Góp ý của đại biểu Quốc hội Cầm Chí Kiên – Sơn La

Thứ Ba 10:26 03-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Tôi bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật. Theo gợi ý của Đoàn chủ tịch, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về Điều 6 tôi hoàn toàn nhất trí như trong dự thảo luật là cấm cán bộ, công nhân viên chức của ngành y trong việc tham gia thành lập, quản lý điều hành bệnh viện tư.

Để thực hiện vấn đề đó, tôi đề nghị nhà nước sớm có chế độ, chính sách về tiền lương cho phù hợp, chế độ ưu đãi thích hợp. Như nhiều đại biểu nêu thời gian học của nghề y dài, nhưng chế độ đãi ngộ hiện nay rất thấp, vì vậy nhà nước cần sớm ban hành chế độ tiền lương và ưu đãi phù hợp.

Thứ hai, về cấp chứng chỉ hành nghề tôi cũng nhất trí là chỉ cấp 1 lần nhưng mà để làm tốt vấn đề đó thì cũng như các đại biểu đã đề nghị đó là tăng cường công tác kiểm tra thanh tra và vi phạm phải thu hồi. Nhưng tôi cũng xin đề nghị là đồng thời phải tăng cường bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng cao tay nghề và y đức của nghề y để làm thế nào cán bộ y tế thực sự là "lương y như từ mẫu".

Vấn đề thứ ba, tôi cũng nhất trí thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hành nghề như trong dự thảo đã nêu là cấp bộ thì cấp đối tượng thuộc phạm vi của bộ quản lý, Sở Y tế thì cấp trong phạm vi của Sở quản lý, nhưng đồng thời có giá trị phạm vi trong toàn quốc. Để thực hiện tốt vấn đề này thì tôi xin đề nghị là phải quan tâm, nâng cao chất lượng của Hội đồng tư vấn. Điều 28 cũng có nếu về vấn đề nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn giúp cho Bộ trưởng và Giám đốc Sở y tế, nhưng ở đây tôi cũng xin đề nghị là phải làm rõ trách nhiệm. Nếu như trường hợp là Hội đồng tư vấn thực hiện chưa được chuẩn lắm hoặc là không hoàn thành trách nhiệm đối với Bộ trưởng và giám đốc thì cũng phải có chế tài. Vấn đề nữa tôi cũng quan tâm là đương nhiên có hội đồng này vì với đối tượng chúng ta biết là số cần phải cấp chứng chỉ hành nghề là rất lớn. Do đó chắc chắn là sẽ có 1 hoặc 2 vị làm chuyên trách, rồi một số cán bộ công nhân viên giúp việc nữa. Do đó mà làm thế nào có quy định chặt chẽ về vấn đề số lượng người tham gia để tránh tình trạng phình biên chế và tăng phần gánh nặng cho tài chính.

Vấn đề thứ tư, xung quanh vấn đề cấp giấy phép đối với cơ sở khám, chữa bệnh tôi cũng nhất trí là cấp một lần nhưng đồng thời cũng phải tăng cường công tác kiểm tra để xử lý những vi phạm, sai sót.

Ngoài vấn đề trên tôi có một số vấn đề quan tâm, tại Điều 5 có nêu trong vấn đề quản lý Nhà nước nêu rõ trách nhiệm của Bộ Y tế và của các Bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, nhưng trong vấn đề quản lý Nhà nước chúng ta biết là có cả hệ thống Ủy ban nhân dân các cấp, do đó tôi xin đề nghị trách nhiệm về vấn đề quản lý Nhà nước gồm cả Ủy ban nhân dân các cấp. Bởi vì hệ thống y tế của ta và hệ thống khám chữa bệnh của chúng ta có 4 cấp, do đó trách nhiệm quản lý Nhà nước cũng phải cả các cấp hành chính này cũng phải có trách nhiệm tham gia.

Đồng thời chúng ta đang tiến hành xã hội hóa về vấn đề chăm sóc sức khỏe, do đó nếu như chỉ có trách nhiệm của Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh không, thì các cơ sở tôi sợ để đảm bảo quản lý cho chặt chẽ và hiệu quả sẽ không cao. Do đó cần phải có cả Ủy ban nhân dân các cấp cũng phải có trách nhiệm trong công tác khám chữa bệnh này, trong công tác quản lý hành chính đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn của mình.

Cùng với vấn đề đó tôi thấy trong trách nhiệm, đặc biệt trong công tác tuyên truyền và công tác triển khai chủ yếu là giao cho Bộ Y tế, nhưng tôi thấy để triển khai tốt được cần phải có trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội và của Mặt trận, nhất là trong công tác giám sát, trong vấn đề triển khai thực hiện, nhất là trách nhiệm của người hành nghề các cơ sở y tế. Cho nên những vấn đề đó theo tôi nghĩ cùng với trách nhiệm của các Bộ, ngành của Nhà nước thì trách nhiệm của hệ thống chính trị nói chung và trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội trong vấn đề tuyên truyền vận động, giám sát thực hiện luật cũng cần được ghi trong luật này.

Ngoài ra tôi cũng nhất trí với ý kiến của đồng chí vừa nêu trước tôi là chúng ta mới nói khám, chữa bệnh của người nước ngoài hành nghề ở nước ta, nhưng việc người nước ngoài về khám, chữa bệnh ở nước ta cũng cần phải được quy định. Ví dụ như ở Sơn La chúng tôi, báo cáo các đồng chí, chúng tôi có 250km đường biên với Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và bạn Lào cũng rất khó khăn, cho nên thường sang khám, chữa bệnh ở chúng tôi rất nhiều mà trong điều kiện chúng tôi cũng rất khó khăn. Cho nên những vấn đề đó cần có những quy định thêm để làm thế nào vừa đảm bảo quan hệ hữu nghị đặc biệt, đồng thời đây cũng là trách nhiệm đối với con người. Cho nên xin làm rõ thêm về vấn đề đó để tạo điều kiện thuận lợi cho anh em ngành y của tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan