HH nhà thầu Việt Nam góp ý

Thứ Tư 15:40 08-04-2009
Với tư cách là đại diện Hiệp Hội Nhà Thầu Việt Nam và cả tư cách cá nhân là một nhà đầu tư đang tham gia vào hoạt động đầu tư xây dựng, tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh sáng kiến đưa ra dự thảo luật sửa đổi để giải quyết vấn đề chồng chéo giẫm chân lên nhau giữa các luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng như: Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Luật đất đai… Đồng thời việc đưa ra ban hành dự thảo luật sửa đổi cũng góp phần làm giảm bớt các thủ tục hành chính, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Về các góp ý cụ thể, chúng tôi xin phát biểu một số điểm sau:

I. Đối với Luật xây dựng:

Điều 7, điểm 4: Năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức được xác định theo cấp bậc trên cơ sở năng lực hành nghề xây dựng của các cá nhân trong tổ chức, kinh nghiệm hoạt động xây dựng, khả năng tài chính, thiết bị, năng lực quản lý của tổ chức.

àĐề nghị thêm: và không vi phạm những quy định về đạo đức nghề nghiệp được Hiệp Hội Nghề nghiệp xác nhận .

Điều 40, 1b. Điều chỉnh dự án khi có: Xuất hiện các yếu tố đưa lại hiệu quả cao hơn cho dự án.

à Ý này không rõ và nguy hiểm cho các nhà đầu tư vì nếu đang làm rồi nhưng vì lý do nào đó xuất hiện những yếu tố, tính toán có lợi hơn nhưng cho ai? (Cho Nhà nước hay cho Chủ đầu tư) lại có thể điều chỉnh dự án thậm chí xoá đi (như một dự án resort ở Ninh Thuận gần đây) thì rất phức tạp.

2. Đề nghị bổ sung: Không vượt tổng mức đầu tư… nhưng không làm giảm chất lượng dự án thì chủ đầu tư được phép tự quyết định.

Điều 43, điểm 3: Chủ đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi kết thúc xây dựng đưa vào khai thác sử dụng.

à Đề nghị thêm: Các công trình đều phải có báo cáo kiểm toán trong vòng 06 tháng sau khi công trình đưa vào sử dụng và phải đảm bảo có đủ kế hoạch vốn trước khi triển khai dự án.

Điều 54 và 59: Vấn đề thẩm định thiết kế

Trong điểm 1: Thiết kế xây dựng phải được thẩm định và phê duyệt. Người thẩm định, phê duyệt thiết kế chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định, phê duyệt của mình.

Trong điểm 2 điều 59: Người có thẩm quyền quyết định đầu tư chịu trách nhiệm về việc thẩm định thiết kế cơ sở khi thẩm định dự án để quyết định đầu tư. Trong trường hợp cần thiết thì gửi hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan liên quan về thiết kế cơ sở.

à Ý kiến chúng tôi cho rằng đối với các thủ tục hiện nay, các dự án sau khi thẩm định xong thiết kế, vẫn phải tiến hành cấp phép xây dựng do cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng xem xét và cho phép, vì vậy để tránh chồng chéo: thẩm định xong lại cấp phép nên điều chỉnh lại là: Chủ đầu tư phải tổ chức tự thẩm định thiết kế kỹ thuật để đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt và các quy phạm khác của Nhà nước. Đơn vị thiết kế và thẩm định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các ý kiến thẩm định cũng như các tính toán của mình.

Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng khi cấp phép xây dựng chỉ cần phúc tra lại các ý kiến thẩm định của tư vấn của chủ đầu tư để căn cứ cấp phép.

II. Đối với Luật Đầu Tư:

Điều 45: Thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư trong nước

  1. Dự án đầu tư trong nước không phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư.
  2. Đối với dự án từ 15 tỉ trở lên thì phải đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

à Ý kiến góp ý: Bỏ giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án trong nước về hình thức là động thái đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Nhưng thực chất việc làm này chúng tôi cho rằng sẽ hình thức và thậm chí làm rối hơn cho doanh nghiệp vì những lý do sau:

- Nếu bỏ giấy chứng nhận đầu tư nhưng luật sửa đổi không ghi rõ ai là người chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này vì các dự án đều liên quan đến thủ tục đất đai, vốn liếng nên chắc chắn phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó, Sở tài nguyên môi trường mới xem xét để giao đất hay cho thuê đất. Mặt khác ở nhiều dự án trong khi chưa có sổ đỏ về đất, các Ngân hàng có cho vay vốn hay không cũng phải dựa vào giấy chứng nhận đầu tư - Về bản chất, giấy chứng nhận đầu tư là bản cam kết của chính quyền với nhà đầu tư. Vì vậy, theo ý kiến chúng tôi, kể cả dưới giác độ một nhà đầu tư, chúng tôi cho rằng không nên bỏ thủ tục này vì nó chỉ là đơn giản hoá thủ tục một cách hình thức mà sẽ gây ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm làm chậm tốc độ dự án, khó hơn cho nhà đầu tư.

III. Đối với Luật đấu thầu:

Điều 4: Thẩm định đấu thầu là việc kiểm tra, đánh giá của cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định về kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu để làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phê duyệt các nội dung trên quyết định theo quy định của luật đấu thầu. Việc thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu không phải là đánh giá lại hồ sơ dự thầu.

à Kiến nghị bổ sung: Chỉ thẩm định kết quả đấu thầu đối với các công trình có vấn đề không bình thường (có khiếu nại, hoặc có dấu hiệu dàn xếp thông thầu…) vì chủ đầu tư khi tổ chức đấu thầu hoặc phải dùng tư vấn xét thầu hoặc phải dùng tổ chấm thầu của chính mình. Nếu bất kỳ cuộc thầu nào cũng tổ chức thẩm định thì sẽ mất thời gian đồng thời phải tổ chức ra một bộ phận chuyên làm việc này. Nhưng nếu phải thẩm định kết quả đấu thầu ở dự án nào đó thì đề nghị nên có sự tham gia của đại diện hiệp hội nhà thầu để có ý kiến khách quan trong việc đánh giá.

Điều 20: Khoản 1 và 3

à Đề nghị bổ sung vào chỉ định thầu: “Đối với các dự án nhỏ, lẻ không vượt quá 5 tỷ đồng (không dùng cho dự án có nhiều gói thầu nhỏ để hạn chế việc chủ đầu tư chia nhỏ dự án thành nhiều gói thầu nhỏ). Ngoài ra các gói thầu chỉ định thầu đều phải giảm giá so với dự toán được thẩm định từ 1%– 3%.

Điều 46 : ( khoản 3 và 4)

Giá hợp đồng không được vượt giá trúng thầu à đề nghị thêm “ trong trường hợp ký hợp đồng trọn gói”. Trường hợp không phải hợp đồng trọn gói đơn giá để ký hợp đồng không được vượt đơn giá trong hồ sơ trúng thầu.

Điều 52: Về thanh toán cho nhà thầu, à đề nghị thêm: chủ đầu tư phải đảm bảo kế hoạch đủ vốn cho dự án, trong trường hợp chậm thanh toán phải trả lãi theo mức lãi vay ngân hàng mà nhà thầu phải đi vay.

Điều 57: Điểm a/.... việc điều chỉnh căn cứ theo khối lượng công việc hoặc thời gian thực tế nhà thầu đã thực hiện nhiều hơn hoặc ít hơn khối lượng công việc nêu trong hợp đồng à nên thêm “ do thay đổi thiết kế hoặc các yêu cầu khác của Chủ đầu tư ”.

IV. Đối với Luật đất đai và nhà ở:

Việc gộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thành một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất là phù hợp với thực tế sử dụng và nguyện vọng của người dân. Khi người dân có nhu cầu thế chấp để vay vốn thì giấy chứng nhận chung cả quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là hợp lý và dễ sử dụng.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp cho dự thảo luật sửa đổi. Kính mong Ban soạn thảo cân nhắc trình Quốc hội để việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong tiến trình đầu tư xây dựng được thực hiện.

Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 2009

Nguyễn Quốc Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Nhà Thầu Việt Nam

Các văn bản liên quan