Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ: Sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền

Thứ Ba 23:42 02-06-2009
Sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao trên cơ sở thỏa thuận...

Sử dụng tác phẩm không phải xin phép nhưng phải trả tiền

Về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao (tại điều 26 và điều 33), các đại biểu đều đồng thuận với việc phải trả tiền thù lao trên cơ sở thỏa thuận, nhưng yêu cầu có thêm quy định cụ thể để Chính phủ giải quyết những trường hợp không thỏa thuận được về mức thù lao và để phù hợp với công ước Berne. ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đề nghị với những trường hợp sử dụng tác phẩm vì mục đích thương mại thì phải có sự thống nhất với chủ sở hữu, tác giả trước về việc sử dụng tác phẩm, cũng như những khoản tiền nhuận bút phải trả.

Việc các tác phẩm được sử dụng không vì mục đích thương mại thì không phải trả nhuận bút, ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) đồng tình, còn ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) lại khẳng định làm như vậy là trái với hiệp định WTO, cũng không phù hợp với công ước Berne rất coi trọng tinh thần của tác giả cũng như quyền tác giả được nhận thù lao hợp lý, bởi "đòi nhạc sỹ sáng tác 5, 7 bài hát nổi tiếng mà mình trả người ta 1 triệu sau đó mình cứ dùng chùa thoải mái thì người ta sống bằng gì, người ta phải đi bán cafe, người ta phải đi làm những nghề nghiệp khác, như vậy là hạn chế sáng tác của người ta và công chúng sẽ thiệt thòi. Chúng tôi cho rằng các tổ chức phát sóng phải trả tiền khi phát các tác phẩm đã được công bố là hoàn toàn đúng đắn, văn minh". 

Với đề xuất của dự thảo luật thay thế cơ chế xác định mức phạt riêng tức từ 1-5 lần giá trị hàng xâm phạm, bằng cơ chế chung theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đến 500 triệu đồng cũng gây những phản ứng trái chiều, người đồng tình thì cho rằng mức 500 triệu là đủ sức răn đe, thực tế lâu nay cũng chưa có mức phạt nào lớn hơn 500 triệu như ý kiến ĐB Nguyễn Danh - Gia Lai.

Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng mức 500 triệu đồng là quá nhỏ với những thương hiệu lớn hay những lô hàng hóa lớn, nên đề nghị giữ như Luật hiện hành, cũng là để tương thích với Luật chất lượng và sản phẩm hàng hoá đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2008 (ĐB Nguyễn Đăng Vang - Bình Định).

Chủ đề nóng nhất của thảo luận liên quan đến việc dự thảo luật sẽ tăng thời hạn bảo hộ quyền tác giả (điều 27), quyền liên quan (điều 34) đến 75 năm.

Tăng thời gian bảo hộ tác quyền lên 75 năm?

Riêng lập luận phải tăng thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên 75 năm để phù hợp với Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ của dự thảo luật đã gây tranh luận sôi nổi.

Đại diện cho những ý kiến "thuận" là ĐB Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) ủng hộ việc sửa luật theo BTA (Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ) để tránh tình trạng có xung đột pháp lý khi có tranh chấp cần tòa án giải quyết, "Nếu như công dân Hoa Kỳ có tác phẩm lưu hành taị Việt Nam được bảo hộ theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là 75 năm còn chúng ta không kéo dài, tác phẩm của nước Việt Nam ở trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian bảo hộ có tranh chấp kiện ra Tòa án thì Tòa án áp dụng như thế nào?".

Áp đảo hơn là những ý kiến đề nghị giữ nguyên thời hạn 50 năm như luật hiện hành, vì đã phù hợp với công ước Berne và Hiệp định TRIPS, đồng thời cân bằng được quyền lợi của tác giả và quyền được hưởng thụ văn hóa của công chúng, nhất là dân số ở vùng nông thôn với mức thu nhập thấp. Còn khi có liên quan đến yếu tố nước ngoài thì sẽ áp dụng quy định của Điều ước mà VN tham gia hoặc ký kết, nên sẽ không sợ "thiệt thòi" như lời ĐB Vũ Hồng Anh.

ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) thì đồng ý thời hạn bảo hộ quyền tác giả là 75 năm, nhưng vẫn giữ nguyên thời hạn của quyền liên quan (quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất, bản ghi âm, ghi hình...) là 50 năm bởi Hiệp định BTA với Hoa Kỳ chỉ áp dụng với quyền tác giả mà không áp dụng với quyền liên quan.

Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về việc kéo dài thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu trí tuệ công nghiệp, điều kiện kinh doanh nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp, và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động giám định sở hữu trí tuệ, hay chuyện cơ quan quản lý Nhà nước nên để 3 bộ như hiện nay hay nên tập trung về một đầu mối, để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ để quản lý chặt chẽ và phù hợp với vấn đề này trong điều kiện hiện nay của nước ta...

Rất tiếc, cơ quan chủ trì soạn thảo đã không có đại diện tham dự buổi thảo luận.

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet

Các văn bản liên quan