Trích ý kiến của đại biểu Nguyễn Đăng Vang – Bình Định về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 16:37 05-06-2009

Tôi xin được tham gia ý kiến vào 4 điều trong tổng số 35 điều cần được điều chỉnh, chỉnh sửa.

Thứ nhất là Điều 119, về lĩnh vực thời hạn xử lý đơn đăng ký thời hiệu công nghiệp được thẩm định về nội dung ở Khoản 2 đối với sáng chế là 18 tháng và đối với kiểu dáng công nghiệp nhãn hiệu là 9 tháng. Chúng tôi cho rằng nên như vậy, thậm chí có thể kéo dài hơn bởi vì ngay sau khi người ta nộp đơn thì quyền ưu tiên đã được xác lập. Cho nên cho dù chờ đợi thời gian là 9 tháng, 18 tháng hay lâu hơn thì sau này nếu có vấn đề liên quan đến kiện tụng ngay lập tức họ được xác lập ngay lúc họ nộp đơn. Vì vậy, cho nên chúng ta nếu như có một thời gian dài hơn như một số nước: Nhật là 12 tháng trong khi chúng ta bây giờ là 6 tháng hay Trung Quốc đến tận bây giờ là 24 tháng, chúng ta bây giờ điều chỉnh lên 9 tháng cũng là rất thấp. Hoặc đối với các sở hữu sáng chế như ở Singapore tới 36 tháng mà chúng ta có 18 tháng là bằng nửa thời gian, như vậy là rất ngắn. Do vậy, chúng tôi cho rằng để chúng ta có điều kiện thẩm định cho chính xác trong khi có tới hàng triệu sáng chế hiện nay trên thế giới cần phải được xác định cho chính xác thì chúng ta cần có một thời gian dài hơn như trong dự thảo luật là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề này không ảnh hưởng gì đến vấn đề cải cách hành chính hiện nay của chúng ta vì kéo dài thời gian của nó ra.

Điều 154 về điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp cần phải có một tổ chức có đủ tư cách pháp lý độc lập. Bởi vì tổ chức này là một loại hình kinh doanh, khi đã được thẩm định là có năng lực, có luật sư chuyên môn về lĩnh vực này thì họ được phép kinh doanh trong lĩnh vực này. Chúng ta quy định như vậy thì sẽ thu được mục tiêu của luật này là bảo đảm được một đội ngũ các tổ chức có đủ năng lực pháp luật để có thể thực hiện được công tác chuyên môn, dịch vụ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Có như vậy thì chúng ta mới đáp ứng được những người đăng ký đơn hiện nay, đồng thời 45% những nhãn mác và những đăng ký của các công ty nước ngoài ở nước ta mới có thể thực hiện tốt được.

Điều 187, về mở rộng quyền của chủ bằng bảo hộ, tại đây có liên quan đến Hiệp hội bảo vệ giống cây trồng quốc tế, gọi tắt là UPOV, Khoản 1 quy định: giống cây trồng có nguồn gốc thực chất, chúng tôi xin đề nghị thay đổi chữ "thực chất" bằng chữ "cơ bản". Trong đây phần vừa được bổ sung thêm có một ngôn ngữ là "lai trở lại", cụ thể là: trừ những tình trạng khác biệt là kết quả của sự tác động vào giống được bảo hộ bằng chuyển gen, lai trở lại hoặc đột biến tự nhiên hay nhân tạo, biến dị xôma, biến bị cá thể từ quần thể của giống được bảo hộ. Tại đây chúng tôi thấy khi lai các kiểu gen đã thay đổi kiểu gen và kiểu hình đều được thay đổi. Một giống là AA lai một giống là BB để tạo ra một giống AB thì giống AB đã hoàn toàn khác kiểu gen với hai giống ban đầu, đồng thời chính vì vậy kiểu hình cũng đã bị thay đổi. Cho nên chúng tôi xin đề nghị ngôn từ "lai trở lại" có đúng không, vì chỉ lai đã là thay đổi về kiểu gen và kiểu hình, trong trường hợp này sẽ phù hợp với câu nói phía trên của luật này là giống cây trồng được coi là có nguồn gốc thực chất hoặc cơ bản từ giống được bảo hộ nếu giống cây trồng đó chủ yếu vẫn giữ được biểu hiện của tình trạng thu được từ kiểu gen, trong này có ngôn ngữ là kiểu gen. Vì vậy, chúng tôi xin đề nghị nghiên cứu lại từ "lai trở lại".

Về Điều 4 chúng tôi xin được góp ý là đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc Khoản 4, Điều 214 về mức phạt. Tại đây theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì xử phạt vi phạm hành chính có thể xử phạt đến 500 triệu đồng, như vậy cao hơn trước rất nhiều, trước đây có 70 triệu đồng mà bây giờ lên tới 500 triệu đồng, chúng ta cảm nhận là có đủ sức răn đe. Nhưng trong thực tế hiện nay đã bắt đầu có những loại hình hàng hóa sản xuất quy mô lớn, chẳng hạn nước mắm Phú Quốc, chúng ta phải lấy lại được nhãn mác của Phú Quốc thì có tới vài tỷ đồng, rõ ràng đưa ra tòa thì người ta không thể xử phạt là dưới vài tỷ đồng đó. Hay là có những lô hàng hóa giả mạo không đúng với nhãn mác, nó có thể lên đến một vài tỷ đồng hiện nay, trong khi chúng ta lại phạt nhỏ như vậy là chưa phù hợp. Cho nên chúng tôi thấy Khoản 2, Điều 214 phù hợp hơn, chúng ta có thể phạt lên tới trên 500 triệu đồng, tức là gấp 1 đến 5 lần so với giá trị hàng hoá hay giá trị của sản phẩm đó. Điều này cũng phù hợp với Luật chất lượng và sản phẩm hàng hoá đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2008.

 

Các văn bản liên quan