mời thầu, như vậy sẽ không bình đẳng trong đấu thầu. Do vậy tôi đề nghị giữ nguyên như cũ không thay đổi điểm này. Khoản 2, Điều 11 về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu nên quy định chặt chẽ chi tiết bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, không nên để Chính phủ quy định hướng dẫn nhiều quá. Vấn đề chỉ định thầu Mục c, Khoản 1, Điều 20 cần quy định cụ thể như thế nào là "gói thầu mang tính chất bí mật quốc gia" và cần quy định như thế nào là "gói thầu cấp bách vì lợi ích quốc gia", cần thiết phải quy định rõ trong luật này vì hiện nay rất nhiều dự án thiếu sự chuẩn bị, thiếu kế hoạch đã được biến thành cấp bách để chỉ định thầu chủ yếu cho các tập đoàn, các công ty Nhà nước chia nhau. Cho nên không nên để Chính phủ quy định vấn đề này. Mục d, Khoản 1, Điều 20 hạn mức về giá trị gói thầu được chỉ định thầu cần được quy định rõ trong luật này, trước đây 500 triệu cho dự án tư vấn thiết kế và 1 tỷ cho mua sắm, nếu bây giờ trượt giá thì cần tăng mức tăng cụ thể như thế nào. Tôi đề nghị nên quy định cụ thể vào luật này, không nên để Chính phủ quy định. Về vấn đề đánh giá hồ sơ dự thầu, Khoản 3, Điều 29 phương pháp đánh giá theo kiểu đạt, không đạt hoặc là 70%, 80% điểm kỹ thuật là rất mơ hồ và không nên để Chính phủ quy định chi tiết về đánh giá hồ sơ dự thầu, mà nên quy định cụ thể vào trong luật này.
Tôi đề nghị tham khảo phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu của các tổ chức quốc tế ADB, tổ chức quốc tế Ngân hàng thế giới, bởi vì trong đó các Guidelines của họ đã quy định rất rõ các phương pháp xét thầu rất công bằng và minh bạch. Khoản 5, Điều 31 thời gian đánh giá hồ sơ thầu, không nên quy định là 45 ngày và 65 ngày kể từ ngày mở thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả đấu thầu, mà nên đề là " đến ngày chủ đầu tư phê duyệt kết quả đấu thầu", vì từ ngày trình đến ngày duyệt không biết bao nhiêu ngày? Điều 46, giá hợp đồng không được vượt quá giá trúng thầu, tôi đề nghị cần quy định rõ giá trúng thầu là giá như thế nào? bởi vì nếu quy định như thế này rất khó khăn, giá trúng thầu là giá đã điều chỉnh cả số lượng số học và những sai sót về thiết kế và dự toán. Khoản 2, Điều 57 giá hợp đồng sau điều chỉnh không dẫn đến tổng mức đầu tư được duyệt sẽ khó khăn. Cần quy định rõ trường hợp nào được phép vượt dự toán, vượt tổng mức đầu tư, vì nếu đã đấu thầu thì dự toán để tham khảo và chuẩn bị nguồn, còn thực tế sẽ phụ thuộc vào giá cả thị trường và thời gian duyệt định mức đầu tư có xa so với thời gian tổ chức đấu thầu hay không, vì nếu thời gian chuẩn bị duyệt dự toán và thời gian đấu thầu xa cũng sẽ làm cho giá hợp đồng trúng thầu khác xa và không phù hợp với tổng mức đầu tư do vấn đề trượt giá.
Vấn đề trừ trường hợp được người có thẩm quyền phê duyệt, người thẩm quyền phê duyệt ở đây được phê duyệt trường hợp nào cần quy định rõ, cấp nào là cấp có thẩm quyền phê duyệt khi giá hợp đồng sau điều chỉnh, với dự toán hoặc tổng mức đầu tư được duyệt, tránh trường hợp đấu thầu đi đấu thầu lại nhiều lần mà vẫn không thấp hơn giá dự toán, lãng phí và không hiệu quả cho dự án.
Vấn đề Luật bảo vệ môi trường Điều 22, Khoản 4 nên quy định cần có đánh giá tác động môi trường trước khi cấp giấy phép xây dựng hoặc trước khi phê duyệt dự án trong trường hợp dự án không cần cấp giấy phép xây dựng.
Về vấn đề bức xúc nhiều nhà đầu tư gặp phải trong việc xin duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là do chưa quy định rõ thời gian, điều kiện cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường dẫn đến gây phiền nhiễu làm khó cho nhà đầu tư.
Điều cuối cùng, tôi đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết về sửa đổi 6 luật liên quan đến vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản với nội dung sửa đổi cơ bản như Tờ trình sau khi tiếp thu, thẩm tra, góp ý của đại biểu Quốc hội và giao cho Chính phủ triển khai sửa tách riêng từng luật để nhân dân thuận tiện theo dõi thực hiện luật. Đồng thời rà soát lại 6 luật liên quan này để sửa cho đồng bộ, tránh sửa đi sửa lại nhiều lần.

Các văn bản liên quan