Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Quân – Quảng Nam

Thứ Ba 10:29 03-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có một ý kiến và đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh. Việc người dân cùng nhau hợp tác và thành lập các tổ chức chăm sóc sức khỏe, các cơ sở khám, chữa bệnh dưới hình thức hợp tác xã có thể nói là hình thức y tế hiệu quả nhiều mặt cả khía cạnh huy động các nguồn lực cũng như khía cạnh xã hội. Hợp tác xã y dược hiện nay đang là xu thế ở nhiều nước, nhiều khu vực trên toàn thế giới. Ở Châu Âu hợp tác xã y dược do các bác sĩ và do người dân thành lập khá phổ biến, trong đó có những hợp tác xã hoạt động không chỉ ở quy mô một trong một nước mà hoạt động ở nhiều nước.

Ví dụ ở Nhật có 2 tổ chức hợp tác xã y tế quy mô quốc gia là Liên đoàn hợp tác xã y tế Nhật Bản họ có hàng nghìn bệnh viện, các trạm khám y tế khác nhau và hàng vạn cán bộ y tế. Hợp tác xã y tế của hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản cũng có hàng nghìn bệnh viện và trạm y tế và phòng khám khác nhau. Hầu như không phải chỉ các hoạt động về khám, chữa bệnh mà kể cả các hoạt động về giáo dục, tuyên truyền y tế và bảo vệ sức khỏe đều do các hợp tác xã y tế triển khai. Có thể nói trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở Nhật Bản tế và chăm sóc sức khỏe trên địa bàn nông thôn là do hợp tác xã y tế bảo đảm.

Ở Việt Nam hiện nay đang có không ít những cơ sở khám, chữa bệnh tuy quy mô còn nhỏ đã được thành lập và hoạt động dưới hình thức hợp tác xã. Trong Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hôi có nêu là các cơ sở khám chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã, trong đó có một điểm như thế.

Tuy nhiên, thì trong dự thảo Luật và kể cả trong Chương IV Mục 1, Điều 42 là chương quy định về các cơ sở khám chữa bệnh lại chưa thể hiện được điều đó và không có một ý nào, điểm nào quy định là các cơ sở khám, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật. Và trên thực tế đã và đang xảy ra tình hình một số nơi, một số địa phương đã có những cản trở không cho phép thành lập cơ sở khám chữa bệnh theo Luật hợp tác xã với lý do không có những quy định và không có hướng dẫn cụ thể những vấn đề này.

Những năm vừa qua thì Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đã phối hợp với Liên đoàn Hợp tác xã y tế Châu Á Thái Bình Dương cũng như Liên đoàn Hợp tác xã y tế Nhật Bản cùng với Bộ y tế đã tổ chức một số cuộc hội thảo, hội nghị về mô hình hợp tác xã y tế. Hiện nay chúng tôi cũng đang đề nghị với họ giúp xây dựng một số mô hình hợp tác xã y tế cũng như mô hình bệnh viện hợp tác xã tại Việt Nam. Và vừa rồi cũng đã làm thử ở một số nơi, một số mô hình nhỏ và đã có hai nơi họ đăng ký, nhưng cả hai nơi đó lúc ban đầu thành thật ra là rất khó khăn. Cho đến bây giờ ở một số địa phương đang có hợp tác xã đăng ký nhưng mà cũng chưa được thành lập. Còn một nơi thì ra, một tỉnh cũng ra lúc ban đầu hết sức khó khăn, nhưng bây giờ bắt đầu hoạt động tốt rồi và hiện nay được chính quyền địa phương hết sức ủng hộ. Đây là một vấn đề đặt ra cho thấy rất rõ rằng nếu không có những quy định đầy đủ và rõ ràng về hình thức hợp tác xã đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trong Luật thì sẽ không có cơ sở pháp lý, không có cơ sở lập pháp và điều này sẽ cản trở để tổ chức vấn đề này trên thực tế. Vì vậy tôi xin đề nghị là bổ sung vào Điểm 1, Đều 42, quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh. Chỉ một điểm thôi mà bao gồm 4 chữ, 4 chữ "và hợp tác xã", cụ thể như thế này: có quyết định thành lập của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ... (chấm chấm) theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và hợp tác xã đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

Kính thưa Quốc hội,

Có thể nói xung quanh vấn đề phát triển hợp tác xã hiện nay là có quá nhiều vấn đề, những vấn đề về quan niệm, quan điểm, rồi vấn đề cơ chế chính sách, cho đến các vấn đề có liên quan đến cơ sở pháp lý, pháp luật cho hợp tác xã hoạt động cho người dân lựa chọn con đường hợp tác xã và cho hợp tác xã hoạt động. Vừa rồi chúng tôi thấy rất mừng trong rất nhiều cuộc thảo luận ở Quốc hội có nhiều đồng chí cũng như nhiều đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề hợp tác xã và cả ở khía cạnh cơ chế chính sách cũng như thi hành luật pháp và phát biểu cũng tương đối nhiều về vấn đề này. Tôi đề nghị Quốc hội quan tâm hơn nữa đến nội dung này trong vấn đề xây dựng pháp luật. Tôi xin có ý kiến như vậy và rất mong được Quốc hội quan tâm, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan