ĐBQH Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Vi phạm sở hữu trí tuệ cần phải xử phạt nặng

Thứ Ba 23:45 02-06-2009
Hôm qua (1.6), tại hội trường, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Xung quanh những vấn đề đang đặt ra cũng như vướng mắc của việc thực thi dự án luật này, bên lề Quốc hội, xin giới thiệu nội dung cuộc trao đổi với ĐBQH Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam để hiểu rõ hơn vấn đề.

PV: Thưa ông, theo dự kiến Quốc hội sẽ thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ, vậy theo ông còn những vấn đề trăn trở gì đối với dự án luật này?

Ông Phạm Quốc Anh: Điều mà Hội Luật gia cũng như giới trí thức đang trăn trở nhất, đó chính là vấn đề Sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực rất quan trọng, nó là tài sản rất lớn của quốc gia, nó chứng tỏ sự phát triển của một quốc gia như thế nào. Cho nên, cần phải làm sao bảo hộ được sự phát triển của đội ngũ sở hữu trí tuệ trong nước, nhưng đồng thời cũng phải hội nhập được với quốc tế, đó chính là vấn đề mà trong điều 154, luật sửa đổi lần này đặt ra. Có quan điểm cho rằng đã hội nhập thì phải mở rộng cửa, cho nên cần mở rộng cho các công ty dịch vụ nước ngoài làm. Nhưng có quan điểm khác là, mở rộng để làm sao không trái với các cam kết quốc tế mà vẫn tạo điều kiện xây dựng đội ngũ sở hữu trí tuệ trong nước, mà cụ thể là Luật sư, luật gia trong nước phát triển. Đấy chính là điều trăn trở nhất hiện nay.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế hiện nay có nhiều hàng nhái, ăn cắp nhãn hiệu quốc tế, nên vấn đề rất quan trọng chính là kỷ cương bảo hộ phải nghiêm, Luật đã ban hành rồi thì phải có những quy chế chặt chẽ để thực hiện pháp luật, không thì chính các tổ chức của mình lại vi phạm. Luật đã thiết kế rồi, nhưng lo lắng hơn là Luật đi vào trong cuộc sống như thế nào, với một kỷ cương ra sao để không xảy ra những tình trạng như: ăn cắp bản quyền, làm nhái, hàng giả,... Đó là một vấn đề thực sự đáng lo lắng.

PV:  Thưa ông, nói như vậy, có nghĩa việc thực thi những gì Luật đã đề ra vẫn là một việc khá nan giải, và liệu trong lần sửa đổi này chúng ta đã có hướng giải quyết?

Ông Phạm Quốc Anh: Trong lần này cũng đã có những phương án được đề ra, nhưng việc tổ chức thực hiện vẫn là quan trọng nhất. Cho nên, đầu mối cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ phải thực hiện một cách nghiêm túc mới có hiệu quả.

PV: Vậy, để giám sát tốt việc thực hiện này cần phải xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Anh: Theo tôi, thứ nhất, phải nâng cao ý thức của những nhà khoa học, những người làm về kỹ thuật khi có những sáng kiến kỹ thuật gì đó phải đăng ký bản quyền để khi xảy ra tranh chấp mình có cơ sở để bảo vệ quyền của mình. Lâu nay, việc đăng ký bản quyền còn yếu lắm, chỉ biết làm mà không đăng ký. Thứ hai, là phải cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người ta đến đăng ký. Thứ ba, cơ quan pháp luật phải xử nghiêm những trường hợp vi phạm, việc xử lý nghiêm minh không phải là tù, mà chủ yếu là xử phạt về kinh tế.

PV: Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc xử phạt của chúng ta vẫn chưa đủ tính dăn đe, liệu Luật sửa đổi lần này có đưa ra được những biện pháp mạnh không thưa ông?

Ông Phạm Quốc Anh: Với dự án luật này, chủ trương là xử phạt mạnh mẽ và thích đáng không chỉ về mặt hình thức mà còn mang tính răn đe về mặt kinh tế. Không chỉ xử phạt một vài triệu đồng, mà là hàng trăm triệu đồng, thậm chí còn hơn để làm sao cho trường hợp vi phạm không thể lợi dụng được. Nếu không trong bối cảnh kinh tế thị trường như thế này rất khó kiểm soát.

PV: Xin Cảm ơn ông!

Trần Quyết (Thực hiện)
Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử

Các văn bản liên quan