Hàng nghìn luật sư có thể ‘treo niêu’ vì Luật mới

Thứ Ba 23:43 02-06-2009
"Nếu một tổ chức không có đủ tư cách pháp lý độc lập vẫn được kinh doanh đại diện sở hữu công nghiệp thì hàng nghìn luật sư chúng tôi có nguy cơ bị "treo niêu""- ĐB Nguyễn Đăng Trừng - TP Hồ Chí Minh - lo lắng khi thảo luận về dự án Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi sáng 1/6.

Cần trọng dụng năng lực của luật sư trong nước

Thảo luận tại hội trường sáng nay, đa số các đại biểu đồng tình với tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung điều kiện phải có đủ tư cách pháp lý độc lập với tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN - trái ngược ý kiến của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.

ĐB Nguyễn Danh  - Gia Lai  - cho rằng các tổ chức này phải có năng lực pháp luật và năng lực chuyên môn, có tư cách pháp lý độc lập để đủ năng lực chịu trách nhiệm pháp luật trong quan hệ nhân sự với bên được đại diện và với các cơ quan Nhà nước. Các đơn vị không có tư cách pháp nhân độc lập như chi nhánh, văn phòng đại diện ... hoạt động dưới danh nghĩa của các tổ chức mà mình trực thuộc, trong khi cơ quan chính nằm ở nước ngoài sẽ khó khăn khi cần xử lý.

"Dịch vụ đại diện SHCN không nằm trong cam kết mở cửa, do đó chúng ta có quyền lựa chọn giải pháp bảo vệ lợi ích doanh nghiệp và thị trường trong nước. Thực tế cho thấy thị trường dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp của nước ta có trên 40% thị phần là khách nước ngoài, nếu các công ty luật nước ngoài chỉ mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện mà được cung cấp dịch vụ này thì các tổ chức Việt Nam sẽ mất thị phần này, chưa kể phải chia sẻ thị phần đối với khách hàng trong nước" - ĐB Danh nói.


Cùng quan điểm này còn có các ĐB: Nguyễn Đăng Vang  - Bình Định,  Vũ Thị Phương Anh  - Quảng Nam, Nguyễn Trung Nhân  - TP Cần Thơ,....ĐB Vũ Thị Phương Anh  - Quảng Nam  - cho rằng thị trường dịch vụ đại diện SHCN ở nước ta hiện nay đa phần là khách nước ngoài, vì vậy đơn đăng ký của người nước ngoài chiếm tỷ lệ rất lớn và bắt buộc phải nộp qua đại diện. Nếu các công ty luật nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam chỉ mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện mà được phép cung cấp dịch vụ này thì nguy cơ việc làm của các tổ chức Việt Nam sẽ bị chuyển dịch phần lớn sang các tổ chức ở nước ngoài. Các nước sẽ không mở cửa thị trường này, vì vậy việc bảo vệ thị trường của Việt Nam vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa bảo đảm sự bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam trên bình diện quốc tế.

Đại diện cho những luật sư trực tiếp thực hiện những công việc liên quan đến đại diện SHCN, ĐB Nguyễn Đăng Trừng  - TP Hồ Chí Minh  cho rằng ý kiến trong Tờ trình của Chính phủ là bảo vệ được quyền lợi của các luật sư trong nước, các luật sư Việt Nam.

"Thí dụ Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh hiện nay có trên 3.000 thành viên là Đoàn luật sư có số lượng luật sư đông nhất so với cả nước. Nhiều luật sư chúng tôi đang sống bằng làm dịch vụ đại diện SHCN, đó là nồi cơm của các luật sư chúng tôi.  Nên nếu theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật bỏ đi nội dung tư cách pháp lý độc lập, thì nhiều luật sư chúng tôi làm dịch vụ đại diện SHCN coi như sẽ "treo niêu"" - ĐB Trừng nói.

Cũng theo ĐB này, chúng ta không phải lo lắng rằng bổ sung nội dung tư cách pháp lý độc lập sẽ thu hẹp phạm vi các tổ chức được kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN vì ngay sau khi Luật luật sư được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thì Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 71 ngày 29/11/2006 về thực hiện các cam kết đối với WTO đã xác định rõ phạm vi thực hiện dịch vụ pháp lý của các chi nhành công ty luật nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể các chi nhánh công ty luật nước ngoài chỉ được phép thực hiện các dịch vụ pháp lý liên quan đến luật pháp quốc tế và luật pháp nước ngoài, không được thực hiện các dịch vụ pháp lý về pháp luật Việt Nam, dịch vụ đại diện SHTT là một dịch vụ pháp lý về pháp luật Việt Nam nên các chi nhánh công ty luật nước ngoài tại Việt Nam không được phép làm. Về nguyên tắc Nghị quyết của Quốc hội thực hiện về cam kết quốc tế phải có giá trị cao hơn Luật luật sư.

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về thời hạn bảo hộ

Ngoài vấn đề SHCN, rất nhiều ĐB cũng quan tâm với vấn đề thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan. ĐB Trần Văn Tấn  - Tiền Giang  -  đồng tình với việc sửa đổi theo hướng kéo dài thời gian bảo hộ tới 75 năm đối với loại hình tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh là 75 năm như dự thảo Luật để "cân bằng lợi ích giữa các loại hình, phù hợp với xu thế chung trên thế giới, khuyến khích lao động sáng tạo, đồng thời khắc phục sự đối xử bất bình đẳng giữa công dân, tổ chức Việt Nam với công dân, tổ chức các nước có quan hệ với điều ước của Việt Nam".

Tuy nhiên, đa số các đại biểu không đồng tình với việc kéo dài thời gian bảo hộ . ĐB Phan Trung Lý  - Nghệ An - cho răng vấn đề chính ở đây phải xác định các Điều ước quốc tế quy định bắt buộc chúng ta phải thực hiện như thế nào. Theo ĐB Lý, Công ước Berne hoặc Hiệp định Trips quy định thời hạn bảo hộ chỉ 25 năm hoặc 50 năm, cao nhất 50 năm. Nhưng ở Việt Nam thì tất cả các loại đều kéo dài 50 năm.

"Bây giờ lại đề nghị kéo lên đến 75 năm, tức là gấp rưỡi quy định hiện hành của các công ước quốc tế. Theo chúng tôi không thỏa đáng nhất là điều kiện Việt Nam hiện nay khi mà chúng ta đang tận dụng tất cả các quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho đất nước phát triển." - ĐB Lý nói. 

Một vấn đề khác cũng có nhiều ý kiến trái ngược khi thảo luận là thời hạn xử lý đơn đăng ký SHCN. Các đại biểu Nguyễn Thị Mai  - Ninh Thuận, Ngô Văn Minh  - Quảng Nam, Trần Văn Tấn  - Tiền Giang, Trần Thị Hoa Ry  - Bạc Liêu...không đồng tình với việc kéo dài thời hạn vì lo ngại đây sẽ là một bước thụt lùi về cải cách hành chính. Tuy nhiên nhiều đại biểu khác lại cho rằng việc kéo dài là cần thiết như các ĐB Vũ Thị Phương Anh  - Quảng Nam, ĐB Nguyễn Đăng Vang  - Bình Định. ĐB Nguyễn Đăng Vang đồng tình với dự thảo về việc kéo dài thời hạn lên 18 tháng với kiểu dáng công nghiệp và lên 9 tháng với nhãn hiệu.

" Chúng tôi cho rằng nên như vậy, thậm chí có thể kéo dài hơn bởi vì ngay sau khi người ta nộp đơn thì quyền ưu tiên đã được xác lập. Cho nên cho dù chờ đợi thời gian là 9 tháng, 18 tháng hay lâu hơn thì sau này nếu có vấn đề liên quan đến kiện tụng ngay lập tức họ được xác lập ngay lúc họ nộp đơn" - ĐB Vang nói.

Theo ĐB Vang, hiện quy định về thời hạn của Việt Nam vẫn ngắn hơn so với nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore...


Quỳnh Trang
Nguồn: Báo điện tử VnMedia

Các văn bản liên quan